Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3: Ngưỡng mộ tình thương cùng sự sẻ chia của cụ ông 75 tuổi và cụ bà 72 tuổi

Một buổi chiều tháng 3, cận những ngày kỉ niệm Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3), tôi có dịp trò chuyện với cụ ông 75 tuổi, mái tóc hoa râm, nhưng giọng nói vẫn sang sảng “xuất khẩu thành thơ” khi nhắc đến người vợ hiền dịu, tần tảo của mình.
20/03/2024 17:52

Đó là ông Hoàng Minh Diệu, sinh sống tại phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội. Tuy tuổi đã cao, chân mang thương tích từ những ngày đi lính, nhưng dáng đi của ông vẫn rất vững chắc, nhanh nhẹn, khỏe mạnh. Ông vẫn nói rằng, ông khỏe mạnh để còn “trả ơn” cho bà Hoàng Thị Thắm (72 tuổi) – người vợ mà ông hết mực biết ơn và thương yêu.

Ông Diệu ngồi trầm ngâm, dường như kỷ niệm từ những ngày trai trẻ, nơi đầu ngõ tình cờ gặp gỡ bà Thắm lại ùa về.

z5249391489192_bf3f228893f18c835cb687feed597d64

Ông Hoàng Minh Diệu và bà Hoàng Thị Thắm

Chàng trai đi lính phải lòng cô gái học kỹ thuật

Bà Thắm và ông Diệu sinh ra và lớn lên ở xã Thái Giang, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Bà ở thôn Đoài, ông ở thôn Trung, ấy vậy mà sợi dây tơ hồng bén duyên với ông bà từ những năm “cô gái học kỹ thuật 17 tuổi” và “chàng trai đi lính 20 tuổi”.

“Tôi và vợ quen nhau từ ngày vợ tôi 17 tuổi, đến 21 tuổi chúng tôi cưới. Chúng tôi gặp nhau vào một ngày mùng 2 Tết, khi đó tôi ra ngõ đứng thì thấy một người phụ nữ đứng tuổi dắt theo người thiếu nữ trẻ mặc áo hồng nhung, từ nhà đối diện đi ra. Tôi hỏi hàng xóm mới biết đó là bà Thắm. Không chỉ vậy, anh trai của bà Thắm lại là bạn học phổ thông cùng tôi. Do đó, tôi cứ đến nhà chơi”, ông Diệu bồi hồi nhớ lại.

Đến tận bây giờ, ông Diệu vẫn cho rằng, đó là cái duyên cho ông được gặp bà, ánh mắt của đôi trai gái nhìn nhau lần đầu tiên khiến ông Diệu vẫn mãi nhớ, say đắm. Ông còn nhớ mãi ấn tượng đầu tiên khi gặp bà, một người thiếu nữ thẹn thùng, có gì đấy rất duyên dáng, giản dị, đi đứng thong thả, nhẹ nhàng, toát ra sự hiền lành, chất phác của người thôn nữ.

Ông Diệu đi bộ đội năm 1966, đến năm 1969 ông về nhà an dưỡng do bị thương mất một đoạn xương đùi. Thời điểm đi bộ đội, ông mới học hết lớp 9, do đó, trong thời gian dưỡng thương, ông đã xin học tiếp lớp 10, sau vào học Đại học Xây dựng. Bà Thắm khi đó đang học kỹ thuật viên, lớp trung cấp ở Đại học Y Thái Bình. Đây cũng là thời điểm 2 ông bà có thời gian chia sẻ, gặp gỡ nhau nhiều hơn.

Ông Diệu luôn tự hào về người vợ của mình, bà gắn bó 40 năm với ngành Y, học và làm tại Đại học Y Thái Bình cho đến lúc nghỉ hưu. Bà chuyên về kỹ thuật Đông y, châm cứu nên đã giúp được rất nhiều người, ông Diệu kể: “Ngày xưa, người dân ở quê tôi bị ốm đau, lên viện rất khó, không biết nhờ ai. Nhưng bà Thắm hễ trông thấy người ở quê là đưa vào làm thủ tục nhập viện. Đến nay, vẫn còn nhiều người ở quê nhắc lại với con cháu là “ơn của bác Thắm không được quên”, cũng đã có rất nhiều người trả ơn”.

Bao nhiêu năm vợ chồng gắn bó với nhau, ông Diệu vẫn tự hào và cảm thán rằng, trời ban cho ông một người vợ tuyệt vời. Có những thời gian thỉnh thoảng vết thương của ông tái phát, bị đau, bà đã thức cả đêm để xoa bóp, châm cứu, chăm sóc tận tình, chu đáo cho ông không quản mệt mỏi.

Không chỉ thương, yêu mà hơn hết là sự trân trọng, biết ơn: “Thật ra, đến giờ, tôi vẫn mang ơn bà Thắm, vì bà chăm sóc 2 đứa con rất tốt. Tôi học kỹ sư xây dựng, những năm đầu đi công trường nhiều, xa nhà có khi đến 1 tháng, 2 tháng. Việc chăm sóc 2 đứa con đều do bà đảm đương. Ấy vậy, mà bà đều lo chu toàn, không một lời trách móc”, ông Diệu xúc động nói.

Niềm hạnh phúc chăm sóc sức khỏe cho nhau khi về già

Qua lời kể của ông Diệu, được biết, bà Thắm rất chú trọng đến sức khỏe, bà là một trong những thành viên thuộc nhóm đầu tiên tham gia tập luyện tại Câu lạc bộ (CLB) tự chăm sóc sức khỏe phường Trung Văn. Bà tham gia từ năm 2012, tuy nhiên, từ 2 đến 3 năm trở lại đây, bà không thể tham gia CLB vì vấn đề sức khỏe.

Nhưng không vì thế mà bà lơ là việc tập luyện, được ông Diệu trợ giúp, hàng ngày, ông đều xoa bóp cho bà từ đầu gối xuống ngón chân, vỗ lưng, mát xa đầu. Mỗi ngày 3 lần, mỗi lần khoảng 30 phút đến 1 tiếng. Ông Diệu vẫn nói vui rằng: “Ngày xưa bà chăm sóc tôi như vậy, giờ đã đến lúc tôi trả ơn cho bà”.

z5250809663058_e5950a1d8bbfbba6dc7e3ea173912aa0

Ông Diệu và bà Thắm (thứ 2, thứ 3 từ trái qua) tham dự chương trình “Đám cưới Vàng” do Chi Hội NCT tổ dân phố 12, phường Trung Văn tổ chức vào tháng 10/2022

Bà nhiều khi lo ông mệt, nhưng ông luôn động viên bà rằng: “Bà yên tâm, tôi làm cho bà như này, bà được 10 phần thì tôi cũng có lợi 6,7 phần. Tôi còn cảm thấy cơ thể khỏe hơn”. Vậy là bà lại yên tâm để ông xoa bóp, chăm sóc.

Bên cạnh đó, hoạt động tập luyện của ông Diệu cũng rất đều đặn, mỗi sáng ông dậy từ 4h30 để tụng kinh 1 tiếng, sau đó tập động tác vẩy tay, rồi xoa bóp cho bà. Đồng thời, ông còn tập thêm bài thái cực, trường sinh đạo khoảng 30 phút, ngày 2 lần; ông còn đạp xe đạp để rèn luyện thêm sức khỏe.

Ông Diệu luôn cảm thấy hạnh phúc khi được chăm sóc cho bà, hai người luôn cảm thông và chia sẻ cùng nhau. Đây cũng là yếu tố thắp sáng ngọn lửa hạnh phúc trong gia đình ông.

Để cảm ơn cả cuộc đời bà đã cống hiến hết mình cho công việc, dành trọn tình cảm cùng sự yêu thương cho chồng và con, ông Diệu đã dành hết sự chân thành, mộc mạc của mình mà viết nên bài “Thơ tặng vợ nhân kỉ niệm 40 năm ngày cưới”:

Hôm nay tròn 40 năm

Là ngày hai đứa chúng mình với nhau

Trải qua một cuộc bể dâu

Bây giờ tóc đã ngả màu sương pha

Nhớ ngày anh ở Bê ra

Gặp em ở ngõ nhà ta buổi chiều

Thế rồi cứ thế là yêu

Chẳng cần em có biết điều ấy không

Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Trung

Trai thôn Đoài biết là anh ra Đoài

Em còn e ấp tránh hoài

Mà anh thì cứ ra Đoài chơi luôn

Thế rồi như lửa gần rơm

Như canh chan với bát cơm đầu mùa

Trời cho em số đào hoa

Gặp nhau đơn giản thế mà nên duyên

Nhớ ngày anh cưới được em

Toàn thuốc lá cuộn lem nhem tự làm

Chậu hoa đu đủ trên bàn

Chú Sơn sáng tạo vô vàn tím xanh

Em về làm dâu nhà anh

Giản đơn như một bức tranh quê mùa

Đầu em không nón bài thơ

Chiếu giường còn đợi chăn chưa trải vào

Nhưng mà cũng chẳng làm sao

Yêu nhau thì nó thế nào cũng xong

Em về làm dâu thôn trong

Thôn Đoài có một nhà không bằng lòng

Chỉ vì cái sợi tơ hồng nó cuốn có quýt cho lòng anh say

Trăm năm thì cũng từ đây

Biết bao nếm trải những ngày sẽ qua

Tưởng rằng ngày một ngày ba

Thuận chồng thuận vợ rồi ra đàng hoàng

Ai ngờ cuộc sống khôn lường

Cái thời bao cấp trăm đường khó khăn

Lo từ cái mặc cái ăn

Lo cả củi đuốc chiếu chăn đèn dầu

Tiền lương chỉ đủ mua rau

Em còn nuôi lợn, khâu bao, đan làn

Nhìn em vất vả cơ hàn

Lòng anh se lại ngập tràn thương yêu

Giận mình tài mỏng chí nghèo

Để cho em phải khổ nhiều vì đâu

Cuộc đời như khúc song sâu

Nổi chìm trong đục biết đâu mà lần

Nhưng rồi cũng đến mùa xuân

Bầu trời rồi cũng có lần xanh trong

Em xinh con Huế đầu lòng

Như trứng gà bóc cho lòng anh vui

Và rồi tình yêu nhân đôi

Cu Thành ra đời nó giống hệt anh

Hoa tranh nở giữa vườn tranh

Hai đứa học hành đều giỏi chăm ngoan

Lặng nhìn khuôn mặt trái xoan

Rạng ngời tự mãn hân hoan tự hào

Lòng anh cũng thấy dâng trào

Thầm ơn em đã gửi trao quà này

Rằng hay thì thật là hay

Nhưng mà em chịu đắng cay cũng nhiều

Em như mặt nước cánh bèo

Cuộc đời như nước thủy triều đầy vơi

Nói thì nói thế vậy thôi

Chứ thiên hạ dễ mấy đôi như mình

Mới hay hạnh phúc gia đình

 Niềm vui là những cái mình từng lo

Niềm vui thì đến bất ngờ

Nỗi lo đọng lại từng giờ trong em

Mong cho chân cứng đá mềm

Để em còn vượt lên trên lo phiền

Cuộc đời sao nỡ vô duyên

Nỡ để người hiền phải suốt đời lo

Em mãi lo toan đến tận giờ

Nụ cười nở vội để còn lo

Lo anh sức khỏe khi trời trở

Những vết thương xưa nó dày vò

Lo Huế nhà ta tính bột bồng

Thật thà như đếm tựa cha ông

Lo Thành trầm tư già hơn tuổi

Lo cả đôi bên vợ và chồng

Lo ở quê ta có bao người

Đầu làng cuối xã đến mỗi nơi

Đâu cũng tiếng lành đồn bắc Thắm

Anh mừng có Phật ở bên người

Em sống êm xuôi thật tuyệt vời

Cô Hoa, chú Tuệ, chú Mô ơi

Có điều bức xúc em chia sẻ

Chẳng dám hơn ai rất kiệm lời

Lo mãi rồi ra cũng quen dần

Nụ cười thường trực dưới nếp nhăn

Trời cũng chiều người ban phúc hậu

Vợ chồng, con cháu, chắt an lành

Thấm thoát thoi đưa đã xế chiều

Bốn mươi năm ấy biết bao nhiêu

Ngọt bùi cay đắng cùng chia sẻ

Sau giận lại thương lại thương nhiều

Con cháu hôm nay đã thỏa lòng

Dâu hiền, rể thảo toại ước mong

Minh Tít, Bảo Tin cùng Yến Ngọc

Gion cười hoa nở có vui không

Bây giờ anh đã lên ông

Em bà nội, ngoại hỏi không sướng à?

Bên nhau vẫn cứ mượt mà

Anh em như thể còn là ngày xưa

Thật rồi đâu phải nằm mơ

Mười năm sau nữa đón chờ năm mươi

Bấy giờ em chắc còn tươi

Anh còn sung sức nói cười oang oang

Ta làm đám cưới thật Vàng!

Tình yêu của hai ông bà khiến chúng tôi ghen tị biết bao, bao nhiêu năm lòng ông vẫn vậy, bao nhiêu năm tình cảm của hai ông bà vẫn như được giữ trọn trong khoảnh khắc gặp gỡ hôm ấy. Chúc ông bà luôn mạnh khỏe, cùng nhau đạt được những cột mốc kỉ niệm đám cưới thật đáng nhớ. Luôn là tấm gương để thế hệ trẻ noi theo!

Thu Trang. Ảnh: NVCC

comment Bình luận

largeer