Nghiên cứu phát triển giống và kỹ thuật trồng, sơ chế, bảo quản dược liệu

Để tạo ra các công nghệ có thể ứng dụng trong thực tiễn phát triển dược liệu, những năm gần đây Viện đã tập trung nghiên cứu đánh giá, chọn tạo, khảo nghiệm giống dược liệu có năng suất cao, chất lượng tốt.
23/12/2022 11:28

Với vai trò là Viện nghiên cứu đầu ngành trong lĩnh vực dược liệu, Viện Dược liệu đã xác định được chức năng và nhiệm vụ về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ toàn diện về dược liệu; tư vấn cho Bộ Y tế về công tác phát triển dược liệu; nghiên cứu hiện đại hoá thuốc y học cổ truyền; tổ chức sản xuất, kinh doanh và liên doanh, liên kết trong sản xuất, kinh doanh dược liệu, thuốc và các chế phẩm khác từ dược liệu; đào tạo cán bộ chuyên ngành dược liệu. Hiện tại, Viện có các Khoa chuyên môn, Trung tâm và các Trạm nghiên cứu đã và đang tham gia vào công tác phát triển dược liệu tại nhiều địa phương trong cả nước như: Trung tâm Nghiên cứu trồng và chế biến cây thuốc Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu dược liệu Bắc Trung bộ, Trung tâm Tài nguyên dược liệu, Trung tâm Sâm và dược liệu Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Nghiên cứu dược liệu Sa Pa, Trạm nghiên cứu trồng cây thuốc Tam Đảo. Các đơn vị này thường xuyên làm việc trực tiếp với các địa phương, các cơ sở sản xuất kinh doanh và người dân trong lĩnh vực phát triển dược liệu.

c3

(Ảnh minh họa)

- Đánh giá, chọn tạo, khảo nghiệm giống dược liệu có năng suất cao, chất lượng tốt.

- Nghiên cứu sản xuất cây giống sạch bệnh.

- Nghiên cứu và hoàn thiện quy trình trồng dược liệu theo các nguyên tắc, tiêu chuẩn “Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc” theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (GACP-WHO).

- Nghiên cứu các phương pháp sơ chế, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sấy khô và bảo quản dược liệu.

- Nghiên cứu xác định thành phần sâu bệnh hại và xây dựng quy trình phòng trừ tổng hợp sâu bệnh hại hiệu quả, an toàn.

Để phục vụ nhu cầu cung cấp giống chất lượng cho các vùng trồng, Viện Dược liệu đã tập trung nghiên cứu tuyển chọn giống trên các đối tượng như Ngưu tất, Bồ công anh, Địa liền, Cúc hoa vàng, Hương nhu tía, Hy thiêm, Cà gai leo, Gấc, Nhân trần, Xuyên tâm liên, Địa hoàng, Bạch truật, Ngưu bàng, Huyền sâm, Bạch hoa xà thiệt thảo, Ích mẫu, Thảo quyết minh, Hoài sơn, Ý dĩ, Đan sâm, Cát cánh, Đương quy Nhật Bản, Đẳng sâm, Bạch chỉ, Hồng hoa… Viện cũng đã xây dựng bộ quy trình khảo nghiệm cho các giống dược liệu đã chọn lọc để đánh giá và phát triển vùng trồng ở các địa phương.

Theo quy định của Bộ Y tế, một trong những yêu cầu bắt buộc đối với các cơ sở nuôi trồng dược liệu là các khâu trong quá trình sản xuất dược liệu đều phải tuân thủ theo một quy trình kỹ thuật nhất định được ban hành dựa trên kết quả nghiên cứu khoa học hoặc các tài liệu đã được công bố. Viện Dược liệu cũng đã nghiên cứu và ban hành quy trình nhân giống, trồng và sơ chế dược liệu cho hơn 60 loài cây dược liệu khác nhau. Nhiều quy trình đã và đang được áp dụng vào thực tế sản xuất ở nhiều địa phương trong cả nước.

Sâm Ngọc Linh là đối tượng được Viện đầu tư nghiên cứu trong thời gian dài tại 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam, vùng có Sâm Ngọc Linh phân bố tự nhiên. Kế thừa kết quả nghiên cứu về nhân giống và trồng Sâm Ngọc Linh từ giai đoạn 2001 đến 2010, trong những năm vừa qua Viện đã tập trung nghiên cứu sâu hơn về các phương thức trồng Sâm dưới tán rừng và dưới giàn mái che, nghiên cứu di thực Sâm Ngọc Linh và thành phần sâu bệnh hại trên Sâm Ngọc Linh (Đề tài KC.06 “Nghiên cứu phát triển trồng Sâm Ngọc Linh (Panax vietnamensis Ha et Grushv.) ở một số khu vực có điều kiện sinh thái tương tự núi Ngọc Linh, 2011 – 2016). Từ kết quả đề tài cấp tỉnh “Nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn giống Sâm Ngọc Linh tại Kon Tum” do Trung tâm nghiên cứu trồng và chế biến cây thuốc Hà Nội thuộc Viện chủ trì, tiêu chuẩn giống Sâm Ngọc Linh đã được tỉnh ban hành và áp dụng cho địa bàn Kon Tum. Trong thời gian tới, Viện tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong việc chủ trì và phối hợp với các đơn vị trong địa bàn Kon Tum và Quảng Nam thực hiện chương trình phát triển sản phẩm Quốc gia Sâm Ngọc Linh, đưa cây Sâm Ngọc Linh phát triển thành hàng hoá ở quy mô công nghiệp.

Phan Thúy Hiền - Phó Viện trưởng Viện Dược liệu

comment Bình luận

largeer