Lan tỏa, phát huy văn hóa ẩm thực, gắn liền với quảng bá, phát triển du lịch xứ Thanh

Nếu ví du lịch là hành trình của sự ấn tượng, thì văn hóa ẩm thực góp phần quan trọng làm nên sự thăng hoa trọn vẹn của cảm xúc. Không chỉ hấp dẫn bởi cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, chiều sâu lịch sử, văn hóa, hệ thống di tích độc đáo, văn hóa ẩm thực phong phú cũng là một trong những điều ghi đậm dấu ấn, gợi thương, gợi nhớ với du khách thập phương mỗi dịp về với xứ Thanh.
25/11/2022 08:42

Hồn cốt của xứ Thanh trong văn hóa ẩm thực

Ẩm thực là một trong những sản phẩm du lịch điển hình, mang tính khác biệt, phản ánh bản sắc văn hóa của cộng đồng địa phương, của điểm đến, tạo ấn tượng và sự hấp dẫn lớn đối với khách du lịch. Trải qua bao biến thiên của thời gian, nhưng với bàn tay khéo léo cùng với sự sáng tạo của con người, những món ăn truyền thống trên vùng đất xứ Thanh vẫn luôn được gìn giữ và phát triển. 

Nhắc đến Thanh Hóa, hương vị ẩm thực quê Thanh, dù là bất kỳ ai, cũng không thể quên được đặc sản nem chua. Nhiều nơi trên đất nước ta không riêng gì xứ Thanh có món nem chua. Tuy nhiên, nem chua Thanh Hóa khác các nơi bởi hương vị đặc trưng, không lẫn được. Đặc biệt, trong Hội nghị đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP đợt 3, năm 2022 tỉnh Thanh Hóa, Công ty TNHH DVTM Dũng Lan đã vinh dự có sản phẩm nem chua đầu tiên đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao, là đơn vị đạt tiêu chuẩn ISO 22000:2018. Công đoạn làm ra món nem chua quan trọng từ khâu chọn nguyên liệu, sơ chế đến lúc gói. Thịt nạc là phần nạc ngon, lọc kỹ mỡ, bì lợn thái thành sợi nhỏ trộn đều cùng thính, đường, bột ngọt, hạt tiêu bắc, muối. Nem chín, thơm ngon có màu hồng dịu, vị chua thanh, nhẹ nhàng. Khi ăn miếng nem cảm nhận thịt lên men cộng vị chua rôn rốt của tỏi, cái cay của ớt thái lát, lá đinh lăng hăng nhẹ. Nem chua mỗi vùng miền thuộc Thanh Hóa có thay đổi ít nhiều nhưng về cơ bản đều truyền tải được hồn của món ăn. Nem chua là món quà rất quý, thể hiện phong cách và sắc thái xứ Thanh. Đi đâu xa, mang biếu bạn bè mấy chục nem chua xâu lạt như gửi gắm vào đó bao nhiêu tình cảm. 

ba-nguyen-thi-tham-chu-co-so-san-xuat-banh-gai-gia-truyen-lam-tham-thon-thinh-my-2-166079265589992762619

Công đoạn làm những chiếc bánh gai nổi tiếng trên đất Tứ Trụ, huyện Thọ Xuân

Ngoài nem chua, nem nướng, bánh gai Tứ Trụ, những đặc sản nức tiếng trên đất Thọ Xuân nói riêng, tỉnh Thanh Hóa nói chung thì bánh răng bừa cũng hấp dẫn bởi hương vị dân dã, mộc mạc. Hiện, toàn xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân có khoảng hơn 200 hộ sản xuất, kinh doanh bánh lá răng bừa. Tại đây, nghề làm bánh cùng với các phong tục tập quán đã gắn liền với cuộc đời, thân thế của nhân vật lịch sử Lê Hoàn - Hoàng đế Lê Đại Hành.

unnamed (9)

Bánh lá răng bừa là món ăn ngon ở xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa để tỏ lòng biết ơn và tưởng nhớ tới Vua Lê Đại Hành, ngày nay đã được nhiều nơi trên cả tỉnh phát triển sản xuất

Tương truyền, sau khi dẹp xong giặc Tống, đất nước thái bình, cứ vào dịp đầu xuân năm mới, Vua Lê Đại Hành lại đích thân xuống đồng cày ruộng để mở đầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, động viên nhân dân tích cực lao động sản xuất. Để tỏ lòng biết ơn Vua, người dân nơi đây đã dành những hạt gạo ngon nhất để làm nên một loại bánh với hương vị riêng dâng lên Vua. Hình dáng chiếc bánh gợi liên tưởng đến chiếc răng bừa, nên có lẽ tên bánh cũng bắt nguồn từ đây.

Bà Đỗ Thị Khương, chủ một cơ sở sản xuất bánh răng bừa ở thôn Trung Lập 2 chia sẻ: “Bánh lá răng bừa thì có ở rất nhiều nơi, nhưng bánh răng bừa Xuân Lập có hương vị đặc trưng riêng không lẫn vào đâu được. Gia đình tôi đã có nhiều đời làm bánh lá răng bừa. Trước đây, bánh lá chỉ được làm vào những dịp quan trọng để phục vụ nhu cầu của gia đình và dòng họ nhưng hiện nay chúng tôi đã thương mại hóa sản phẩm truyền thống quê hương. Trung bình mỗi ngày chúng tôi làm được từ 2.000 - 3.000 cái để cung cấp ra thị trường. Những năm gần đây, bánh lá răng bừa Xuân Lập đã được tiêu thụ ở nhiều địa phương trong tỉnh và ngoài tỉnh, thậm chí được đóng gói gửi sang nước ngoài. Bánh lá răng bừa Xuân Lập không chỉ là một món ăn ngon, mà còn chứa đựng những giá trị văn hóa, lịch sử của một vùng đất giàu truyền thống”.

Xứ Thanh được ví như Việt Nam thu nhỏ, có “rừng vàng, biển bạc”, đồng bằng phì nhiêu, bới vậy mỗi món ăn của từng vùng miền đều mang đậm phong thái, văn hóa, hồn cốt của đất và người nơi đấy. Miền Tây xứ Thanh những năm gần đây là điểm đến du lịch mới mẻ với du khách trong và ngoài nước bởi cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, trữ tình. Bởi vẻ bình yên, mộc mạc của những bản, làng, của những nếp nhà sàn xinh xắn, được hít hà mùi lúa nương chín khi vào vụ và được thưởng thức rượu ủ men lá bên những mâm cơm do chính người dân bản địa chế biến, hẳn không thể nào quên được hương vị rất riêng của món cơm lam, canh đắng, cá hấp, vịt Cổ Lũng hay thịt nướng, măng đắng, sâu măng, thịt gác bếp, khâu nhục, thắng cố... Đặc biệt, cơm lam là món ăn thu hút khách bởi cách chế biến độc đáo, với nguyên liệu hoàn toàn từ thiên nhiên, gạo được cho vào ống nứa tươi được nướng trên lửa than cho đến khi chín. Vào mỗi sáng sớm hay buổi chiều tối, cùng nhau thưởng thức món cơm lam chấm với muối vừng, hay ăn kèm thịt gà đồi, thịt lợn rừng chấm muối mắc khẻn thì quả thật không du khách nào có thể chối từ.

Đến miền Tây xứ Thanh, không thể không thưởng thức canh đắng, một trong những món ngon đặc trưng thường được người dân bản địa chế biến để đãi khách. Được biết, thành phần cơ bản trong món canh là nội tạng trâu, bò, gà, lợn... Cùng với đó, thứ quan trọng là lá đắng, kèm thêm chút gia vị như sả, gừng, mẻ, ớt. Vị sả sẽ giúp món canh thêm thơm nồng, mẻ chua chua làm dịu bớt vị của lá đắng và canh thêm thanh ngọt hơn. Tuy nhiên, món ngon này không phải ai cũng có thể yêu thích ngay từ lần đầu thưởng thức, thế nhưng hương vị đặc biệt của món canh “đắng ngắt” lại khiến du khách khó lòng quên được.

unnamed (6)

Món gỏi cá thơm ngon, thanh mát khó quên của vùng biển xứ Thanh

unnamed (7)

Gỏi cá nhệch, món ăn đặc trưng nổi tiếng chỉ có riêng ở vùng đất Nga Sơn, Thanh Hóa đã gây ấn tượng với bao du khách

Du khách tới xứ Thanh, đắm chìm trong cái nắng, cái gió của những bờ biển trải dài nổi tiếng, đẹp nức lòng như Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa... mà chưa thưởng thức các sản phẩm truyền thống đậm đà hương vị biển như nước mắm Ba Làng, nước mắm Khúc Phụ, mắm tép, mắm cáy, gỏi Nhệch, dê ủ trấu Nga Sơn, cá gỏi Diêm Phố, canh cá khoai... thì thật đáng tiếc. Trong đó, gỏi cá là món ăn ngon níu chân du khách. Mỗi một địa phương đều có cách biến tấu món ăn riêng của mình để tạo vị đặc trưng nhưng với món gỏi, cá dùng để làm gỏi thường là loại cá ít xương, còn tươi sống. Cá được rửa sạch, dùng dao sắc lọc riêng phần thịt. Thịt cá được ướp với nước cốt chanh trộn với thính gạo rang thơm tho rồi bày ra đĩa. Nước chấm mới là thứ đặc sắc hơn cả của món gỏi. Nước chấm được làm từ da và gan cá, thịt ba chỉ, trứng vịt, tỏi khô, mẻ, mắm muối, đường... tạo nên loại nước sốt sánh đặc, vàng ươm mà đậm đà khó cưỡng. Gỏi cá ăn với rau húng, ngò, răm, đinh lăng, lá mơ tam thể, thêm môt vài lát khế chua, chuối xanh thái mỏng. Miếng cá ngọt thơm quyện với vị cay béo của nước chấm, chua mát của rau ăn kèm tạo cảm giác đặc biệt khó nói hết thành lời.

Quảng bá, lan tỏa, phát huy giá trị văn hóa ẩm thực xứ Thanh

Ẩm thực không chỉ là món ăn, ẩm thực còn chứa đựng nét văn hóa địa phương, vùng, miền. Khám phá văn hóa ẩm thực Thanh Hóa là tìm hiểu nét đẹp độc đáo trong phong cách ăn uống của người dân, bình dị, giản dị mà gần gũi, giản dị, không cầu kỳ mà chan chứa nghĩa tình. Chính bởi vậy, những định hướng thúc đẩy du lịch phát triển không thể tách rời nỗ lực quảng bá, nâng tầm giá trị văn hóa ẩm thực địa phương. Trong đó, việc lồng ghép giao lưu ẩm thực, tổ chức hội chợ ẩm thực, gian trưng bày sản phẩm OCOP, đặc sản địa phương tại các sự kiện chính trị, văn hóa, các khu, điểm du lịch... mang lại hiệu quả thiết thực.

unnamed (1)

Nem chua là món quà đặc biệt thể hiện tấm lòng bình dị, hiếu khách của người  Thanh Hóa, cũng là món ăn nổi tiếng bậc nhất xứ Thanh

Nhằm thúc đẩy việc quảng bá văn hóa ẩm thực xứ Thanh gắn với phát triển du lịch, trong thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Du lịch tỉnh thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ nấu ăn cho người dân địa phương, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhà hàng tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Thông qua chương trình bồi dưỡng, các học viên được cung cấp những kiến thức cơ bản về vệ sinh an toàn thực phẩm, cách bài trí món ăn, đồ uống nhằm nâng cao giá trị các món ăn truyền thống. Đặc biệt, các học viên được hướng dẫn thực hành những kỹ năng cơ bản như: kỹ năng pha chế đồ uống, kỹ năng chế biến các món ăn từ những nguyên liệu sẵn có đặc trưng của địa phương và một số yêu cầu trong khi chế biến món ăn phục vụ khách du lịch.

Trong thời gian qua nhiều doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức, khai thác thành công các tour du lịch ẩm thực (Food tour), từ việc khám phá điểm đến gắn với trải nghiệm các món đặc trưng, qua đó giúp du khách khám phá thêm những nét văn hóa đặc sắc của mỗi điểm đến. Ông Trần Đình Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch tỉnh Thanh Hoá đề nghị Hội đầu bếp chuyên nghiệp Thanh Hóa trong thời gian tới cần quan tâm, thực hiện tốt một số giải pháp trọng tâm gồm: Phối hợp với các nghệ nhân ẩm thực, các hiệp hội nghề nghiệp liên quan đến ẩm thực nhằm nghiên cứu, lựa chọn ra một hoặc một vài món ăn, đồ uống tiêu biểu của tỉnh Thanh Hóa để quảng bá trở thành món ăn đặc trưng của Việt Nam. Xây dựng các sản phẩm du lịch ẩm thực gắn với các điểm đến nhằm tạo ra các trải nghiệm phong phú và gây ấn tượng với thực khách. Trên cơ sở định vị được các sản phẩm ẩm thực đặc trưng để phát triển và quảng bá, hoạt động xây dựng cơ sở dữ liệu có thể triển khai bằng việc sản xuất hình ảnh chất lượng cao, các video clip giới thiệu các món ăn, các chương trình trải nghiệm thực tế về ẩm thực phục vụ cho hoạt động quảng bá...

unnamed

 Công ty TNHH DVTM Dũng Lan đã vinh dự có sản phẩm nem chua đầu tiên đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao, là đơn vị đạt tiêu chuẩn ISO 22000:2018, vinh dự có mặt tại Hội chợ làng nghề và sản phẩm Ocop Việt Nam lần thứ 18 

Không chỉ tại các sự kiện chính trị, văn hóa của tỉnh, văn hóa ẩm thực xứ Thanh đã tự tin tỏa sáng tại nhiều liên hoan, lễ hội ẩm thực tại các tỉnh, thành khác trong cả nước. Vừa qua, tại Lễ hội bánh dân gian Nam bộ lần thứ IX - năm 2022, với sự nỗ lực, cố gắng, tình yêu, tâm huyết, đoàn nghệ nhân Thanh Hóa do Trung tâm Văn hóa tỉnh tổ chức đã xuất sắc vượt qua hơn 170 nghệ nhân thuộc 31 tỉnh, thành trên cả nước giành 1 Huy chương Vàng và 2 Huy chương Bạc. Không cầu kỳ, kiểu cách, sản vật mà đoàn nghệ nhân Thanh Hóa mang tới tham dự lễ hội là những món ăn dân dã, quen thuộc của người dân xứ Thanh như: bánh cuốn, chả tôm, bánh lá răng bừa, bánh khoái tép... Bên cạnh đó, trong không gian trưng bày, trình diễn quy trình làm các loại bánh của xứ Thanh còn có nem chua, bánh Trung thu gia truyền Thuận Nhàn, bánh gai Tứ Trụ... như càng làm phong phú, đa dạng, vẹn tròn hơn bức tranh ẩm thực xứ Thanh nơi đất khách.

Thiên nhiên Thanh Hóa giàu có và tươi đẹp là cội nguồn sinh thành nên văn hóa ẩm thực đặc trưng nơi đây. Thực hiện tốt việc xúc tiến, quảng bá văn hóa ẩm thực sẽ góp phần quan trọng trong việc quảng bá đất và người xứ Thanh nói chung, du lịch nói riêng.

                                                                                                                                             Trang Nguyễn

comment Bình luận

largeer