Hoa đào có chữa bệnh được không?

Hoa đào là loại cây cảnh đặc trưng chỉ có ở miền Bắc trong những ngày Tết đến xuân về. Ngoài tác dụng trưng bày làm cảnh, làm đẹp, hoa đào còn là một vị thuốc theo Đông y.
21/12/2020 17:15

Ý nghĩa của hoa đào

Hoa đào còn được gọi là Co tào (theo tiếng Thái), Mạy phăng (theo tiếng Tày), Kén má cai, Phiếu kiào (theo tiếng Dao). Nó có tên khoa học: Prunus persica (L.) Batsch thuộc họ Rosaceae (Hoa hồng).

Tại miền Bắc, đây là loài cây biểu tượng cho mùa xuân, không thể thiếu được trong dịp Tết. Hoa đào có màu hồng tươi, rực rỡ, là vẻ đẹp của sự ấm cúng, vui vẻ, an khang thịnh vượng cho mỗi gia đình.

hoa dao

Hình minh họa.

Tương truyền, trên ngọn núi Sóc Sơn có một cây đào cổ thụ cành lá xum xuê che phủ một vùng đất rộng lớn. Ở đó có hai vị thần là Trà và Uất Lũy cư ngụ, dùng quyền năng của mình bảo hộ người dân khỏi sự quấy rối của ma quỷ, do đó chỉ cần nhìn cây đào thôi cũng đủ khiến tà ma phải khiếp sợ bỏ chạy. Vì thế, dân làng nơi đây quanh năm có một cuộc sống bình yên và sung túc. Nhưng đến những ngày cuối năm, hai vị Thần phải về thiên đình trình báo Ngọc Hoàng thì bọn yêu ma được dịp hoành hành can nhiễu tới cuộc sống người dân. Khi hai vị Thần quay lại, sau khi nghe dân làng kể lại sự tình, Thần bảo con người ngày Tết hãy chặt những cành đào rồi cắm trong nhà, nhìn thấy đào cũng như thấy Thần, tà ma sẽ khiếp sợ cũng phải tránh xa. Do vậy, cứ đến Tết, hầu như nhà ai cũng có cành hoặc cây đào, không chỉ để trang trí mà còn vì ý nghĩa sâu xa này.

Hoa đào biểu hiện cho tình bạn thân thiết xuất phát từ tich: Ngày xưa ba vị Lưu-Quan-Trương đã kết nghĩa nguyện thề làm bạn thân trong một vườn đào rực rỡ. Có lẽ vì lời nguyện này mà mãi đến ngày nay, nếu thấy vườn nhà ai có nhiều hoa đào rực rỡ thì mọi người đều nhớ đến tích xưa và có thể đưa người bạn thân nhất của mình đến xin kết nghĩa.

Ngoài ra, hoa đào còn là biểu tượng cho sự đổi mới và sức sinh sôi phát triển mạnh mẽ…

Hoa đào có chữa được bệnh không?

hoa dao 1

Hình minh họa.

Không chỉ là một loại cây cảnh, hoa đào còn là một vị thuốc Đông y và có giá trị dưỡng nhan cực tốt.

Trả lời trên báo chí trước đó, cựu Đại tá, Lương y đa khoa Bùi Hồng Minh (Nguyên Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội) cho biết, trong Đông y, hoa đào không độc, có tính bình, vị đắng, đi vào 3 kinh tâm - can - vị, có công năng hoạt huyết, lợi thủy, thông tiện, chữa trị chứng thủy thũng, đàm ẩm, tích trệ, đại tiểu tiện không lợi, kinh nguyệt không đều. Người ta cũng thường dùng hoa đào để chữa bệnh sởi, thủy đậu – vốn là những căn bệnh cực phổ biến vào mùa đông xuân, mùa xuân.

Trả lời trên báo Phụ nữ Việt Nam, Thạc sĩ bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Nga - Trưởng khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Quận 2 TPHCM cũng chia sẻ: Hoa đào có vị đắng, tính bình, không độc được sử dụng chữa các bệnh táo bón, sỏi thận, liệt dương… hiệu quả.

Một số bài thuốc kết hợp cùng hoa đào:

- Chữa sỏi thận: Hoa đào, hổ phách mỗi vị 6gam, hoa đào nghiền thành bột trộn với hổ phách. Mỗi lần sử dụng 6g hòa với nước và đun trong nửa giờ đồng hồ. Tiếp theo lọc qua rây để uống. Uống ngày 2 lần sẽ cải thiện được bệnh sỏi thận đáng kể.

- Chữa táo bón: bột hoa đào 30g, bột mì 100g làm bánh ăn hoặc bột hoa đào 10g chia 2 lần hòa nước ấm uống lúc đói.

- Chữa tắc kinh: Hoa đào 25g ngâm vào 250ml rượu trong 1 tuần. Mỗi lần uống 10ml hòa với nước ấm hoặc hoa đào 10g cho vào cơm rượu 50g trộn đều, chưng cách thủy cho nhừ hoa để bớt nóng, ăn cả cơm và hoa. Ngày 1 lần, liền 1 tuần.

Kiết lị dai dẳng: Sử dụng 10-15 bông hoa đào đem sắc uống, mỗi ngày 3 lần.

Giảm cân: Trong cuốn Thiên kim yếu phương cổ nhân khuyên nên uống bột hoa đào mỗi ngày 3 lần, liều lượng mỗi lần 1g vào lúc đói.

Trị nám: Sử dụng 4 phần hoa đào, 2 phần bạch dương bì, 5 phần bạch quả tử nhân, tất cả đem sấy khô, tán thành bột mịn, đựng trong lọ kín dùng dần. Mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần uống 1g ngay sau bữa ăn.

Lưu ý, đối với phụ nữ có thai không được dùng hoa đào, vì thuốc gây hưng phấn, kích thích tử cung, do đó, có thể gây sảy thai.

Thanh Tú (tổng hợp)

 

comment Bình luận

largeer