Ngộ độc rượu methanol - hậu quả khó lường

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai liên tục ghi nhận các trường hợp nhập viện điều trị do ngộ độc rượu methanol. Đa phần các trường hợp nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, nhiều ca phải thở máy và lọc máu, thậm chí là tử vong. Những ca cứu sống được thì bị di chứng rất nặng nề về thần kinh và thị lực.
23/07/2023 08:15

Tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, chỉ trong một tuần, bệnh viện tiếp nhận và điều trị cho 4 trường hợp ngộ độc rượu nặng. Trong đó, có 3 trường hợp được người nhà xin về để lo hậu sự, một bệnh nhân đã xuất viện nhưng để lại di chứng là giảm thị lực.

Bệnh nhân ngộ độc rượu điều trị tại Bệnh viện ĐK Đồng Nai

Bệnh nhân ngộ độc rượu điều trị tại Bệnh viện ĐK Đồng Nai

Ông L.T.L. (ngụ phường Tam Hiệp, thành phố Biên Hòa), người nhà của một bệnh nhân ngộ độc rượu cho biết, trước đó, anh trai và một số người bạn cùng ăn chung, uống chung rượu không rõ nguồn gốc. Sau đó, khoảng 2 ngày, anh trai có biểu hiện nôn ói suốt đêm và dần dần đuối sức, đến khi được phát hiện, đưa đi cấp cứu anh đã hôn mê sâu. Sau khi nhập viện cấp cứu, anh được các bác sĩ cho thở máy, lọc máu nhiều ngày nhưng tình trạng vẫn không tiến triển. Do anh trai là người lao động tự do nên không có bảo hiểm y tế, chỉ 5 ngày đầu nằm viện, gia đình đã tốn chi phí gần 70 triệu đồng. Do chi phí quá lớn, gia đình xin bệnh viện đưa anh trai về nhà.

BSCKII Đào Nguyễn Minh Châu - Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết, thời gian gần đây, bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp ngộ độc, trong đó có 4 trường hợp ngộ độc rượu Methanol hay còn gọi là rượu cồn công nghiệp. Các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê, kết quả xét nghiệm cho thấy nồng độ Methanol trong máu lớn trên 100 mg/100ml. Cả 4 bệnh nhân được điều trị tích cực và phải thở máy, lọc máu liên tục. Sau thời gian điều trị, chỉ có một trường hợp bình phục, được xuất viện nhưng để lại di chứng là giảm thị lực, 3 trường hợp còn lại do chi phí điều trị quá lớn nên gia đình xin dừng điều trị, đưa bệnh nhân về nhà.

“Chi phí điều trị các trường trường hợp ngộ độc rượu thường rất lớn, vì phải thực hiện các kỹ thuật cao như lọc máu, lọc thận... (trung bình một chu kỳ lọc máu khoảng trên 50 triệu đồng). Hơn nữa, trường hợp ngộ độc rượu vào nhập viện đa phần không có bảo hiểm y tế nên khi điều trị sẽ phải chịu khoản chi phí rất cao. Nhiều trường hợp gia đình không đủ khả năng chi trả nên đã chủ động xin cho bệnh nhân về”, BS.Minh Châu cho biết thêm.

Theo BS Lê Thị Thu Hà - Phó trưởng khoa Cấp cứu BVĐK Đồng Nai, các trường hợp ngộ độc rượu Methanolcó một số triệu chứng điển hình như: mờ mắt, đau đầu dữ dội, mê man, đau bụng dữ dội, chán ăn và nôn ói nhiều, co giật, suy tim, tụt huyết áp, hôn mê… Do triệu chứng tương đối giống say rượu, tuy nhiên bị ngộ độc rượu Methanol bệnh nhân sẽ hôn mê sâu hơn, thời gian kéo dài nên khi được đưa vào bệnh viện thì đã quá muộn.

Việc sử dụng quá nhiều chất cồn từ bia, rượu khiến người sử dụng bị các bệnh lý liên quan đến gan, rối loạn tâm thần, hành vi, thoái hóa hệ thần kinh, nhiễm độc, bệnh dạ dày, bệnh tim mạch… Chỉ cần uống một lượng khoảng 0,3 lít bia hoặc 100ml rượu cũng gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh, đặc biệt là não, làm cho góc nhìn bị thu hẹp và thời gian phản ứng chậm đi. Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo, người dân hạn chế uống các loại rượu, bia, thức uống có cồn. Trường hợp thường xuyên phải sử dụng thì nên lựa chọn loại có nhãn mác, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không nên mua hàng trôi nổi, giá rẻ ngoài thị trường để hạn chế ngộ độc và tình huống xấu nhất có thể xảy ra.

Bích Ngọc – Lê Xuân/CDC Đồng Nai

 

comment Bình luận

largeer