Không nên coi thường mụn nhọt ở trẻ em

Trẻ em là đối tượng đặc biệt, cực kỳ mẫn cảm với các bất thường của thời tiết, vi khuẩn và các yếu tố khác của môi trường xung quanh do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện. Một vấn đề cũng đáng lưu ý, đó là mụn nhọt nổi trên đầu trẻ cha mẹ cần lưu ý để có cách chữa trị đúng đắn, không gây biến chứng.
20/11/2020 14:09

Nguyên nhân gây ra mụn nhọt

Ở trẻ em, nguyên nhân gây ra mụn nhọt thường bị cha mẹ nhầm lẫn do nóng trong người nên cha mẹ thường chỉ điều tiết, bổ sung các món ăn để hạ nhiệt trong cơ thể trẻ. Tuy nhiên, thực thế đã được nhiều nghiên cứu chứng minh, thủ phạm gây ra mụn nhọt ở trẻ là do vi khuẩn. Nếu không biết cách chăm sóc trẻ bị mụn nhọt đúng cách có thể xảy ra các biến chứng cực kỳ nguy hiểm, đặc biệt là biến chứng viêm não.

Vậy mụn nhọt ở trẻ em là gì? Đây là tình trạng nhiễm trùng ở các nang lông do vi khuẩn gây ra. Loại vi khuẩn này có tên Staphylococus aureus (tụ cầu vàng), là một phần của hệ sinh vật sống thường trú ở người, được tìm thấy ở da và mũi. Bình thường, chúng ta sẽ không bị nhọt khi bề mặt da lành lặn và hệ miễn dịch của cơ thể được khỏe mạnh nhưng khi hệ miễn dịch kém hoặc khi bị các vết thương ngoài da, côn trùng cắn, vi khuẩn này sẽ phát sinh gây ra các khoảng viêm.

mun nhot

Hình minh họa.

Theo nghiên cứu, trên mỗi centimet da có đến khoảng 1 triệu vi khuẩn sinh sống. Những con vi khuẩn này tập trung chủ yếu ở lớp thượng bì và sống nhờ vào nguồn dinh dưỡng đến từ mồ hôi, bã nhờn và các tế bào da. Khi da bị trầy xước, tổn thương hoặc không được vệ sinh đúng cách, một số loại vi khuẩn gây bệnh sẽ xâm nhập và tạo nên mụn nhọt.

Ban đầu, khi chúng mới hình thành chỉ là một nốt nhỏ trên da nhưng dần dần sưng đỏ và lan rộng, nhiều trường hợp sinh ngứa ngáy, đau đớn. Do phần lớn da được bao bọc bởi các nang lông nên bé có thể bị nổi nhọt ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể. Tuy nhiên, ở những vùng nhiều lông tóc như đầu, cổ, bẹn tay, nách chân tay... là những vị trí dễ bị mụn nhất.

Các biến chứng của mụn nhọt

Mụn nhọt có thể là hiện tượng hết sức bình thường nếu chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên, trên thực tế đã xảy ra nhiều biến chứng nguy hiểm đối với sức khỏe của trẻ từ mụn nhọt. 

mun tre em

Hình minh họa.

Trước đó, ghi nhận vào năm 2018, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương thường xuyên điều trị nhiều trường hợp bệnh nhi bị biến chứng do bị mụn nhọt. khoa tiếp nhận một bệnh nhi 1,5 tuổi, ở Hà Nam nhập viện trong tình trạng sốt cao và phát ban đỏ toàn thân. Nguyên nhân là bé có một mụn nhỏ ở khuỷu tay, mẹ bé nhìn thấy có đầu trắng nên nặn ra, ngay sau đó trẻ sốt cao mệt mỏi nôn trớ... Khi điều trị tại Khoa Truyền nhiễm, bé xuất hiện tình trạng khó thở tăng dần, hình ảnh chụp phổi cho thấy bé bị tràn mủ màng phổi và màng tim do vi khuẩn vào máu và gây bệnh ở phổi. Bé phải mổ dẫn lưu mủ ra khỏi màng phổi và điều trị tích cực sức khỏe mới được cải thiện.

Như vậy, mụn nhọt xảy ra đối với trẻ, các bậc phụ huynh chớ nên coi thường vì những biến chứng nguy hiểm như trường hợp nêu trên. Bởi lẽ, nếu sức đề kháng của bé yếu hoặc bị ảnh hưởng do các tác nhân bên ngoài khác, vi khuẩn sẽ đi vào máu, gây nhiễm trùng huyết, lúc này, trẻ có thể bị sốt cao trên 39°C. Nếu không được điều trị kịp thời, vi khuẩn có thể đi vào màng não và gây ra các biến chứng như như điếc, viêm màng não, viêm phổi, áp xe phổi…

Chăm sóc trẻ bị mụn nhọt đúng cách

Khi trẻ bị mụn nhọt, cha mẹ cần chăm sóc và chú ý đến sự thay đổi của nốt mụn. Tốt nhất nên giữ gìn tay chân sạch sẽ, không để bé cào gãi vào nốt mụn có thể gây ra tình trạng nhiễm khuẩn càng nghiêm trọng.

Ba mẹ tuyệt đối không được cố chích nặn khi mụn nhọt đỏ ửng, cứng chắc. Khi trẻ có kèm theo các triệu chứng khác như sốt, nôn chớ, chán ăn, cần đưa ngay bé đến cơ sở y tế gần nhất để bác sĩ tư vấn điều trị. Không tự ý bôi các thuốc bôi da lên nốt mụn khi không có sự chỉ định của bác sĩ.

Cha mẹ cần đặc biệt lưu ý với những mụn nhọt vùng mũi, miệng, thường được gọi là đinh râu. Đây là vùng có mạch máu nối thông với các mạch máu trong sọ não. Nếu nặn non làm tăng nguy cơ vi khuẩn xâm nhập có thể gây biến chứng nặng nguy hiểm đến tính mạng.

Ngoài ra, để phòng tránh mụn nhọt ở trẻ, phụ huynh nên giữ gìn vệ sinh cơ thể trẻ sạch sẽ, có chế độ ăn hợp lý, đầy đủ dinh dưỡng để tạo hệ miễn dịch tốt.

Thùy Dương (tổng hợp)

 

 

 

comment Bình luận

largeer