Mối liên quan giữa bệnh viêm xoang và viêm họng mạn tính

Viêm họng mạn tính và viêm xoang là hai bệnh có liên quan mật thiết với nhau. Chúng có thể là nguyên nhân lẫn nhau cũng như khiến cho quá trình điều trị mỗi bệnh thêm phức tạp hơn. Cùng tìm hiểu rõ hơn về mối liên hệ giữa viêm xoang và viêm họng mãn tính thông qua bài viết dưới đây.
24/02/2023 15:27

Bệnh viêm xoang là một bệnh tai mũi họng phổ biến

Thế nào là viêm xoang?

Viêm xoang là hiện tượng lớp tế bào niêm mạc lót trong xoang bị viêm, phù nề và tiết dịch. Được gọi là viêm xoang cấp tính khi triệu chứng xuất hiện trong thời gian ngắn dưới bốn tuần, được gọi là mạn tính khi các triệu chứng kéo dài trên 12 tuần.

Mối liên quan giữa bệnh viêm xoang và viêm họng mạn tính. Ảnh minh họa

Mối liên quan giữa bệnh viêm xoang và viêm họng mạn tính. Ảnh minh họa

Các triệu chứng thường gặp của viêm xoang là:

- Đau nặng mặt là một dấu hiệu phổ biến của viêm xoang. Cơn đau có thể ở trên má, đau quanh mắt, mũi hoặc trên trán.

- Đau đầu, tình rạng đau nhức vùng xoang, vùng đầu tệ nhất là buổi sáng do chất lỏng đã được tích tụ trong xoang suốt đêm.

- Đau răng, đau tai, đau mắt.

- Chảy nước mũi, nghẹt mũi, giảm khứu giác.

- Ho, đau họng , người bệnh có cảm giác mệt mỏi, chán ăn, lúc này cần bổ sung dinh dưỡng đầy đủ...

Nguyên nhân và hậu quả của bệnh

Mọi tác nhân gây cản trở dẫn lưu chất tiết ra khỏi xoang đều có thể gây bệnh. Tác nhân gây bệnh hay gặp nhất là do virus. Viêm xoang do virus có thể tự hồi phục trong vòng 2 tuần. Vi khuẩn gây nên tình trạng bệnh kéo dài hơn. Kèm theo đó là phác đồ điều trị vi khuẩn đòi hỏi cần dùng kháng sinh thích hợp.

Nếu không được chữa trị đúng cách, bệnh có thể gây nên biến chứng. Nhẹ thì viêm tai giữa, viêm họng, viêm thanh quản… Nặng hơn có thể gây viêm màng não, viêm não, viêm tắc tĩnh mạch xoang hang… nguy hiểm tới tính mạng.

Đôi nét về viêm họng mạn tính

Viêm họng mạn tính là gì?

Vùng họng rất thuận lợi cho các yếu tố ngoại lai như virus và vi khuẩn xâm nhập vào gây viêm. Ban đầu người bệnh xuất hiện tình trạng viêm họng cấp tính. Nhưng nếu diễn biến lâu dài không điều trị khỏi sẽ chuyển sang giai đoạn viêm họng mạn tính.

Có 3 hình thức của viêm họng mạn tính: Viêm họng xuất tiết, viêm họng quá phát và viêm họng teo.

- Viêm họng xuất tiết: Niêm mạc họng đỏ, ướt, nhiều nhầy trong dính vào thành sau họng.

- Viêm họng quá phát: Niêm mạc họng dày và đỏ, thường có cảm giác buồn nôn. Thành sau họng có những đám nề màu hồng, lồi cao gọi là viêm họng hạt. Hầu họng và lưỡi gà dày. Hiện tượng ù tai, ho khan, khàn tiếng xuất hiện…

- Viêm họng teo: Khi tình trạng viêm họng quá phát lâu ngày sẽ chuyển sang teo, niêm mạc nahwxn mỏng, trắng bệch, có thể nhìn thấy các mạch máu nhỏ. Dịch nhầy khô lại và biến thành vảy dính tại niêm mạc.

Viêm họng có thể tỏa lan hoặc khu trú thành viêm amidan, viêm VA. Trong đó điển hình nhất là viêm họng mạn tính toả lan.

Dấu hiệu của viêm họng mạn tính

Các dấu hiệu thường gặp của viêm họng mạn tính là người bệnh khô họng, ngứa và vướng họng. Những cảm giác này rõ nhất là buổi sáng khi mới ngủ dậy. Ngứa rát họng gây kích thích khiến bệnh nhân cố ho khạc nhiều lần. Điều này khiến cho họng càng thêm tổn thương. Người bệnh càng thêm nuốt vướng và đau hơn. Kéo theo đó, giọng nói bệnh nhân có thể khàn nhẹ hoặc bình thường. Ở những người uống rượu, hút thuốc lá hoặc phải nói nhiều thì biểu hiện viêm họng nặng nề hơn.

Có rất nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng viêm họng mạn tính. Trong đó viêm xoang là một nguyên nhân thường gặp khiến tình trạng viêm họng tái đi tái lại. Hơn nữa viêm họng mạn tính lại là nguyên do gây nên bệnh lý viêm xoang mới mắc. Hoặc nó khởi phát một đợt viêm xoang đã ổn định từ trước.

Mối liên quan giữa viêm xoang và viêm họng mạn tính

Viêm xoang là nguyên nhân dẫn tới viêm họng

Vùng hầu họng và mũi xoang là các bộ phận kế cận có thông thương với nhau qua ngách mũi sau. Viêm xoang và viêm họng mạn tính có một mối liên hệ thân thiết. Viêm xoang có thể là hậu quả của bệnh lý viêm họng mạn tính gây nên. Hoặc chính bệnh viêm họng mạn tính trở nên dai dẳng hoặc tái phát là do tình trạng viêm xoang chưa được điều trị dứt điểm.

Bệnh viêm xoang là một bệnh tai mũi họng phổ biến. Ảnh minh họa

Bệnh viêm xoang là một bệnh tai mũi họng phổ biến. Ảnh minh họa

Khi bị viêm xoang, dịch mủ viêm từ xoang sẽ chảy xuống mũi và thoát ra ngoài  theo 2 đường mũi trước và mũi sau. Nếu dịch mủ viêm chảy ra phía trước thì người bệnh dễ nhận biết. Nếu dịch viêm xoang chảy theo đường mũi sau sẽ xuống họng gây triệu chứng ở họng. Người bệnh có thể không xác định được bệnh chính ở đâu. Các chất dịch này gây kích thích niêm mạc hầu họng. Hậu quả khiến cho bệnh viêm họng kéo dài dai dẳng và khó điều trị hơn. Hơn nữa, tác nhân nhiễm trùng  xoang như virus hay vi khuẩn có thể lây lan sang hầu họng gây viêm.

Viêm xoang có thể là hậu quả của viêm họng mạn tính

Tương tự như vậy, ổ nhiễm trùng từ viêm họng mạn tính nếu không được điều trị tốt có thể lây lan sang khu vực mũi xoang. Hậu quả người bệnh dễ dàng bị mắc bệnh lý viêm xoang. Như vậy, từ viêm họng thông thường có thể dẫn tới biến chứng viêm xoang kèm theo. Trong trường hợp này, viêm xoang dễ bị bỏ qua do triệu chứng không thể hiện ở mũi mà lại ở họng.

Có thể nói, 2 bệnh này có mối quan hệ nhân quả với nhau. Chúng tương tác với nhau trở thành một vòng xoáy bệnh lý. Mà nếu không phát hiện ra nguyên nhân sâu xa của bệnh thì việc điều trị sẽ không mang lại hiệu quả.

Điều trị viêm họng mạn do viêm xoang như thế nào?

Điều trị nguyên nhân

Khi xác định được nguyên nhân gây viêm họng mạn chính là viêm xoang thì cần điều trị viêm xoang tích cực. Bởi như thông tin bên trên mới trích dẫn, nếu chỉ điều trị viêm họng thì tình trạng viêm xoang sẽ vẫn gây ra viêm họng. Vòng lặp này sẽ tiếp diễn liên tục.

- Trường hợp viêm xoang do vi khuẩn sẽ được điều trị bằng thuốc kháng sinh.

- Trường hợp viêm xoang do vi rút sẽ dùng thuốc để hỗ trợ giảm triệu chứng và các phương pháp đi kèm khác.

- Ngoài ra, người bệnh cần có ý thức từ bỏ các thói quen không tốt gây trầm trọng hơn tình trạng viêm xoang bao gồm: Hút thuốc lá, rượu bia, vệ sinh mũi họng không đúng cách…

- Các thuốc có thể được sử dụng trong điều trị viêm xoang bao gồm: Thuốc co mạch, thuốc chống phù nề…

Điều trị viêm họng

Song hành cùng việc điều trị viêm xoang, người bệnh cũng cần đẩy lùi tình trạng viêm họng bằng các loại thuốc khá thông dụng như:

- Thuốc giảm đau, hạ sốt: paracetamol. Lưu ý chỉ sử dụng khi cần, chủ yếu giảm đau trong thời gian ngắn.

- Thuốc giảm ho: Cải thiện tình trạng ho và các yếu tố kích thích cơn ho, các hiện tượng như ngứa, rát họng, nuốt vướng…

- Thuốc kháng sinh, kháng viêm: Thuốc này được dùng cả trong điều trị viêm xoang và viêm họng trên bệnh nhân.

Bên cạnh điều trị bằng thuốc, bệnh nhân cũng cần điều trị kết hợp các biện pháp như đánh răng, súc miệng rửa họng bằng nước muối sinh lý thường xuyên. Nước muối có tác dụng sát khuẩn, làm dịu triệu chứng viêm ở họng.

Trong trường hợp viêm xoang có liên quan đến polyp hoặc bất thường cấu trúc mũi xoang sẽ cần phẫu thuật khắc phục. Khi viêm xoang được kiểm soát, các triệu chứng viêm họng cũng sẽ giảm dần khi điều trị tích cực mà không tiến triển thành viêm họng mạn tính.

Theo Hội Nội khoa Việt Nam

comment Bình luận

largeer