Hiệu quả trong hoạt động chăm sóc sức khỏe Nhân dân của Hội Điều dưỡng Hà Tĩnh - Bài cuối: Một trong năm tỉnh Hội hoạt động hiệu quả nhất

Tại Đại hội khóa VII, nhiệm kỳ 2022 - 2027 và kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Hội Điều dưỡng Hà Tĩnh, ông Phạm Đức Mục, Chủ tịch Hiệp hội Điều dưỡng Việt Nam ghi nhận những thành quả mà Hội Điều dưỡng Hà Tĩnh đã đạt được trong thời gian qua và khẳng định, Hội Điều dưỡng Hà Tĩnh là một trong 5 tỉnh hội hoạt động hiệu quả nhất toàn quốc.
29/09/2024 22:28
Chi hội trưởng Hội Điều dưỡng Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Tĩnh thăm hỏi, động viên người bệnh, người nhà

Chi hội trưởng Hội Điều dưỡng Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Tĩnh thăm hỏi, động viên người bệnh, người nhà

Giá trị nhân văn thể hiện qua ứng xử của hội viên, Chi hội

Mỗi ngành nghề đều có sự cao quý, riêng đặc thù nghề Y cao quý là chữa bệnh cứu người, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân nên đòi hỏi trong mọi hoạt động, tình huống đều thận trọng, bản lĩnh trước những áp lực, nguy hiểm. “Y tá chẳng những là một nghề nghiệp, mà lại là một nghĩa vụ”, khắc sâu lời Bác dạy, các hội viên, Chi hội điều dưỡng luôn xác định đúng tâm thế, vị trí của mỗi người, nêu cao tinh thần trách nhiệm, không ngừng học hỏi, sáng tạo để hướng tới sự hài lòng của Nhân dân.

“Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai”, các điều dưỡng viên Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Tĩnh dường như xác định rõ nghề điều dưỡng là một nghề gian khổ, là hi sinh, là trái tim lúc nào cũng phải đầy ắp tình yêu thương nhân loại. Những tâm sự dồn nén trong lòng, chất chứa bao điều thương cảm dành cho người bệnh được hiện thực hóa bằng ánh mắt dịu dàng, đôi tay nhẹ nhàng, lời nói, cử chỉ ân cần dễ chịu động viên người bệnh trong bất cứ mọi hoàn cảnh. Chỉ cần người bệnh nở nụ cười tin tưởng, hi vọng là các điều dưỡng viên mới ăn ngon, ngủ yên.

Điều dưỡng Trần Thị Thanh luôn tâm niệm xem người bệnh như người nhà, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho bệnh nhân điều trị hiệu quả

Điều dưỡng Trần Thị Thanh luôn tâm niệm xem người bệnh như người nhà, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho bệnh nhân điều trị hiệu quả

Cử nhân điều dưỡng Trần Thị Thanh, Phụ trách điều dưỡng khu điều trị chất lượng cao Chi hội Điều dưỡng Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Tĩnh “miệng nói tay làm” liên tục xoa bóp, nắn các ngón tay, ngón chân, vỗ lưng bệnh nhân nằm liệt giường vì bị đột quỵ tai biến: “Bản thân tôi cũng như các điều dưỡng viên khác đều xem người bệnh là người nhà, chủ động chăm sóc bệnh nhân theo phạm vi hành nghề, thực hiện đúng chỉ định điều trị và mệnh lệnh từ trái tim mình, chỉ mong bệnh nhân nặng mất ý thức biết nhận thức, bệnh nhân liệt đôi chân trở dậy đi được, liệt đôi tay cầm nắm được,... thì thật sự không còn niềm vui, hạnh phúc nào hơn nữa”, điều dưỡng Thanh chia sẻ.

Mỗi một điều dưỡng viên, kỹ thuật viên tại Chi hội Điều dưỡng Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Tĩnh được phân công lịch trình, kỹ thuật điều trị khác nhau trên người bệnh, nhưng điều cuối cùng mong muốn kết quả mang lại cho người bệnh đạt được như ý nguyện. Đặc thù của bệnh nhân phục hồi chức năng đòi hỏi liên tục xúc tác, các kỹ thuật chăm sóc phải làm liên tục. Nhưng cái khó cho các điều dưỡng viên là người nhà đến chăm thay đổi liên tục nên phải hướng dẫn lại từ đầu, ảnh hưởng phần nào đến tiến triển công việc điều trị.

Điều dưỡng viên Lê Thị Thảo chia sẻ: “Các bệnh nhân đến đây điều trị tình trạng bệnh khác nhau, lứa tuổi khác nhau, đòi hỏi kỹ thuật chữa trị cũng khác nhau. Như em thì đảm trách kỹ thuật thay đổi tư thế, vỗ rung bệnh nhân. Với kỹ thuật này đòi hỏi người điều dưỡng phải khéo léo, nhẹ nhàng khi nâng đỡ bệnh nhân nằm nghiêng, ngồi dậy phải đúng tư thế. Nhiều bệnh nhân người to, khi không có người nhà bên cạnh, một mình em đòi hỏi phải thật cẩn thận trong từng kỹ thuật nghiêng trở, giữ đầu, lưng bệnh nhân đúng quy định”.

Công việc khó khăn là vậy nhưng điều dưỡng viên Trần Thị Thảo tay thì xoa nắn cho một bệnh nhân điều trị bệnh tai biến, đôi mắt toát lên ánh nhìn thân thiện, hiền từ. “Tôi luôn tự hào mình là người điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân, khó khăn mấy em cũng không ngại, luôn xem bệnh nhân là người thân để gần gũi hơn, điều trị nhanh khỏi hơn. Bệnh nhân khỏe thì mình mới yên tâm, vui vẻ được”, điều dưỡng Thảo chia sẻ.

Điều dưỡng Thảo rất biết ơn Chi hội về những hoạt động ý nghĩa, thiết thực để hiện thực hóa vào phục vụ, chăm sóc bệnh nhân hài lòng

Điều dưỡng Thảo rất biết ơn Chi hội về những hoạt động ý nghĩa, thiết thực để hiện thực hóa vào phục vụ, chăm sóc bệnh nhân hài lòng

Bước vào phòng bệnh nhân điều trị chấn thương sọ não, Trưởng Chi hội Điều dưỡng Bệnh viện phục hồi chức năng Hà Tĩnh, Trưởng phòng Điều dưỡng và Kiểm soát nhiễm khuẩn Dương Thị Tân liên tục hỏi thăm người nhà về tình trạng bệnh nhân có khá hơn không, bệnh nhân đã ý thức được trong việc ăn uống chưa. Đó không chỉ đơn thuần là lời thăm hỏi, động viên mà là nỗi lo lắng, trông mong, hi vọng người bệnh sớm được chữa lành.

Chi hội Điều dưỡng Bệnh viện phục hồi chức năng Hà Tĩnh với 102 hội viên, có tinh thần đoàn kết, đồng lòng, thống nhất trong mọi hoạt động của Hội Điều dưỡng Hà Tĩnh phát động. Chi hội chú trọng các sáng kiến cải tiến chất lượng chăm sóc, tinh thần thái độ phục vụ bệnh nhân hài lòng. Tích cực tham gia các cuộc thi “nét đẹp người điều dưỡng”, “tự hào là điều dưỡng” nhận về giải nhất cá nhân và giải ba tập thể. Câu chuyện đầy cảm động của Kỹ thuật viên Nguyễn Thị Nga viết về “bệnh nhân của tôi” đã lấy đi nhiều nước mắt của đồng nghiệp. “Sau khi ra trường, tôi may mắn được về làm việc tại Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Tĩnh. Tôi đã tiếp xúc với nhiều bệnh nhân, chứng kiến nhiều hoàn cảnh. Có những hoàn cảnh mà nếu dùng từ “éo le’ cũng không thể lột tả hết được những khó khăn mà họ đã phải trải qua. Những tấm thân gầy guộc, những nếp da nhăn nheo, những bước đi yếu ớt... Tất cả họ đang phải gồng mình chiến đấu, để vượt lên cái mà họ gọi là 'số phận'. Bệnh nhân tôi ngộ lắm! Họ kể về cuộc đời của mình, người nghe thì khóc mà họ vẫn cứ tươi cười. Đơn giản vì một lẽ 'Khóc hết nước mắt rồi cô ạ!'. Tôi ngậm ngùi”. Đó là trích đoạn trong bài viết dự thi “Tự hào là người điều dưỡng”, phải đồng cảm lắm, phải hóa thân mình thành người nhà bằng trái tim ấm áp, ý nghĩ chân thật, sự cảm thương vô tận thì kỹ thuật viên Lê Thị Nga mới thốt ra được những lời sâu sắc đến thế.

Chi hội luôn quan tâm đến hoạt động nhân đạo, tủ quần áo o đồng, bát cháo tình thương...

Chi hội luôn quan tâm đến hoạt động nhân đạo, tủ quần áo 0 đồng, bữa cơm tình thương...

Trong trái tim mỗi điều dưỡng Chi hội Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Tĩnh luôn chất chứa tình cảm yêu thương người bệnh, xem cái đau của bệnh nhân như nỗi đau của chính mình, thông cảm trước những bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người già neo đơn.  Với đạo lý “Thương người như thể thương thân” được hiện thực hóa qua hoạt động nhân đạo, từ thiện vì sức khỏe Nhân dân: Tủ quần áo 0 đồng, cắt tóc gội đầu cho bệnh nhân, phát cơm, cháo miễn phí cho người bệnh…, Nhiều hội viên được Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật, Sở Y tế, Hội Điều dưỡng Hà Tĩnh tặng giấy khen.

Chi hội Điều dưỡng Bệnh viện Phục hồi chức năng luôn lấy các tiêu chí hoạt động Hội làm gốc trong sinh hoạt, học tập, trau dồi chuyên môn, bồi dưỡng y đức. Hằng tuần, Chi hội tổ chức các buổi sinh hoạt Hội, các hội viên tham gia đầy đủ, nội dung phổ biến, cập nhật các kiến thức mới, hiệu quả về chăm sóc người bệnh. Bên cạnh đó Chi hội rất chú trọng công tác an sinh, vận động các mạnh thường quân ủng hộ “bữa cơm tình thương” cho các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Các hoạt động đều hướng tới sự hài lòng của người bệnh”, Trưởng Chi hội Điều dưỡng Bệnh viện phục hồi chức năng Hà Tĩnh, Trưởng phòng Điều dưỡng và Kiểm soát nhiễm khuẩn Dương Thị Tân cho biết.

Tính hiệu quả từ “ngôi nhà chung”

Với mục đích cải tiến, nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người bệnh; giáo dục truyền thống y đức của điều dưỡng viên, Hội Điều dưỡng Hà Tĩnh đã được thành lập theo quyết định số 631/ QĐ – UB ngày 4/6/1992 của UBND tỉnh Hà Tĩnh.

Thầy thuốc ưu tú, thạc sĩ Nguyễn Việt Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều dưỡng Việt Nam, Chủ tịch Hội Điều dưỡng Hà Tĩnh cho biết, Hội Điều dưỡng Hà tĩnh hình thành và phát triển trên tiêu chí đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, đào tạo nâng cao kiến thức, kỹ năng cho hội viên; Ứng dụng, phát triển các kỹ thuật và dịch vụ điều dưỡng phục vụ sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ Nhân dân; Bảo vệ và chăm lo quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên.

Vừa qua, ông Thắng cùng với 135 nhà khoa học trên cả nước được tôn vinh là trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu năm 2024. Trong suốt sự nghiệp 34 năm gắn bó với ngành Y, ông Thắng luôn dành trọn niềm đam mê, nhiệt huyết vào công việc. Trên cương vị nào ông cũng tận tâm, tận lực dốc hết năng lực, tâm trí vào hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Với cương vị là Chủ tịch Hội Điều dưỡng Hà Tĩnh, ông luôn cùng các Chi hội, Hội viên xây dựng “ngôi nhà chung” điều dưỡng từng bước phát triển về chất và lượng.

Thầy thuốc ưu tú, Ths. Nguyễn Việt Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều dưỡng Việt Nam, Chủ tịch hội Điều dưỡng Hà Tĩnh vừa được Liên hiệp các Hội Khoa học và Khoa học Kỹ thuật Việt Nam tôn vinh là trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu năm 2024, ông Thắng là người có những đóng góp lớn lao trong ngành điều dưỡng, là tấm gương miệt mài, tận tụy với nghề cho nhiều thế hệ ngành Y noi theo.

Thầy thuốc ưu tú, Ths. Nguyễn Việt Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều dưỡng Việt Nam, Chủ tịch hội Điều dưỡng Hà Tĩnh vừa được Liên hiệp các Hội Khoa học và Khoa học Kỹ thuật Việt Nam tôn vinh là trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu năm 2024, ông Thắng là người có những đóng góp lớn lao trong ngành điều dưỡng, là tấm gương miệt mài, tận tụy với nghề cho nhiều thế hệ ngành Y noi theo.

Hội Điều dưỡng Hà Tĩnh (tiền thân là Hội Y tá – Điều dưỡng Hà Tĩnh), ngày 26/10/2012 được UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3204/QĐ-UBND đổi tên thành Hội Điều dưỡng Hà Tĩnh và Phê duyệt Điều lệ Hội Điều dưỡng tỉnh Hà Tĩnh. Hội Điều dưỡng Hà Tĩnh hoạt động trên phạm vi tỉnh Hà Tĩnh trong lĩnh vực điều dưỡng. Hội chịu sự quản lý nhà nước của UBND tỉnh Hà Tĩnh về ngành, lĩnh vực mà Hội hoạt động. Hội là hội thành viên của Hiệp hội Điều dưỡng Việt Nam và Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hà Tĩnh.

Lực lượng chính của Hội Điều dưỡng Hà Tĩnh là điều dưỡng viên, hộ sinh viên, kỹ thuật viên công tác tại các bệnh viện công lập, ngoài công lập; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh; Trường Cao đẳng Y tế Hà Tĩnh và các trung tâm y tế tuyến huyện, trạm y tế với tổng số 23 chi hội và hơn 2.500 hội viên chiếm gần 60% nhân lực của ngành y tế.

Với mục tiêu “Vì người bệnh, vì sức khỏe cộng đồng, vì sự phát triển nghề điều dưỡng và sự tiến bộ của hội viên”, xuyên suốt hành trình hoạt động của Hội Điều dưỡng Hà Tĩnh luôn đi đầu là tổ chức các Hội thi, cuộc thi điều dưỡng - hộ sinh giỏi cấp cơ sở và cấp tỉnh khối bệnh viện, trung tâm y tế và khối trạm y tế xã định kỳ. Phối hợp tổ chức được 5 lần Hội nghị Khoa học điều dưỡng cấp tỉnh và 2 cuộc thi thiết kế Poster cải tiến chất lượng chăm sóc. Có 10 đề tài được đăng kỷ yếu nghiên cứu khoa học điều dưỡng toàn quốc, Tạp chí Điều dưỡng Việt Nam, có 1 đề tài đạt giải xuất sắc tại Hội nghị khoa học điều dưỡng toàn quốc lần thứ V. Có 2 Hội viên là tác giả sáng kiến cấp tỉnh, 03 hội viên đạt giải Hội thi sáng tạo KHKT cấp tỉnh và toàn quốc, 1 hội viên đạt danh hiệu Trí thức Khoa học và Công nghệ tiêu biểu năm 2024 của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

Điển hình trong hoạt động nghiên cứu, cải tiến là Chi hội Cẩm Xuyên, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, Trung tâm Y tế Hương Sơn, Bệnh viện Hương Khê, Trung tâm Y tế Nghi Xuân, Bệnh viện Đức Thọ, Y học cổ truyền, Phục hồi chức năng… Đặc biệt, điều dưỡng Hoàng Thúy Anh, Bệnh viện Cẩm Xuyên, Cử nhân Trần Văn Khoát, cử nhân Hoàng Xuân Quảng, Bệnh viện Đức Thọ có giải pháp sáng kiến đạt giải tại Hội thi Sáng tạo Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh...

Hằng năm, Hội Điều dưỡng Hà Tĩnh tích cực trong các hoạt động an sinh, chăm sóc người bệnh gội đầu, vệ sinh, tặng quà thiện nguyện, hiến máu,…Từ năm 2017 đến nay có hơn 500 lượt hội viên hiến máu trong đó có nhiều hội viên hiến máu từ 3 lần trở lên, đặc biệt có nhiều người hiến máu từ 15 -20 lần, điển hình là điều dưỡng Trần Văn Khoát, Bệnh viện Đa khoa Đức Thọ; Điều dưỡng Võ Thị Vân, Trung tâm Y tế Hồng Lĩnh;  điều dưỡng Nguyễn Minh Tú, Trung tâm Y tế Thạch Hà... và Hội viên các Chi hội bệnh viện Đức Thọ, Can Lộc, Kỳ Anh, Đa khoa tỉnh, Thạch Hà, Hương Khê, Hồng Lĩnh.

Thầy thuốc ưu tú, Ths. Nguyễn Việt Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều dưỡng Việt Nam, Chủ tịch hội Điều dưỡng Hà Tĩnh cho biết: “Trong 32 năm qua, tập thể Hội đã được UBND tỉnh, Bộ Y tế, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam và Hội Điều dưỡng Việt Nam tặng 12 Bằng khen; rất nhiều Hội viên được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, UBND tỉnh và Hội cấp trên tặng Bằng khen về thành tích công tác Hội và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn, 04 hội viên được nhà nước phong tặng danh hiệu thầy thuốc ưu tú; 1 hội viên đạt danh hiệu Điều dưỡng viên tiêu biểu của Hội Điều dưỡng Việt Nam năm 2020; 1 hội viên đạt danh hiệu Trí thức Khoa học và Công nghệ tiêu biểu năm 2024 của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; có 5 Hội viên đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp tỉnh. Những hoạt động phong phú và hiệu quả của Hội đã được ghi nhận trong cuốn sách '75 năm ngành Y tế Hà Tĩnh' do Sở Y tế xuất bản năm 2020”.

Trong quá trình hoạt động, Hội luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Sở Y tế Hà Tĩnh, Sở Nội vụ, Liên hiệp các Hội KH&KT Hà Tĩnh. Tại các bệnh viện và Trường Cao đẳng Y tế, Chi hội Điều dưỡng luôn được lãnh đạo các đơn vị quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động có hiệu quả, góp phần vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của đơn vị. Hội cũng nhận được sự quan tâm sát sao và các thành quả hoạt động Hiệp Hội Điều dưỡng Việt Nam từ khi thành lập đến nay về vận động chính sách đối với ngành Điều dưỡng, đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn, năng lực công tác Hội và các chính sách liên quan đến công tác điều dưỡng. Sự phối hợp chặt chẽ giữa Hội với hệ thống quản lý điều dưỡng của Ngành để triển khai công tác đào tạo liên tục, tổ chức các Hội thi Điều dưỡng giỏi nhằm nâng cao năng lực của người điều dưỡng luôn được chú trọng. Đội ngũ cán bộ Hội là Trưởng phòng Điều dưỡng, Điều dưỡng trưởng khoa tại bệnh viện và Giảng viên điều dưỡng của Trường Cao đẳng Y tế nên luôn có sự gắn kết giữa công tác hội và công tác quản lý điều dưỡng; luôn đoàn kết nhất trí, trách nhiệm cao. Hội viên luôn nhiệt tình và tích cực tham gia mọi hoạt động”. Ông Thắng cho biết thêm.

Hội hoạt động hiệu quả là vậy nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập như nhu cầu khám chữa bệnh của người dân và yêu cầu của các cấp quản lý về chuyên môn nghiệp vụ, giao tiếp ứng xử đối với đội ngũ điều dưỡng ngày càng cao trong khi cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập và nhiều áp lực như thiếu nhân lực chăm sóc theo dõi người bệnh do các đơn vị đều tăng công suất sử dụng giường bệnh (công suất sử dụng gường bệnh tăng từ 20-40% tùy theo từng đơn vị, số giường thực kê tăng) đã ảnh hưởng lớn đến thời gian chăm sóc người bệnh trực tiếp và sự hài lòng của người bệnh... bên cạnh đó cơ chế tự chủ, giá dịch vụ y tế chưa tính đúng tính đủ, hầu hết dịch vụ kỹ thuật do điều dưỡng, hộ sinh thực hiện chưa được quỹ BHYT chi trả; việc thực hiện các kỹ thuật có dấu (*)  tại Thông tư số 32/2023/TT-BYT do điều dưỡng được đào tạo chuyên khoa hoặc điều dưỡng/hộ sinh có trình độ đại học được đào tạo về kỹ thuật đó thực hiện đã gây khó khăn cho công tác quản lý hoạt động chăm sóc người bệnh tại các đơn vị do không đáp ứng được yêu cầu này. Ngoài ra tính chủ động, chuyên nghiệp trong thực hiện nhiệm vụ chăm sóc theo dõi người bệnh của một số điều dưỡng, hộ sinh chưa cao, nhiều hội viên còn có tâm lý thụ động trong công việc cũng đã ảnh hưởng tới chất lượng chăm sóc và hoạt động hội.

Nhận xét về hoạt động Hội Điều dưỡng Hà Tĩnh, một lãnh đạo Sở cho hay: “Hội Điều dưỡng Hà Tĩnh phát huy tính tích cực, chủ động triển khai kịp thời và có hiệu quả các chủ trương, chính sách  lớn của ngành Y tế, Hiệp hội Điều dưỡng Việt Nam và Sở Y tế Hà Tĩnh về cải tiến chất lượng công tác điều dưỡng, công tác kiểm soát nhiễm khuẩn. Đặc biệt, Hội đã thực hiện tốt Chuẩn Đạo đức nghề nghiệp của điều dưỡng viên, Kế hoạch Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ và xây dựng cơ sở y tế xanh - sạch – đẹp – an toàn. Có thể nói rằng hoạt động của Hội điều dưỡng Hà Tĩnh và Phòng điều dưỡng các Bệnh viện trong thời gian qua đã có nhiều chuyển biến rõ rệt, ngày càng khẳng định vai trò quan trọng của đội ngũ điều dưỡng trong hệ thống y tế. Hoạt động của Hội Điều dưỡng Hà Tĩnh đã được các cấp ghi nhận, được UBND tỉnh, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Hội Điều dưỡng Việt Nam tặng nhiều Bằng khen”. 

                                                                                                                                                 Hỏa Phượng

comment Bình luận

largeer