Hội thảo khoa học Quốc gia "Giảng dạy lý luận chính trị và pháp luật trong bối cảnh giáo dục đại học hiện nay"

Sáng ngày 4/11, trường Đại học Hải Phòng đã tổ chức Hội thảo Quốc gia với chủ đề: “Giảng dạy lý luận chính trị và pháp luật trong bối cảnh giáo dục đại học hiện nay”.
05/11/2022 18:38

Tham dự Hội thảo có TS. Nguyễn Thị Thanh Nhàn – Phó Hiệu trưởng Trường Đại Học Hải Phòng; PGS.TS. Phạm Thị Hồng Điệp – Phó Trưởng Khoa Kinh tế Chính trị, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc Gia Hà Nội); PGS.TS. Bùi Bá Khiêm, Trưởng Phòng Khoa học Công nghệ, Trường Đại học Hải Phòng; TS. Phạm Thị Huyền – Trưởng Khoa Lý luận Chính trị, Trường Đại học Hải Phòng; đại diện Ban Tuyên giáo Thành ủy Hải Phòng; đại diện lãnh đạo các phòng, ban, khoa, viện, trung tâm trong toàn trường; các nhà khoa học, các nhà giáo trong và ngoài trường; các nhà khoa học, các nhà giáo đại diện lãnh đạo khoa, bộ môn lý luận chính trị và pháp luật đến từ các học viện, trường đại học, cao đẳng trên cả nước.

Empty

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Thị Thanh Nhàn – Phó Hiệu trưởng Trường Đại Học Hải Phòng nhấn mạnh: Giảng dạy lý luận chính trị và pháp luật là những môn học cơ bản có vai trò quan trọng, góp phần giáo dục, tuyên truyền nền tảng tư tưởng của Đảng, xây dựng và rèn luyện bản lĩnh, lập trường, tư tưởng chính trị, ý chí, niềm tin vào chế độ xã hội chủ nghĩa, hình thành thế giới quan, nhân sinh quan, phương pháp luận khoa học và cách mạng cho sinh viên. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, trước ảnh hưởng của các điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội phát triển đã và đang đặt ra hàng loạt vấn đề mới, đòi hỏi phải làm sáng tỏ cả về lý luận và thực tiễn trong nhiệm vụ giảng dạy và nâng cao chất lượng đào tạo tại các cơ sở giáo dục đại học.

Empty

Với mục đích tạo diễn đàn chuyên môn, học thuật nhằm tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu, giảng dạy của các chuyên gia, các nhà quản lý, các nhà khoa học và các giảng viên giảng dạy lý luận chính trị và pháp luật tại các trường đại học, cao đẳng trên cả nước trong điều kiện hiện nay, Trường Đại học Hải Phòng tổ chức Hội thảo khoa học Quốc gia với chủ đề: “Giảng dạy lý luận chính trị và pháp luật trong bối cảnh giáo dục đại học hiện nay”. Việc nghiên cứu vấn đề này có ý nghĩa lý luận và thực tiễn thiết thực đối với việc nâng cao chất lượng đào tạo trong giáo dục đại học tại Việt Nam.

Tại Hội thảo các nhà khoa học, các giảng viên đang trực tiếp giảng dạy tập trung, trao đổi, làm sáng tỏ những vấn đề lý luận về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác giảng dạy lý luận chính trị và pháp luật trong giáo dục đại học; đánh giá thực trạng công tác giảng dạy đào tạo các môn lý luận chính trị và pháp luật, phân tích các kết quả đạt được, chỉ ra các hạn chế cần khắc phục từ đó kiến nghị các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy các môn lý luận chính trị và pháp luật trong bối cảnh giáo dục đại học hiện nay. Trong đó tập trung vào 6 vấn đề lớn: Thống nhất giữa tính Đảng, tính khoa học, tính đổi mới trong giảng dạy các môn lý luận chính trị; Vận dụng những điểm mới trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam vào giảng dạy các môn lý luận chính trị; Giảng dạy lý luận chính trị và pháp luật trong bối cảnh đại dịch Covid; Giảng dạy lý luận chính trị và pháp luật góp phần đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu nền kinh tế tri thức; Một số vấn đề đặt ra trong việc giảng dạy các môn lý luận chính trị sau ba năm thực hiện đổi mới chương trình theo quyết định 3056/BGDĐT ngày 19/7/2019; Một số vấn đề đặt ra trong giảng dạy pháp luật ở trường đại học (giáo dục Luật an ninh mạng, quyền con người… trong điều kiện hội nhập quốc tế).

Empty

Trên cơ sở phân tích những thuận lợi, khó khăn trong việc giảng dạy các môn lý luận chính trị và pháp luật trong các trường đại học, học viện hiện nay, các nhà khoa học đã thống nhất đưa ra một số giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy các môn lý luận chính trị và pháp luật tại các trường đại học, học viện trong thời gian tới:

Thứ nhất, về nội dung, chương trình giảng dạy các môn lý luận chính trị và pháp luật hiện nay tương đối nặng, khối lượng kiến thức nhiều, trong khi đó thời lượng giành cho mỗi học phần lại quá ít. Do vậy, trong quá trình giảng dạy, giảng viên sẽ phải “căng mình” để làm sao cung cấp, truyền thụ đầy đủ kiến thức cho người học, và như vậy, thời lượng để thực hiện sêmina, thảo luận sẽ khó thực hiện được. Từ đó sẽ không thể phát huy được tính tích cực chủ động của người học theo tinh thần đổi mới phương pháp dạy học tích cực hiện nay? Trên cơ sở đó, tại buổi hội thảo, các nhà khoa học, các nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy các môn lý luận chính trị và pháp luật thống nhất ý kiến đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền xem xét để có thể tăng thời lượng số tiết ở từng học phần tương ứng, tiếp tục rà soát chương trình, bổ sung, cập nhật kiến thức mới có tính thực tiễn cao...

Thứ hai, cần phát huy vai trò cấp ủy, cơ sở đào tạo và các đoàn thể chính trị - xã hội nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập các môn lý luận chính trị và pháp luật. Vai trò của cấp ủy, lãnh đạo cơ sở giáo dục - đào tạo là một trong những yếu tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nói chung, chất lượng giảng dạy các môn lý luận chính trị và pháp luật. Trong các hoạt động giáo dục đào tạo của mình, các cơ sở đào tạo cần thường xuyên chú trọng công tác sinh hoạt tư tưởng, chủ động cập nhật thông tin, khảo sát lấy ý kiến người học, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của cán bộ, giảng viên, sinh viên, qua đó kịp thời phát hiện, góp ý, phê bình, hướng dẫn định hướng, kịp thời giải quyết những vấn đề bất cập trong quá trình đào tạo, từ đó không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo. Thường xuyên tổ chức các buổi học tập nghị quyết chính trị, cập nhật tình hình thời sự trong nước và thế giới, tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề, tọa đàm theo chủ đề nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn… Đầu tư trang thiết bị cần thiết phục vụ quá trình dạy học như: phòng học đạt chuẩn, trang bị máy chiếu, màn hình net, hệ thống âm thanh, ánh sáng, mua sắm đủ giáo trình, văn kiện, tài liệu tham khảo; Có chính sách ưu đãi kịp thời đối với giảng viên (chế độ phụ cấp, ưu đãi học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ…); Thường xuyên tổ chức các cuộc hội thảo khoa học cấp Khoa, cấp Trường, cấp Thành phố, cấp Quốc gia, nhằm tìm ra giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy nói chung và chất lượng giảng dạy các môn lý luận chính trị và pháp luật; Tổ chức học tập chính trị đầu khóa Tuần sinh hoạt công dân) cho học sinh sinh viên; mở các lớp Nhận thức về Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức các Hội thảo khoa học,…

Empty

Thứ ba, về đội ngũ giảng viên giảng dạy các môn lý luận chính trị và pháp luật. Để đảm bảo chất lượng, hiệu quả trong giảng dạy các môn lý luận chính trị và pháp luật, các cơ sở đào tạo cần tuyển đủ số lượng giảng viên theo đúng chuyên ngành đào tạo, đạt trình độ theo quy định. Bố trí giảng viên giảng dạy theo đúng chuyên ngành, đảm bảo số lượng giờ giảng một cách hợp lý. Có chế độ chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ giảng viên giảng dạy bộ môn lý luận chính trị như: khuyến khích, tạo điều kiện cho giảng viên đi tập huấn, bồi dưỡng, học tập nâng cao trình độ chuyên môn, thường xuyên cử và tổ chức cho các giảng viên lý luận chính trị học tập nghị quyết, cập nhật kiến thức mới; cung cấp tài liệu chuyên ngành phục vụ cho môn học (văn kiện, nghị quyết, báo, tạp chí chuyên ngành,…); trang bị phương tiện dạy – học hiện đại, đạt chuẩn.

Đối với đội ngũ giảng viên, bên cạnh việc phải đạt chuẩn về trình độ chuyên môn giảng dạy thì cần phải không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy, sáng tạo trong việc thiết kế bài giảng, nâng cao trình độ ngoại ngữ, công nghệ công tin ứng dụng vào bài giảng; thường xuyên cập nhật kiến thức mới của thế giới, khu vực, trong nước mang tính thời sự về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội,… để đưa vào bài giảng một cách sinh động, phong phú và mang tính thực tiễn cao.

Thứ tư, phát huy tính tích cực, chủ động, ý thức tự giác của người học trong học tập, nghiên cứu các môn lý luận chính trị và pháp luật. Thực tế việc học tập, nghiên cứu các môn lý luận chính trị và pháp luật tại một số trường đại học hiện nay chưa đạt kết quả cao, còn thực hiện qua loa, hình thức. Động cơ học tập môn học không trong sáng với mục đích học để kiếm điểm, cho qua môn học, hoặc học để có được tấm bằng đủ điều kiện ra trường đi xin việc,… Vì vậy, người học chưa thực sự toàn tâm, toàn ý, chưa tự giác, tích cực chủ động trong quá trình học tập và nghiên cứu môn học.

Để người học phát huy tính tích cực, chủ động, ý thức tự giác trong việc học tập, nghiên cứu môn học thì giảng viên có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc định hướng, hình thành, phát triển ý thức tự giác, tính tích cực chủ động của người học. Muốn phát huy tính tích cực chủ động của người học, nhiệm vụ của giảng viên cần định hướng cho họ phải nắm vững đối tượng, chức năng, nhiệm vụ của các môn lý luận chính trị và pháp luật; Nghiên cứu, học tập môn học cần phải đảm bảo tính khoa học và tính đảng cộng sản.

Empty

Trong quá trình giảng dạy, giảng viên phải thực hiện các bước lên lớp, tổ chức giờ giảng phù hợp, giảm thời lượng thuyết trình, tăng thời lượng tham gia thảo luận của người học, phát huy tính tương tác hai chiều bằng các hình thức giao bài tập, vấn đề, yêu cầu người học làm việc nhóm, giải quyết tình huống, khảo sát và liên hệ thực tế. Sau khi giao bài tập, vấn đề cho người học giải quyết, giảng viên phải sát sao, kiểm tra thường xuyên, đánh giá kết quả thực hiện, qua đó kịp thời nâng cao, bồi dưỡng, khuyến khích ý thức tự giác, tích cực chủ động của người học. Khi tính tích cực, chủ động, ý thức tự giác, ý thức kỷ luật của người học được phát huy, các nội dung, vấn đề mà giảng viên đưa ra sẽ được giải quyết nhanh chóng kịp thời và đạt kết quả cao trong giảng dạy, học tập.

Tạo “sân chơi” cho người học thông qua các cuộc thi Olympic khoa học Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; tìm hiểu về lịch sử vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam; cuộc thi về Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Qua đó, trang bị cho người học những kiến thức cơ bản về lý luận chính trị, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam và tư tưởng Hồ Chí Minh, tạo môi trường học tập phong phú, đa dạng, hấp dẫn đối với người học.

Từ những đề xuất nêu trên, việc đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập các môn lý luận chính trị và pháp luật không chỉ là nhiệm vụ tất yếu trong giáo dục đại học hiện nay, mà còn là trách nhiệm trực tiếp của đội ngũ giảng viên đang trực tiếp giảng dạy môn học. Để thực hiện được điều đó, cần có sự quan tâm, tạo điều kiện của cơ sở đào tạo, sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, giảng viên và sinh viên, trong đó vai trò của các nhà khoa học, các giảng viên đang trực tiếp giảng dạy các môn lý luận chính trị và pháp luật là rất quan trọng. Họ phải thường xuyên trau dồi kiến thức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao trình độ lý luận chính trị, không ngừng đổi mới, sáng tạo phương pháp dạy học, công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết kinh nghiệm thực tiễn nhằm tạo ra sản phẩm là những bài giảng có chất lượng, hiệu quả, có tính thực tiễn cao. Qua đó, góp phần đào tạo đội ngũ nhân lực có tri thức, nhân cách, đủ đức, đủ tài đáp ứng nhu cầu của sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước hiện nay.

Thạc sỹ Vũ Văn Chương – Đại học Hải Phòng

comment Bình luận

largeer