Mỹ: Chữa khỏi HIV cho 1 nữ bệnh nhân bằng phương pháp cấy ghép mới

Một phụ nữ lai dường như là người thứ ba được chữa khỏi HIV bằng phương pháp cấy ghép mới liên quan đến máu dây rốn, mở ra khả năng chữa khỏi cho nhiều người thuộc các chủng tộc khác nhau so với trước đây, các nhà khoa học công bố ngày 15/2.
16/02/2022 10:10

Máu dây rốn được cung cấp rộng rãi hơn so với tế bào gốc trưởng thành dùng trong các ca cấy ghép tủy xương đã chữa khỏi bệnh cho 2 bệnh nhân HIV trước đó và nó không cần liên hệ huyết thống gần với người nhận.

Bệnh nhân HIV được chữa khỏi mới nhất cũng bị ung thư máu, đã nhận được máu dây rốn để điều trị ung thư. Máu dây rốn này được một người hiến tặng phù hợp một phần thay vì thông lệ điển hình là tìm người hiến tặng tủy xương có cùng chủng tộc và dân tộc với bệnh nhân. Bệnh nhân cũng nhận được máu từ một người thân để có khả năng miễn dịch tạm thời trong quá trình cấy ghép. 

HIV

Tế bào HIV

Các nhà khoa đã trình bày một số chi tiết của bệnh nhân HIV mới nhất được chữa khỏi tại Hội nghị về Retrovirus và Nhiễm trùng Cơ hội ở Denver, Mỹ. 

New York Times cho hay, giới tính và chủng tộc của bệnh nhân HIV mới được chữa khỏi đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc phát triển phương pháp chữa trị HIV. 

Nhiễm HIV được cho là tiến triển ở phụ nữ khác với nam giới. Dù phụ nữ chiếm hơn một nửa số ca HIV trên thế giới nhưng chỉ chiếm 11% số người tham gia thử nghiệm chữa bệnh.

Các loại thuốc kháng virus mạnh mẽ có thể kiểm soát HIV nhưng phương pháp chữa trị là chìa khóa để chấm dứt căn bệnh này. Trên toàn thế giới, gần 38 triệu người đang sống chung với HIV và khoảng 73% trong số này đang được điều trị.

Ghép tủy xương để điều trị HIV không phải là lựa chọn thực tế đối với hầu hết bệnh nhân. Việc cấy ghép như vậy có tính xâm lấn và rủi ro cao, vì vậy thường chỉ được cung cấp cho những người bị ung thư đã hết các lựa chọn khác.

Trước đó, chỉ có 2 bệnh nhân HIV được chữa khỏi đầu tiên đều là nam giới. “Bệnh nhân Berlin” Timothy Ray Brown không còn bị nhiễm HIV trong suốt 12 năm cuối đời cho tới khi qua đời năm 2020 vì bệnh ung thư. Năm 2019, một bệnh nhân khác là Adam Castillejo, được báo cáo là đã chữa khỏi HIV.

Cả 2 bệnh nhân này đều được cấy ghép tủy xương từ những người hiến tặng mang đột biến ngăn chặn HIV. Đột biến hiếm có này chỉ được xác định ở khoảng 20.000 người hiến tặng, hầu hết là người gốc Bắc Âu.

Sau các ca cấy ghép tủy xương, cả 2 người đàn ông đều phải chịu các tác dụng phụ nặng nề. Brown suýt chết sau ca cấy ghép. Castillejo bớt căng thẳng hơn nhưng bị sút khoảng 30kg, mất thính giác và trải qua nhiều lần nhiễm trùng.

Ngược lại, nữ bệnh nhân HIV trong trường hợp được chữa khỏi mới nhất xuất viện trong ngày thứ 17 sau khi cấy ghép và không gặp biến chứng hậu cấy ghép, Tiến sĩ JingMei Hsu, bác sĩ của bệnh nhân tại Weill Cornell Medicine, New York, Mỹ, cho biết. Theo Tiến sĩ Hsu, sự kết hợp giữa máu dây rốn và tế bào của người thân đã giúp bệnh nhân tránh được nhiều tác dụng phụ như trong một ca cấy ghép tủy xương điển hình.

Người phụ nữ vừa được chữa khỏi HIV hiện đã bước qua tuổi trung niên và không muốn tiết lộ thông tin cụ thể do lo ngại về quyền riêng tư. Bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm HIV vào tháng 6.2013. Thuốc kháng virus giữ cho nồng độ virus của bệnh nhân ở mức thấp. Tháng 3.2017, bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu cấp tính dòng tủy.

Vào tháng 8 cùng năm, bệnh nhân HIV này nhận được máu cuống rốn từ một người hiến tặng có đột biến ngăn chặn sự xâm nhập của HIV vào tế bào. Nhưng có thể mất khoảng 6 tuần để tế bào máu cuống rốn kết hợp, vì vậy bệnh nhân cũng đã được cung cấp tế bào gốc tạo máu phù hợp một phần từ một người họ hàng cấp một.

Theo Lao động

comment Bình luận

largeer