Ngọc lan hoa trắng điều trị viêm phế quản, đau tức ngực và ho gà

Trong các loài ngọc lan thì ngọc lan hoa trắng là loại được yêu thích nhất vì màu sắc thanh sạch, vừa có thể làm cảnh lại vừa có thể làm thuốc (ngoài ra còn có ngọc lan hoa vàng).
10/05/2024 19:48

Vài nét về cây hoa ngọc lan hoa trắng

Nói đến cây hoa làm cảnh, nhiều người sẽ nghĩ đến những loài bé bé xinh xinh với kích thước khiêm tốn, có thể trồng trong chậu, để trên ban công… Tuy nhiên, trên thực tế, có rất nhiều loài hoa nổi tiếng thuộc loại thân gỗ lâu năm như mộc lan, ngọc lan, hoàng lan, hợp hoan, mộc hương, đỗ quyên, hoa gạo…

Cây ngọc lan hoa trắng (Michelia alba) cũng vậy, là cây thân gỗ có thể cao đến 12m và có lá khá to, dài, phiến lá nhẵn bóng ở mặt trên và có ít lông ở mặt dưới. Hoa của nó mọc đơn từng hoa ở nách lá nhưng cái sắc trắng vô ngần ấy sẽ là điểm nhấn cho toàn cây. 

ngoclan

Ngọc lan hoa trắng (Ảnh: Caythuoc.org)

Công dụng làm thuốc của cây ngọc lan hoa trắng

Với cây ngọc lan thì hoa, lá và rễ của nó đều có thể dùng làm thuốc.

Hoa: Hoa ngọc lan có hương thơm là nhờ có chứa tinh dầu (mặc dù với nồng độ khá thấp (0,0125%) nhưng nhờ có hương thơm đặc trưng nhẹ dịu nên có thể dùng để điều chế nước hoa). Khi dùng làm thuốc, ta hái khi nó còn là những búp non sắp nở và dùng tươi hay phơi khô đều được.

Trong Đông y, hoa ngọc lan được biết đến với tác dụng:

- Tan đờm, giảm ho gà và lợi tiểu.

- Điều trị viêm phế quản.

- Điều trị nhức đầu, chóng mặt.

- Điều trị đau tức ngực.

- Điều trị bạch đới và viêm tiền liệt tuyến.

Liều lượng: Mỗi ngày dùng từ 6 – 12g, sắc lấy nước uống. Riêng với bệnh viêm phế quản, để hiệu quả điều trị được cao hơn, bạn có thể lấy từ 5 – 7 hoa, đun sôi, chắt lấy nước rồi hòa thêm chút mật ong để uống.

Công dụng của lá và rễ ngọc lan hoa trắng

Khi dùng rễ và lá làm thuốc, ta có thể lấy quanh năm nhưng với rễ thì bạn cần chú ý khi lấy, tránh làm chết cây.

Lá: Lá ngọc lan có chứa tinh dầu và được dùng chủ yếu để chưng cất tinh dầu ngọc lan. Về công dụng làm thuốc, dân gian thường dùng lá cây để điều trị viêm phế quản mạn tính và các bệnh về đường tiết niệu, với liều từ 15 – 30g mỗi ngày, sắc lấy nước uống.

Ghi chú: Với người già yếu bị viêm phế quản mạn tính, bạn có thể hái 30g lá ngọc lan tươi, 30g lá gừa rồi sắc lấy nước cùng với 5 g địa long (tức giun đất đã làm sạch, phơi khô), sau đó chia thành hai lần uống vào buổi sáng và chiều.

Rễ: Với rễ, dân gian cũng cùng làm thuốc điều trị bệnh về đường tiết niệu, với liều thuốc sắc từ 15 – 30g mỗi ngày. Ngoài ra, rễ cây còn được dùng để điều mụn nhọt và viêm mủ (bằng cách giã nát rồi đắp lên da).

Các nghiên cứu về tinh dầu ngọc lan

Theo Tạp chí Food Control, kết quả nghiên cứu cho thấy hơi của tinh dầu ngọc lan có thể tác động đến sự sinh trưởng và phát triển của nấm Aspergillus flavus trên gạo lứt, từ đó giúp kéo dài quá trình bảo quản gạo lứt.

Ngoài ra, theo Tạp chí Academia Journal of Biology, kết quả nghiên cứu cũng cho thấy cả lá và thân cây ngọc lan đều có các thành phần tinh dầu giúp kháng khuẩn (tinh dầu ở lá mạnh hơn ở thân), giúp chống lại các loại vi khuẩn phổ biến là tụ cầu vàng Staphylococcus aureus, vi khuẩn Gram âm Escherichia coli và nấm men Candida albican.

Theo Caythuoc.org

comment Bình luận

largeer