Hội chứng vùi lấp là gì? Làm thế nào để xử trí hội chứng này?

Một bệnh lý thường gặp trong thiên tai, thảm họa này là nạn nhân bị hội chứng vùi lấp. Đây là một hội chứng nghiêm trọng, có nguy cơ tử vong cao. Việc xử trí sơ cứu kịp thời ban đầu, đúng phương pháp là một trong những yếu tố quan trọng, giúp nạn nhân thoát khỏi tình trạng nguy kịch.
19/11/2020 08:06

Hội chứng vùi lấp (crush syndrome) thường xảy ra khi nạn nhân bị ảnh hưởng từ hậu quả của thiên tai, thảm họa hay tai nạn lao động. Đây là tình trạng bệnh lý được xác định đối với những nạn nhân bị vùi lấp, dập nát cơ thể, mắc kẹt bên dưới do sập hầm, sạt lở đất đá và nhà cửa...

Đặc điểm của hội chứng vùi lấp

Hoi_chung_vui_lap

Bệnh cảnh lâm sàng chính được ghi nhận là nạn nhân bị tiêu hủy các bắp cơ, bị chèn ép ngực và bụng, gây suy hô hấp... Trên thực tế, bệnh lý xảy ra hay phát sinh do chèn ép đơn thuần và chén ép không đơn thuần.

Chèn ép đơn thuần thường biểu hiện chậm và kéo dài ở các khối cơ dẫn đến hai loại tai biến. Tai biến sớm xảy ra ngay sau khi nhấc nạn nhân ra khỏi sự chèn ép làm tim ngừng đập do tăng kali máu đột ngột, sự gia tăng này do tình trạng dập nát cơ và nhiễm toan... Tai biến muộn hơn xảy ra do suy thận cấp với tình trạng nhiễm toan, tiểu ra chất myoglobin và sốc...

Chèn ép không đơn thuần biểu hiện bằng sự dập nát cơ, gãy xương, tổn thương mạch máu...

Cách xử trí hội chứng vùi lấp

Trước hết cần phải lưu ý việc tổ chức điều trị ngay tại chỗ, nơi xảy ra tai nạn trước khi giải thoát cho nạn nhân, nhằm bảo đảm chống tăng kali máu và ngăn ngừa sự suy thận. Sau đó xử trí điều trị cụ thể bằng các biện pháp như sau:

- Tăng cường tuần hoàn mạch máu bằng cách dùng các dung dịch truyền tĩnh mạch như dung dịch Chlorure natri 0,9% hay dung dịch Ringer lactate; lúc đầu dùng 1.000 ml truyền nhỏ giọt với tốc độ nhanh 40 giọt mỗi phút, sau đó truyền 500 ml trong mỗi giờ.

- Kiềm hóa máu bằng dung dịch Bicarbonate natri với liều lượng 1 ml/kg trọng lượng cơ thể với loại Natri bicarbonate 8,4% hoặc 2 ml/kg trọng lượng cơ thể với loại Natri bicarbonate 4,2%. Cần gia tăng sự kiềm hóa nếu pH nước tiểu dưới 6,5.

- Giữ lượng nước tiểu dưới 3ml/kg trọng lượng cơ thể trong mỗi giờ, bằng cách tiêm thuốc lợi tiểu sau khi đã điều chỉnh giảm thể tích như dùng Furosemide bolus 120 mg, Manitol 20% từ 100 đến 200ml.

- Hỗ trợ hô hấp cần thiết khi nạn nhân có sự chèn ép ngực, bụng, hít không khí nhiều bụi bặm; giảm đau cho nạn nhân bằng cách dùng các thuốc ức chế hô hấp, có khi phải gây mê để nạn nhân khỏi bị suy sụp tâm lý. Có thể cho nạn nhân thở oxy qua mặt nạ hoặc đặt nội khí quản, thở oxy lưu lượng cao.

- Giảm đau rất cần thiết cho nạn nhân. Có thể gây mê trong các trường hợp nạn nhân bị mắc kẹt lâu, mắc kẹt phức tạp có bị chèn ép ngực và bụng hoặc tổn thương nặng các chi, các khớp. Có thể gây tê tại chỗ hoặc từng vùng nếu chỉ một chi bị mắc kẹt. Khi đã đặt được nội khí quản, có thể gây mê bằng Fentanyl.

- Đặt garô có thể thực hiện nếu cấp cứu hồi sức sớm và đúng cách như có thể đặt garo ở gốc chi. Việc quyết định đặt garô phụ thuộc vào tình trạng của nạn nhân, nó có thể gây sự chèn ép làm tổn hại nặng hơn các khối cơ. Nếu bị tổn thương ở ngực, bụng phối hợp thì việc đặt garô sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm toan và thiếu oxy.

- Cắt đoạn chi tại chỗ khi bị mắc kẹt kéo dài, không giải thoát được nạn nhân, vì nó không những chỉ ảnh hưởng đến chi bị thương tổn mà liên quan đến tính mạng của nạn nhân. Một số trường hợp có thể xử trí khi có tình trạng khẩn cấp như tai nạn có xu hướng phát triển thêm do cháy, nổ...

- Một số các vấn đề khác cần được quan tâm thực hiện để bảo vệ tâm lý của nạn nhân như động viên, trấn an... Ngoài ra cần bảo vệ thân nhiệt nạn nhân như chống hạ thân nhiệt khi việc giải cứu tai nạn kéo dài, phòng tăng thân nhiệt do bị phơi nắng, chiếu sáng bởi máy móc, dụng cụ cứu nạn...

Theo SKĐS

comment Bình luận

largeer