Nghệ An: Ba lần phẫu thuật cứu sống trẻ sơ sinh bị thoát vị cuống rốn phức tạp

Sản phụ C.T.H. (trú tại huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) sinh mổ ở tuần thai 38 tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An. Bé trai cân nặng 3.000g, chào đời với sự chuẩn bị cấp cứu khẩn trương ngay trong phòng mổ.
18/05/2023 09:25

Trước đó, trong quá trình khám thai ở tuần 12, bệnh nhi đã được phát hiện thoát vị rốn, nội tạng ruột, gan trong ổ bụng thoát ra ngoài, tạo thành một khối lồi khổng lồ tại vùng bụng bệnh nhi.

Bệnh nhi được hội chẩn liên khoa: Hồi sức tích cực và Ngoại khoa, các bác sĩ xác định đây là một trường hợp dị tật thai nhi hiếm gặp và rất khó xử trí. Khối thoát vị có đường kính khoảng 6x7 cm, gan và ruột ở trong khối thoát vị, thể tích ổ bụng bệnh nhi rất nhỏ. Bao khối thoát vị đã bị thủng.

Các bác sĩ tiên lượng bệnh nhi bị thoát vị nặng, nguy cơ nhiễm trùng, suy hô hấp, tỷ lệ tử vong cao. Thời gian điều trị sẽ kéo dài, bệnh nhi cần nhịn ăn và phải phẫu thuật nhiều lần, kết hợp với phương án hồi sức tích cực, theo dõi chặt chẽ.

Ảnh: VTV

Ảnh: VTV

Ekip hội chẩn quyết định phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhi trước, sau đó tạo hình và phục hồi vùng thành bụng. Bệnh nhi đã trải qua 3 lần phẫu thuật phức tạp, 2 lần đầu ca phẫu thuật mở rộng ổ thoát vị của trẻ, che phủ gan và ruột bằng túi vô khuẩn, treo gan và ruột để các tạng này có thể vào lại ổ bụng từ từ. Sau các ca phẫu thuật, bệnh nhi được thở máy, an thần, giãn cơ sâu. Lần thứ 3, trẻ được phẫu thuật đẩy gan vào ổ bụng, tạo hình thành bụng.

Sau 3 ca phẫu thuật, các nội tạng gan, ruột của bệnh nhi đều đã nằm trong ổ bụng. Sau 50 ngày điều trị, bệnh nhi đã cai được máy thở, tập bú, tình trạng sức khỏe ổn định và được xuất viện.

Theo các bác sĩ, thoát vị cuống rốn (omphalocele) là một dị tật bẩm sinh đường tiêu hóa và thần kinh rất hiếm gặp. Thoát vị cuống rốn xảy ra với tình trạng nội tạng trong ổ bụng chui ra ngoài, tạo thành một khối lồi tại vùng rốn. Tùy theo kích thước của khối này mà bên trong chứa dịch, hoặc lẫn vừa dịch vừa có nội tạng cơ thể như: Ruột non, ruột già, gan, dạ dày hoặc các tổ chức khác từ ổ bụng.

Việc được theo dõi sớm, dự đoán tình hình và các can thiệp cần thiết, các dị tật dù khó nhưng cũng có hướng xử trí thuận lợi hơn và tỉ lệ trẻ được cứu sống cũng cao hơn. Vì vậy, đối với các bà mẹ đang mang thai, việc tầm soát, thăm khám thai thường xuyên là vô cùng quan trọng.

Theo VTV

comment Bình luận

largeer