Hà Nội đã ghi nhận hơn 8.400 ca mắc sốt xuất huyết, 12 ca tử vong

Theo Sở Y tế Hà Nội, thống kê đến ngày 23/10/2022, toàn thành phố ghi nhận 8.481 ca mắc sốt xuất huyết, 12 ca tử vong, số ca mắc tăng nhiều so với cùng kỳ năm 2021 (2.627 ca mắc, 0 ca tử vong).
28/10/2022 09:36

Bệnh nhân phân bổ tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 530/579 xã, phường, thị trấn. Đặc biệt, bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tập trung tại một số quận, huyện vùng ven như: Đan Phượng, Thanh Oai, Thường Tín, Thanh Trì.

Theo nhận định của CDC Hà Nội, trong năm 2022, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng nhanh và tăng vượt mức trung bình giai đoạn 2019-2021. Đến nay, toàn thành phố ghi nhận 720 ổ dịch, hiện tại còn 156 ổ dịch đang hoạt động.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Phó Giám đốc CDC Hà Nội dự báo, đỉnh dịch sốt xuất huyết có thể rơi vào trung tuần tháng 11. Do đó, trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã cần tăng cường giám sát, phát hiện sớm, cảnh báo, tư vấn điều trị cho các bệnh nhân mắc bệnh kịp thời. Đồng thời, trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã cần tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm dịch bệnh sốt xuất huyết tại các cơ sở điều trị và tại cộng đồng để khoanh vùng, xử lý ổ dịch sớm nhất.

Tại quận Đống Đa - một địa bàn có nhiều ổ dịch, từ đầu tháng 9/2022 đến nay, trước lượng bệnh nhân ngày càng tăng lên, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa đã xây dựng quy trình tiếp nhận, sàng lọc, phân loại cụ thể đối với từng ca bệnh sốt xuất huyết. Ngoài việc thu dung bệnh nhân điều trị, bệnh viện cũng đã tổ chức tập huấn cho toàn bộ y, bác sĩ trong bệnh viện nhằm nâng cao kiến thức, sẵn sàng cho công tác điều trị khi tình hình dịch bệnh gia tăng.

Bác sĩ Nguyễn Thái Minh, Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa Đống Đa), Phó Chủ nhiệm chuyên khoa đầu ngành Truyền nhiễm Hà Nội chia sẻ, bệnh nhân mắc sốt xuất huyết khoảng 80% là lành tính. Không phải bệnh nhân sốt xuất huyết nào cũng phải nhập viện. Với bệnh nhân sốt xuất huyết nặng, trên những cơ địa đặc biệt như người béo phì hoặc có bệnh mạn tính sẽ được các bác sĩ chỉ định nhập viện điều trị kịp thời. 

“Khi người dân có các triệu chứng nghi ngờ bị sốt xuất huyết, nên đi khám ở cơ sở y tế. Các trường hợp nhẹ có thể điều trị tại nhà nhưng phải theo dõi sát các dấu hiệu toàn thân theo hướng dẫn của bác sĩ, chỉ dùng thuốc hạ sốt theo chỉ định. Tuyệt đối không dùng kháng sinh hoặc tự ý truyền nước, truyền đạm hoặc dung dịch cao phân tử tại nhà. Bệnh nhân cần được khám và uống thuốc theo kê đơn của bác sĩ. Bởi vì khi uống thuốc không được kê đơn theo phác đồ điều trị của bác sĩ sẽ rất nguy hiểm và khi bệnh trở nặng mới vào bệnh viện sẽ khiến việc điều trị phức tạp, khó cứu chữa”, bác sĩ Nguyễn Thái Minh khuyến cáo.

Theo Hà Nội mới

comment Bình luận

largeer