Làm thế nào để phát hiện bệnh xương khớp ở người trẻ?

Xu hướng bệnh xương khớp, đặc biệt các bệnh liên quan đến khớp gối ở người trẻ ngày càng trở nên phổ biến xuất phát từ các thói quen bất lành mạnh trong cuộc sống cũng như việc vấp phải chấn thương khi còn ít tuổi.
24/02/2021 14:13

Nếu người trẻ tuổi mắc phải các bệnh lý xương khớp sớm sẽ gặp nhiều khó khăn, bất tiện trong cuộc sống. Do đó, phát hiện và điều trị sớm các căn bệnh này sẽ cải thiện chất lượng cuộc sống và làm việc của họ.

Nguyên nhân gây ra các bệnh xương khớp ở người trẻ

Tại sao, xu hướng mắc bệnh xương khớp ở người trẻ lại gia tăng. Dưới đây là một số nguyên nhân chủ yếu:

Do thói quen lười vận động: Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, mọi thứ đều trở nên thuận tiện, mua sắm, làm việc đều có thể qua online. Do đó, nhiều người trở nên lười vận động. Đây là thói quen xấu, diễn ra phổ biến nhất ở dân văn phòng.

Do lười vận động nên hệ xương khớp nói chung và khớp gối nói riêng giảm rõ rệt và trở nên yếu. Thói quen này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chức năng tuần hoàn máu, cản trở máu và oxy đến nuôi dưỡng sụn khớp, khiến cho dịch khớp giảm. Tình trạng khô dịch khớp khiến đầu xương va chạm mạnh khi di chuyển, mài mòn tế bào sụn.

benh xuong khop

Hình minh họa.

Do chấn thương: Do các chấn thương trong quá trình chơi thể thao, tham gia giao thông... mà chúng ta có thể mắc phải các chấn thương ảnh hưởng đến hệ xương khớp. Nếu không điều trị và chữa trị kịp thời có thể gây ra các tật sau này, ảnh hưởng đến cuộc sống. Đặc biệt khi thời tiết thay đổi, vận động mạnh, vị trí chấn thương cũ sẽ bị đau nhức, mỏi.

Với các chấn thương ở khớp gối sẽ khiến cho sụn khớp cùng hệ thống mô cơ và dây thần kinh xung quanh bị tổn thương. Khi chúng ta vận động, các đầu xương  sẽ ma sát vào nhau khiến sụn khớp dễ bị bào mòn. Đặc biệt nguy hiểm hơn là những chấn thương khiến mao mạch xuất hiện cục máu đông. Điều này khiến cho quá trình lưu thông máu bị cản trở, tổn thương ở mô sụn sẽ lâu được chữa lành từ đó khiến sụn khớp nhanh chóng bị thoái hóa.

Béo phì: Béo phì không những làm gia tăng các bệnh lý nguy hiểm như bệnh tim mạch, tiểu đường, cao huyết áp mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của hệ xương khớp. 

Lượng cân dư thừa sẽ gây áp lực lên các khớp xương và đặc biệt là vùng lưng, hông, háng, đầu gối và bàn chân. Nếu bạn tăng thêm 1kg trọng lượng cơ thể thì áp lực đè xuống khớp gối và hông có thể tăng lên tới 8 kg. Theo nhiều nghiên cứu khoa học, ở những người béo phì mật độ xương khá cao nên sẽ khiến cho chất lượng xương suy giảm và rất dễ mắc bệnh về xương khớp.

beo phi

Béo phì cũng là nguyên nhân gây ra các bệnh xương khớp ở người trẻ. (Hình minh họa)

Theo nghiên cứu, tình trạng béo phì kéo dài theo thời gian sẽ làm phá hủy các sụn trong khớp và gây hư hỏng và dẫn đến tình trạng loãng xương, tăng nguy cơ mắc các bệnh thoái hóa khớp, viêm khớp, đau xương khớp. Ngoài ra, người bệnh còn phải chịu ảnh hưởng của mô mỡ tổng hợp nhiều hóc môn và các yếu tố phát triển gây tổn thương sụn khớp và xương dưới sụn đẫn đến thoái hóa nghiêm trọng.

Chế độ dinh dưỡng không hợp lý: Thiếu canxi và vitamin D cũng là một trong những nguyên nhân gây nên các bệnh lý về xương khớp. Do đó, nên bổ sung các loại thực phẩm giàu canxi và vitamin D để hệ xương khớp được phát triển khỏe mạnh.

Ngoài ra, bạn trẻ duy trì lối sống với các thói quen xấu như hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia chất kích thích, thức quá khuya cũng khiến quá trình hấp thu canxi bị ảnh hưởng, tác động nghiêm trọng đến hệ xương khớp.

Các dấu hiệu phát hiện bệnh xương khớp ở người trẻ

Thông thường, các dấu hiệu ban đầu của bệnh xương khớp là các cơn đau song chúng rất dễ nhầm lẫn với các cơn đau thông thường. Bệnh tình sẽ trở nên trầm trọng hơn nếu có các dấu hiệu: giữa các khớp phát ra tiếng kêu lục cục khi vận động, khớp bị sưng đỏ, hiện tượng đau nhức kéo dài kèm theo khó vận động, đau lan sang các khu vực khác của cơ thể...

Tốt nhất, để phòng tránh bệnh xương khớp, bạn nên có chế độ dinh dưỡng và lối sống lành mạnh, thường xuyên vận động kết hợp các môn thể thao nhẹ nhàng.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, tập tư thế tốt nhất cho các khớp xương chính là đứng thẳng, tránh nằm lâu, leo cầu thang, ngồi lâu, đứng lâu một chỗ gây ứ trệ tuần hoàn máu và cứng khớp. Ngồi làm việc phải giữ thẳng lưng, không ngồi xổm…

Bên cạnh đó, hạn chế luyện tập cường độ mạnh. Trả lời trên truyền thông trước đó, PGS. TS Bùi Hồng Thiên Khanh (Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình – Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM): “Không phải ai cũng biết cách tập thể dục để hiệu quả và tốt cho sức khỏe. Đa số đều tự phát, tự tập. Nhiều người sốt sắng giảm cân nên đẩy mạnh cường độ luyện tập, vô tình tạo áp lực cho xương khớp và hệ lụy là gặp phải những tổn thương không mong muốn”. 

Một số môn thể thao gây áp lực nhiều lên khớp, có thể kể tới như: bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, tennis, cử tạ… Cần lưu ý, sau khi tập luyện các khớp phải có thời gian để phục hồi. Nếu tập quá mức sẽ làm cấu trúc trong khớp bị tổn thương, trong đó có sụn khớp và xương dưới sụn.

Ngoài ra, bạn cũng nên duy trì cân nặng một cách hợp lý, tránh để tình trạng thừa cân, béo phì, không tốt cho hệ xương khớp.

Thùy Dương (tổng hợp)

comment Bình luận

largeer