Hải Phòng: Trường Tiểu học Lê Hồng Phong thực hiện tốt công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm bếp ăn bán trú

Là trường tiểu học có số lượng học sinh lớn nhất nhì quận Kiến An, TP. Hải Phòng, trường Tiểu học Lê Hồng Phong đang thực hiện mô hình bếp ăn bán trú cho học sinh từ khối 1 đến khối 5. Làm thế nào để đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, luôn là trăn trở của Ban giám hiệu và cán bộ, giáo viên nhà trường.
10/03/2023 16:02

Năm học 2022 – 2023, trường Tiểu học Lê Hồng Phong có 1.360 học sinh chia làm 34 lớp học tại 2 cơ sở. Hàng năm, qua khảo sát đăng ký ăn bán trú, nhà trường tiếp nhận khoảng 70% nguyện vọng từ các bậc phụ huynh mong muốn cho các con từ khối 1 đến khối 5 được ăn bán trú tại trường, trong đó khối 1 và 2 là 100%.

Empty

Chia sẻ với phóng viên, thầy giáo Phạm Văn Xình – Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Hồng Phong cho biết: Từ cơ sở vật chất hiện có, nhà trường có thể đáp ứng 100% nhu cầu ăn bán trú của các con. Những năm trước, nhà trường thực hiện mô hình bếp ăn bán trú theo hình thức nhà trường tự sản xuất, tức là ký hợp đồng với nhà cung cấp lương thực – thực phẩm chuyển tới bếp ăn của trường. Tại đây, nhà trường thành lập tổ bếp nấu ăn cho học sinh từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần, Ban Giám hiệu phải cắt cử 1 cán bộ chuyên trách lo kiểm soát từ đầu vào của thực phẩm cho tới toàn bộ quy trình chế biến các món ăn, vệ sinh nhà bếp. Với cách làm này, nhà trường sẽ phải gánh chịu mọi rủi ro, sự cố xảy ra từ bữa ăn học đường, điều này ít nhiều có ảnh hưởng tới công tác chuyên môn, giảng dạy của các giáo viên.

Empty

Năm học 2022 – 2023, thực hiện sự chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo về việc cho phép các trường chủ động trong việc ký hợp đồng với các đơn vị cung cấp lương thực - thực phẩm. Nhận thức được tầm quan trọng của bếp ăn bán trú có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, thể chất và tinh thần của học sinh, đến chất lượng dạy và học của nhà trường, cũng như nỗi lo lắng của cha mẹ học sinh, nhà trường đã chủ động tìm hiểu và liên hệ với công ty chuyên chế biến, cung cấp thực phẩm có uy tín để ký hợp đồng cung cấp chế biến bữa ăn bán trú cho các con. “Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy Công ty TNHH chế biến và cung cấp thực phẩm New Green hiện là một đơn vị có uy tín đang cung cấp lương thực, thực phẩm, chế biến thức ăn cho các trường học trên địa bàn thành phố. Nguồn nguyên liệu chế biến thức ăn của công ty luôn đảm bảo, chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng, có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm; đội ngũ nấu ăn có đầy đủ chứng chỉ, được tập huấn thường xuyên, tính chuyên nghiệp cao,… Do vậy, Trường tiểu học Lê Hồng Phong đã quyết định ký hợp đồng cung cấp, chế biến bữa ăn cho học sinh với Công ty TNHH chế biến và cung cấp thực phẩm New Green”, thầy giáo Phạm Văn Xình nói.

Empty

Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm trong bữa ăn, theo yêu cầu của nhà trường, hàng tuần Công ty TNHH chế biến và cung cấp thực phẩm New Green phải gửi thực đơn trước 1 tuần để Ban giám hiệu duyệt, những món ăn nào không phù hợp, không đảm bảo dinh dưỡng sẽ được yêu cầu thay đổi. Cùng với đó, nhà trường còn phân công 1 cán bộ giáo viên thường xuyên giám sát, kiểm tra công tác vệ sinh nhà bếp, nguồn thực phẩm và quy trình chế biến thức ăn, lưu mẫu thức ăn từng bữa theo quy định.

Thực đơn của Công ty New Green đưa ra rất phong phú đa dạng, gồm bữa chính và bữa phụ. Bữa ăn chính (buổi trưa) thực đơn gồm 5 món: món mặn chính, món mặn phụ, món rau, món canh và tinh bột (cơm trắng); Bữa ăn phụ (bữa chiều) các con sẽ được uống sữa với các loại sữa có thương hiệu và được thay đổi như: sữa chua uống Yakult, sữa chua Vinamilk, sữa Su Su,…

Empty

Có mặt tại trường lúc 10 giờ 30 phút sáng, đúng vào thời điểm các cô đang tổ chức chia cơm cho các con, theo quan sát của phóng viên, khu vực chế biến nấu nướng của Trường tiểu học Lê Hồng Phong tuy không được rộng rãi, nhưng rất sạch sẽ, bố trí khoa học, gọn gàng, các dụng cụ ăn uống như bát, đĩa, thìa, khay… đều được làm bằng inox, sau mỗi lần sử dụng đều được rửa sạch sẽ và hấp bằng máy đảm bảo vệ sinh an toàn. Tại các lớp học, các con được phát mỗi người một khay inox đựng cơm với 5 món ăn gồm cơm, thịt, trứng, rau và canh. Khi được hỏi các con ăn cơm có ngon không, tất cả các con lớp 1A1 đều đồng thanh trả lời ngon và ăn hết.

Chị Hương, có con học lớp 3 ở trường chia sẻ: “Do cả hai vợ chồng đều đi làm xa, nên chúng tôi quyết định đăng ký cho con ăn bán trú tại trường. Thực đơn các bữa ăn hàng ngày, hàng tuần đều được các cô giáo chủ nhiệm gửi vào nhóm zalo của lớp để các phụ huynh có thể tham gia góp ý kiến. Cuối buổi đón con về nhà ăn cơm, khi ngồi vào mâm cơm gia đình con tôi luôn nói: 'Cơm ở nhà không ngon bằng cơm ở lớp'. Thực tế cho thấy, qua kiểm tra sức khỏe của con, tôi thấy con khỏe mạnh, tăng cân đều. Chúng tôi rất mừng và luôn tin tưởng vào cô giáo chủ nhiệm và Ban giám hiệu nhà trường”.

Khi được hỏi, thầy có kiến nghị đề xuất gì để tiếp tục cải tiến, nâng cao chất lượng bữa ăn và an toàn thực phẩm tại trường học? Thầy Phạm Văn Xình nói: "Theo quan điểm riêng của tôi, các nhà trường nên chuyển đổi mô hình bếp ăn bán trú từ 100% nhà trường tự nấu nướng sang mô hình liên kết bếp ăn bán trú với các công ty chế biến và cung cấp thực phẩm có uy tín. Tuy nhiên, các đơn vị cung cấp thực phẩm vẫn phải chịu sự giám sát của nhà trường, của phụ huynh học sinh để luôn đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm trong các bữa ăn của các con. Rất mong các ban, ngành thành phố và quận có hướng dẫn cụ thể để các nhà trường chuyển đổi mô hình bếp ăn bán trú vệ sinh, an toàn, chất lượng để các nhà trường và các thầy cô giáo tập trung vào hoạt động chuyên môn vì thế hệ tương lai của đất nước".

Văn Chương

comment Bình luận

largeer