Hiện tượng nổi da gà là gì?

Hầu như tất cả mọi người đều sẽ trải qua hiện tượng nổi da gà. Theo lý giải khoa học, đây là phản xạ tự nhiên của con người, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Song đối với nhiều biểu hiện kèm theo khác xuất hiện cùng, đây cũng có thể là dấu hiệu của một căn bệnh nào đó.
12/11/2020 14:19

Nổi da gà (còn gọi là Sởn gai ốc hay Nổi gai ốc), tên y học là cutis anserina, là phản xạ tạo thành những nốt nổi trên da người do chân lông tự co thắt khi bị lạnh hoặc có cảm xúc mạnh như sợ hãi. Phản xạ nổi da gà không chỉ có ở con người mà còn có ở nhiều loài động vật có vú khác; một ví dụ điển hình là nhím sẽ xù lông lên khi bị đe dọa...

Nổi da gà trên người thực tế là một phản ứng không tự nguyện của hệ thần kinh giao cảm và là một dạng của phản ứng stress cấp tính. Cơ chế này thường xảy ra khi chúng ta gặp lạnh (bảo vệ thân nhiệt cơ thể), sợ hãi, phấn khích và nhiều dạng cảm xúc khác.

noi da ga

Hình minh họa.

Từ thời nguyên thủy, khi con người còn nhiều lông hơn so với con người ngày nay, phản ứng nổi da gà sẽ giúp cơ thể ấm lên.

Khi đó, da sẽ tạo thành những nốt nổi tròn phồng nhỏ nổi lên trên da do chân lông tự co thắt. Những nốt này xuất phát từ sự co cơ dính liền với mỗi sợi lông. Lông cắm sâu vào da và chân lông được nằm trong một bao (nang). Mỗi nang được một cơ sẽ làm nang phồng lên, đội lớp da lên tạo thành những hột trên mặt của da. Ðó là da gà”. Khi nang phồng lên, sợi lông bên trong sẽ dựng đứng lên.

Nổi da gà thường thấy rõ nhất trên cánh tay, chân, cổ… Ở một số trường hợp nổi da gà thể xuất hiện cả trên mặt. Chúng sẽ tự hết khi những tác nhân kích thích trên biến mất.

Đây là một cơ chế mà chúng ta thừa hưởng từ tổ tiên. Tuy từng rất hữu ích trong quá khứ nhưng hiện nay không có nhiều tác dụng với cơ thể người hiện đại.

Theo Scientific American, nổi da gà xảy ra khi một lớp da bất ngờ nhô cao, thoạt nhìn khá giống với lớp da của gia cầm sau khi nhổ lông. Những lớp da nhô lên này là kết quả của việc các cơ nhỏ dưới lông bị co lại, khiến vùng da gần lông bất ngờ nhô lên cao hơn so với bề mặt xung quanh. Hiện tượng này cũng khiến tóc thường dựng lên mỗi khi cơ thể cảm thấy lạnh.

Ở những loài động vật với lớp lông dài, phản ứng trên tạo ra một vùng đệm, giúp ngăn chặn nhiệt bị thoát ra ngoài và điều chỉnh nhiệt độ cơ thể. Lớp lông càng dày, nhiệt lượng giữ lại sẽ càng nhiều hơn.

Ở các loài động vật bậc cao như con người, cảm xúc là một trong những tác nhân khiến cơ thể nổi da gà. Lý giải cho cơ chế tác động này chính là việc tiềm thức giải phóng một loại hormone căng thẳng có tên adrenaline. Adrenaline là một hormone do tuyến thượng thận, nằm ở trên đỉnh hai tạng thận tạo ra. Loại hormone đặc biệt này tham gia vào rất nhiều phản ứng khác nhau của cơ thể người, trong đó có nổi da gà.

Sau khi trạng thái cảm xúc xuất hiện, adrenaline sẽ được phóng vào máu, đồng thời đóng vai trò truyền tải xung thần kinh cho các cơ quan khác nhau. Adrenaline tác động trực tiếp lên các thần kinh giao cảm giúp cơ thể phản ứng lại trước các mối nguy hiểm. Hệ quả là phản ứng sởn gai ốc xảy ra khi chúng ta có một cảm xúc nào đó cực mạnh.

Nổi da gà cũng có thể xuất hiện khi đạt khoái cảm trong quan hệ tình dục. Trong cấu tạo tế bào da, ngay dưới da có một phần cơ gọi là “cơ dựng lông”. Tại thời điểm đạt cực khoái, các cơ co lại và “cơ dựng lông” cũng co lại, dẫn đến hiện tượng co giật hoặc căng cứng cơ, khiến da nổi sẩn lên, xuất hiện hiện tượng “nổi da gà”. Đây là một đặc tính sinh lý bình thường, không đáng lo ngại và không liên quan gì với việc bị cảm lạnh.

Như vậy, nổi da gà chỉ là một phản ứng bình thường của cơ thể, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, nếu hiện tượng này xảy ra thường xuyên, kéo dài và kèm theo xuất hiện một số triệu chứng như: ngứa, mẩn đỏ, khó chịu ,…thì cần đến cơ sở y tế có chuyên khoa da liễu để được khám và tư vấn.

Ánh Dương (tổng hợp)

comment Bình luận

largeer