Ngày Bạch biến thế giới 25/6: Đừng để bệnh bạch biến ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống

Bệnh bạch biến là một căn bệnh tàn phá đến chất lượng cuộc sống của con người, bởi làn da bị mất sắc tố loang lổ gây mất thẩm mỹ khiến người bệnh mất tự tin.
24/06/2023 16:31

Đừng để bệnh bạch biến ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống

Thực tế, đây không phải căn bệnh quá xa lạ trên thế giới, tuy nhiên ở Việt Nam thì căn bệnh này còn chưa được nhiều người biết đến và vẫn còn xuất hiện sự kỳ thị không đáng có.

Empty

Bệnh bạch biến hoàn toàn không lây nhiễm, không ảnh hưởng đến sức khỏe. Người bệnh bạch biến có quyền sống và được yêu thương như tất cả người khác.

Bệnh bạch biến có thể xuất hiện ở bất kỳ ai, bất kỳ độ tuổi nào và không phân biệt sắc tộc, giới tính. Do đó, hãy ngưng kỳ thị và soi mói người bệnh bạch biến.

Hành vi cá nhân và trạng thái tinh thần có thể đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát bệnh bạch biến. Do đó, lạc quan và suy nghĩ tích cực có thể giúp bệnh được kiểm soát và cải thiện tốt hơn khi được điều trị.

Hiện nay, với các phương pháp can thiệp y tế tiên tiến có thể giúp cải thiện đáng kể triệu chứng của bệnh như: thuốc uống, thuốc bôi, liệu pháp ánh sáng, Laser, cấy ghép tế bào thượng bì,… Vì vậy, chớ lo lắng khi mắc phải bệnh bạch biến mà hãy tìm đến các bác sĩ chuyên khoa da liễu uy tín để được khám và tư vấn phương pháp điều trị phù hợp.

Các phương pháp điều trị bệnh bạch biến

Hiện nay, có nhiều lựa chọn khác nhau trong điều trị bạch biến nhằm phục hồi sắc tố cho vùng da bệnh với những ưu điểm cũng như bất lợi riêng. Hiện chưa có phương pháp điều trị nào cho kết quả hoàn toàn hay thích hợp cho tất cả bệnh nhân bạch biến.

Empty

Cần có bác sĩ chuyên khoa chỉ định và theo dõi thường xuyên vì thời gian điều trị bệnh kéo dài và có thể gây một số tai biến cho bệnh nhân nếu tự ý điều trị.

Điều trị bằng thuốc

- Corticoids: Các dạng kem, mỡ của corticoid có hoạt tính khác nhau từ nhẹ, vừa, mạnh và rất mạnh. Tùy theo vùng da tổn thương, tuổi để có chỉ định loại phù hợp.

- Thuốc ức chế Calcineurin: thuốc ức chế calcineurin có hiệu quả tương đương với clobetasol 0.05% và ít tác dụng phụ hơn. Do đó, thuốc được ưu tiên điều trị cho tổn thương vùng mặt, cổ để hạn chế tác dụng phụ của corticoid

- Calcipotriol: Calcipotriol không được khuyến cáo sử dụng đơn độc nhưng dùng kết hợp với corticoid làm tăng tác dụng của thuốc.

- Methotrexat: Sử dụng 10mg/tuần trong 24 tuần có hiệu quả tương đương dexamethason trong kiểm soát tiến triển bệnh.

- Một số thuốc ức chế miễn dịch khác như cyclophosphamid, cyclosporin…: Các thuốc này không chứng minh được vai trò trong kiểm soát bệnh.

- Uống liều thấp các Cytokines và các yếu tố tăng trưởng nguyên bào sợi (bFGF)...

- Tránh nắng: ngăn bỏng nắng, tổn thương vùng da bệnh, giảm tổn hại da do nắng (hiện tượng Koebner), giảm rám nắng vùng da lành xung quanh.

Điều trị không dùng thuốc

- Liệu pháp ánh sáng: UVA, UVB dải hẹp hiện nay là liệu pháp điều trị ánh sáng hiệu quả. Liệu pháp này có thể làm phục hồi sắc tố > 75% ở trên 70% bệnh nhân và tỉ lệ tái phát thấp hơn các phương pháp điều trị tại chỗ khác.

- Excimer: Gồm Laser excimer (bước sóng 308nm) và ánh sáng excimer. So với NB-UVB, excimer có hiệu quả hơn, đặc biệt bạch biến đoạn. Eximer cho tác dụng nhanh, chỉ sau vài lần chiếu đã có thể đã thấy phục hồi sắc tố, tác dụng này ổn định, không tái phát trong nhiều năm

- Cấy ghép tế bào thượng bì: Đây là phương pháp lấy da ở vùng hông hoặc mặt trước đùi theo tỉ lệ 1/5 (ví dụ vùng bạch biến cần được ghép có diện tích là 10 cm² thì cần lấy 2 cm² ở vùng trước đùi). Sau đó miếng da này sẽ được đưa vào trong dung dịch, qua các công đoạn sẽ tách lấy tế bào thượng bì, nuôi dưỡng, đếm tế bào, sau đó sẽ ghép vào vùng da bị bạch biến

Theo Bệnh viện Da liễu Trung ương

comment Bình luận

largeer