Lâm Đồng: Sáng kiến bảo vệ rừng từ xa của thầy và trò

Thường phải đến khi những cánh rừng đã biến mất, con người mới nhận ra. Người ta trách nhà quản lý, kiểm lâm, phẫn nộ với thủ phạm nhưng vẫn không thay đổi được sự thật là rừng đã mất. Hệ thống cảnh báo bảo vệ rừng của thầy trò Trường THCS&THPT Đống Đa, TP. Đà Lạt sẽ giúp con người hành động sớm hơn và giảm đi những tiếc nuối muộn màng...
18/05/2022 09:09
454

Mô hình hệ thống cảnh báo bảo vệ rừng của thầy trò trường THCS&THPT Đống Đa, TP.Đà Lạt

Từ “giá như” đến sáng kiến

“Hệ thống cảnh báo bảo vệ rừng” là một trong những sáng kiến của thầy giáo Trần Quang Vĩnh Chánh - giáo viên môn Tin học của Trường THCS&THPT Đống Đa, TP.Đà Lạt, đăng ký tham gia Chương trình 1 triệu sáng kiến do Tổng LĐLĐVN phát động. Dưới sự hướng dẫn của thầy, 2 học sinh là Nguyễn Lê Quang Trực và Nguyễn Đức Bảo Lâm (khi đó mới học lớp 8) phải mất tới 2 năm để hoàn thiện dự án này.

Vốn là người đam mê nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ cuộc sống, thầy Chánh chia sẻ lý do hình thành ý tưởng xây dựng “Hệ thống cảnh báo bảo vệ rừng”: “Trong một lần đọc tin về đám cháy rừng ở Úc, tôi rất xót xa và nghĩ rằng, giá như được cảnh báo kịp thời thì biết đâu tổn thất sẽ không nghiêm trọng như thế, giá như có một thiết bị, máy móc hỗ trợ con người giám sát rừng 24/24 thì biết đâu…”.

Vậy là 3 thầy trò cùng nhau đi tìm lời giải cho câu hỏi “giá như có một thiết bị hỗ trợ con người giám sát, bảo vệ rừng”.

Thầy Chánh cho rằng, diện tích rừng đang bị suy giảm nghiêm trọng trong khi lực lượng kiểm lâm vốn đã thiếu trầm trọng thì vì tính chất công việc và chế độ đãi ngộ nên ngày càng ít người lựa chọn theo nghề.

Dưới sự hướng dẫn của thầy, 2 em Quang Trực và Bảo Lâm phụ trách viết chương trình phần mềm cho hệ thống. Chia sẻ về quá trình này, Bảo Lâm tự tin cho biết: “Em đã học lập trình từ năm lớp 6 nên việc viết code với em không thấy khó lắm. Chúng em mất 6 tháng để viết xong chương trình này. Thầy Chánh sẽ gợi ý, chỉnh sửa thêm để phần mềm được hoàn thiện.” 

Nhận diện tác động rừng... qua mạng xã hội

Theo thầy Chánh, ban đầu nhóm xây dựng hệ thống nhận diện bằng âm thanh tiếng cưa, máy nổ, lửa cháy để đưa ra cảnh báo. Nhưng khi thành hình, thiết bị quá to (hơn 0,5m) và cồng kềnh, hệ thống cảm biến âm thanh hoạt động chưa chính xác nên nhóm phải “dỡ ra làm lại”.

Sau 3 lần cải tiến, hệ thống hoàn thiện nhỏ gọn hơn (10 -15cm) có thể ngụy trang tốt, pin chạy bằng năng lượng gió và mặt trời nên hoạt động được cả vào ban đêm khi không có nắng. Hệ thống có một bộ cảm biến để đo độ ẩm không khí (nguyên nhân khách quan gây cháy rừng), nhận diện được khói, lửa, tiếng cưa, máy nổ, chụp ảnh lại 3 phút/lần giúp cảnh báo và nhận diện người lạ xâm nhập, phá hoại… Tất cả những thông tin này sẽ được hệ thống ghi nhận lại và gửi tin nhắn cảnh báo ngay lập tức khi có nguy hiểm thông qua facebook, gmail của điện thoại được kết nối, ngay cả khi thiết bị lỗi hoặc không hoạt động. 

Hệ thống cảnh báo bảo vệ rừng của nhóm thầy Chánh đã được thực nghiệm 1 năm tại VQG Bidoup - Núi Bà và được các cán bộ kiểm lâm, lãnh đạo Vườn đánh giá cao về giá trị ứng dụng. “Hệ thống cảnh báo bảo vệ rừng của thầy trò Trường THCS&THPT Đống Đa là một sản phẩm vô cùng ý nghĩa, trước hết là về mặt nghiên cứu. Nếu hệ thống này được ứng dụng rộng rãi trong thực tế thì nó sẽ giúp ích rất nhiều cho công tác bảo vệ rừng” - đại diện lãnh đạo VQG Bidoup - Núi Bà chia sẻ. 

Quyết định gửi dự án của nhóm để tham gia Chương trình 1 triệu sáng kiến của Tổng LĐLĐ Việt Nam, thầy Chánh chia sẻ: “Chương trình 1 triệu sáng kiến thực sự đã tạo ra làn gió mới sáng tạo trong lao động, sản xuất. Tôi mong rằng, những sáng kiến hay sẽ được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tạo điều kiện phát triển để ứng dụng rộng rãi trong cuộc sống, góp phần giúp xây dựng đất nước, con người Việt Nam tiến bộ, giàu mạnh hơn”.

Theo Lao Động

comment Bình luận

largeer