Nghệ An: Số lượng trẻ nhỏ mắc cúm A nhập viện tăng cao

Thời gian gần đây, tại Bệnh viện Đa khoa 115 (Nghệ An), số lượng trẻ nhỏ mắc cúm A nhập viện tăng cao. Trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Đa khoa115 đã tiếp nhận khoảng gần 20 ca dương tính với cúm A, trong đó chiếm đa phần là trẻ nhỏ.
03/01/2024 12:04

Sáng ngày 2/1, bệnh nhi Đ.P.T (47 tháng tuổi, TP Vinh) đến khám với triệu chứng sốt cao, ho nhiều, quấy khóc. Các bác sĩ đã thực hiện test nhanh cho kết quả cháu mắc cúm A, phải nhập viện điều trị do tình trạng viêm phổi kèm nhiễm cúm, dẫn đến suy hô hấp.

Tương tự, chị N.T.T.C cũng đã đưa cả 2 con 3 tuổi và 5 tuổi đến khám khi có sốt cao, nôn nhiều, mệt mỏi, bỏ ăn... Uống hạ sốt chỉ được một thời gian ngắn là sốt lại. Khi test và biết nguyên nhân gây bệnh cho con là virus cúm A, chị C. không bất ngờ vì lớp con chị đã có nhiều cháu mắc bệnh phải nghỉ học.

415289253_838029541459655_7859886201809621851_n

Chuyên gia khuyến cáo nên tiêm vaccine cúm hàng năm

Cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus cúm gây nên. Bệnh xảy ra hàng năm, thường vào mùa Đông - Xuân, lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, khi ho, hắt hơi. Có 4 type virus cúm là cúm A, cúm B, cúm C, cúm D, trong đó virus cúm A và virus cúm B hay gây bệnh trên người. Các chủng virus có thể thay đổi hàng năm.

Bệnh cúm mùa tiến triển thường lành tính nhưng cũng có thể biến chứng nặng và nguy hiểm hơn ở những người có bệnh lý mạn tính về tim mạch và hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch, người già (> 65 tuổi), trẻ em (< 5 tuổi) và phụ nữ có thai. Một số các biến chứng do virus cúm A có thể gây ra suy hô hấp, sốt cao co giật, viêm phổi, viêm não, viêm phế quản, viêm tai giữa…

“Biến chứng nặng của cúm A là suy hô hấp với các triệu chứng như thở gấp, khó thở,… dẫn đến viêm phổi, cơ thể thiếu oxy dẫn đến tử vong. Do đó, cần cẩn trọng phòng bệnh cho trẻ nhỏ và lưu ý theo dõi sát trong quá trình chăm sóc trẻ khi mắc cúm để tránh biến chứng. Khi bệnh nhân có biểu hiện nặng, như thở khò khè, khó thở, sốt cao không hạ, li bì, biểu hiện mất nước, co giật... cần đưa ngay đến cơ sở y tế, đặc biệt lưu ý không tự ý điều trị bằng kháng sinh hoặc thuốc kháng virus”, bác sĩ Lê Hữu Trung, Khoa Nội Tổng hợp nêu rõ.

Để chủ động phòng ngừa bệnh, người dân cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân: Rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang khi ra đường, tránh tụ tập đám đông, che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi... Cách tốt nhất để phòng ngừa cúm A là thực hiện tiêm vaccine cúm hàng năm. Các đối tượng nguy cơ cao (người cao tuổi và trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi, đặc biệt từ 6 tháng đến 2 tuổi) cần tiêm trước mùa dịch.

Phạm Thắng

comment Bình luận

largeer