Hố tử thần là gì? Nguyên nhân xuất hiện hố tử thần ở Chương Mỹ

Ngày 6/4, một "hố tử thần" lớn xuất hiện tại xã Quảng Bị, huyện Chương Mỹ khiến nhiều người kinh hãi. Hiện hơn 20 hộ dân đã được di dời để đảm bảo an toàn. Vậy, "hố tử thần" là gì, nguyên nhân nào gây nên các "hố tử thần" có diện tích lớn như vậy?
07/04/2021 11:59

Vào ngày 6/4, một “hố tử thần” lớn xuất hiện trong lúc người dân đang khoan giếng ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội khiến chính quyền phải sơ tán khẩn 20 hộ dân lân cận để đảm bảo an toàn.

Cụ thể, gia đình ông Đặng Đình Nhâm (trú thôn 2, xã Quảng Bị, huyện Chương Mỹ) tổ chức khoan giếng. Khi khoan đến độ sâu khoảng 47 m thì giàn khoan bị nghiêng. Thấy nguy hiểm, tổ thợ khoan đã bỏ chạy, đồng thồ hô hoán chủ nhà và hàng xóm sơ tán. Chỉ sau ít giờ, một “hố tử thần” xuất hiện, "nuốt" trọn giàn khoan. Tính tới 21 giờ tối qua, "hố tử thần" này đã sâu 5 m và rộng khoảng 30 m2.

ho tu than

Hố tử thần tại Chương Mỹ.

Trước đó, tại Việt Nam cũng đã từng ghi nhận "hố tử thần" xuất hiện tại Quảng Ninh, TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành khác. 

Vậy "hố tử thần" là gì, nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này như thế nào?

"Hố tử thần" là hố sinh ra do sự sụt lún đất đá trên bề mặt khi đất bên dưới bị làm rỗng dần dần đến mức không còn đủ liên kết để đỡ các khối đất đá bên trên.

Thông thường tại vùng xảy ra sụt đất thường có cấu trúc địa chất đặc thù, và một quá trình vận động lâu dài làm rỗng dần đất đá bên dưới, nhưng sự kiện sụt đất thì diễn ra bất ngờ. Hố có thể có dạng tròn hoặc không chuẩn, kích thước ngang và độ sâu từ vài mét đến vài trăm mét. Chúng gây nguy hiểm cho con người và các công trình xây dựng, nên gây sự chú ý và được đặt nhiều tên gọi. Trong tiếng Anh ngoài thuật ngữ "sinkhole" còn được gọi là cenoteshakeholeswallet (suối ngầm), swallow hole (hố vực), doline (thung lũng, gốc từ tiếng Slav).

Theo các chuyên gia dưới góc độ địa chất học, hố tử thần xuất hiện khi nước làm xói mòn lớp bề mặt vững chắc, tạo ra một khoang ngầm khiến bề mặt sụp đổ vào trong. Tuy nhiên, thuật ngữ này có thể được sử dụng ở nghĩa rộng hơn – để chỉ bất kỳ sự sụt lún nào của bề mặt Trái đất. Bất kể được định nghĩa thế nào thì những hố khổng lồ này đều thu hút sự tò mò của chúng ta với những bí ẩn về độ sâu không đáy của chúng.

Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân sinh ra hố tử thần, ví dụ như dư chấn từ các trận động đất, hay mưa lớn khiến lớp đất đá bị tan rã dưới lòng đất, gây nên hiện tượng sụt lún bất ngờ. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu là do dòng chảy của nước ngầm. Khi nước ngầm chảy qua khu vực có đất mềm, dễ hòa tan như đá vôi, carbonate, muối... sẽ làm xói mòn lớp đất dưới bề mặt, tạo ra nhiều hố và các khoang ngầm trong lòng đất. Dần dần, các hố sâu được hình thành, kéo lớp đất trên bề mặt sụp đổ vào trong. Quá trình xói mòn trong lòng đất có thể diễn ra trong vài năm. Tuy nhiên, đến khi sụt lún thì nó sẽ diễn ra rất nhanh và bất ngờ, nên con người thường không kịp phản ứng.

umpherston

Hố chìm Umpherston ở núi Gambier, Australia

Ngoài do hiện tượng tự nhiên, "hố tử thần" cũng có thể xuất hiện do các hoạt động khai thác của con người.

Trên thế giới đã từng ghi nhận một số "hố tử thần" tự nhiên, song trong đó, hố tử thần tự nhiên lớn nhất thế giới là Qattara Depression ở Cairo (Ai Cập), với chiều dài 80 km, rộng 120 km và sâu tới 133 m. Một số hố tử thần khác cũng được ghi nhận và trở thành các địa điểm du lịch nổi tiếng như: 

Hố chìm Umpherston ở núi Gambier, Australia, là một khu vườn trũng xanh tươi, tuyệt đẹp, được tạo ra vào cuối thế kỷ 19, sâu 20 m và rộng 50 m. Nơi đây từng là một hang động, sau đó bị sụp đổ vào những năm 1800. Hố chìm này là một trong những điểm du lịch hút khách của Australia. Hay Hố tử thần bên bờ biển Oregon, Mỹ, xuất hiện như thể rút hết nước biển Thái Bình Dương vào một lỗ hổng không đáy khổng lồ. Kích thước của hố đủ để nuốt chửng một chiếc thuyền lớn. Tuy nhiên, nơi đây được cho là an toàn bởi mực nước nông và lỗ hổng sâu khoảng 6,1 m. Cảnh tượng này đã thu hút hàng trăm khách du lịch mỗi năm.

Thùy Dương (tổng hợp)

comment Bình luận

largeer