Người bệnh bị mất khả năng nói được hỗ trợ bởi thiết bị "nói qua ánh mắt"

Với những nghiên cứu, sáng chế khoa học của các nhà sáng tạo đã mang đến những lợi ích vô cùng to lớn cho người bệnh. Đặc biệt với những người bệnh mất khả năng nói được hỗ trợ bởi thiết bị "nói qua ánh mắt" giúp giảm sự phụ thuộc vào sự hỗ trợ của những người xung quanh.
19/08/2024 10:02

Chị Đỗ Quỳnh Lê (SN 1962) tại Hà Nội sau khi nghỉ hưu được 1 năm thì chị bị tai biến. Khi chị mới bị bệnh, vợ chồng tôi đến thăm chị, không còn nhanh nhẹn, không còn giọng nói bình thường, chị Quỳnh Lê đi lại chậm chạp, nói chuyện “nhát gừng”. Chị Lê làm cùng cơ quan với chồng tôi, rất thân thiết, nhìn thấy chị bị bệnh như vậy chồng tôi rất đỗi thương cảm với chị.

Khi đó chị vẫn ngồi vững ở ghế, tập luyện phục hồi chức năng với bác sĩ tại nhà. Có lúc vẫn trò chuyện từ từ với vợ chồng tôi.

Bẵng đi 1 thời gian, chồng tôi cũng thỉnh thoảng ghé thăm chị. Vào 1 ngày tháng 8, chồng tôi bỗng nhận được tin nhắn của chị Lê với nội dung: “Hôm nào em đến mang cho chị xin mấy cuốn báo để chị đọc nhé!”. Ngay ngày hôm sau, vợ chồng tôi đã đến thăm chị.

Chúng tôi đã đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác khi chị Lê xuống sức nhanh quá! Chị đã không còn có thể nói được, ngồi xe lăn, tay yếu dần đi. Chị phải dùng đến công cụ hỗ trợ để trò chuyện với chúng tôi. Chị bị bệnh ngày càng nặng hơn sau khoảng thời gian chúng tôi đến thăm chị lần trước đó.

Empty

Chị Lê sử dụng thiết bị hỗ trợ "nói qua ánh mắt" để trò chuyện với chúng tôi

Khi hỏi chuyện, chúng tôi được biết chị sử dụng công cụ hỗ trợ là máy BLife. Hệ thống BLife của nhóm các nhà khoa học của Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã giúp ích cho người bệnh bị xơ cứng cột bên teo cơ (ALS) rất nhiều.

Hội chứng ALS ảnh hưởng đến các tế bào thần kinh có chức năng kiểm soát những chuyển động cơ bắp không ý thức, như cử động và nói chuyện. Vì vậy, người bệnh ALS hầu như không thể giao tiếp bằng tiếng nói đối với người xung quanh. Chị Lê là 1 trong số những người mắc căn bệnh này.

Empty

Hệ thống BLife giúp chị thuận tiện trong giao tiếp hơn

Để hỗ trợ người bệnh, nhóm các nhà khoa học do PGS.TS. Lê Thanh Hà, Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) cùng các cộng sự đã phát minh, xây dựng hệ thống hỗ trợ giao tiếp mang tên BLife. Hệ thống này đã giúp những người bệnh ALS có thể giao tiếp qua ánh mắt. Hơn thế, có người bệnh đã sử dụng BLife như công cụ để dạy con học, viết hồi ký về trải nghiệm trong suốt khoảng thời gian phải sống trong im lặng.

Theo PGS.TS. Lê Thanh Hà, trên thế giới hiện có một số sản phẩm hỗ trợ giao tiếp sử dụng chuyển động mắt, tuy nhiên giá cả rất cao, chưa phù hợp với thu nhập của người Việt Nam. Ngôn ngữ của hệ thống không phải là tiếng Việt nên người Việt Nam khó sử dụng. 

Đặc biệt, hầu hết các hệ thống chỉ được hỗ trợ dịch vụ ở nước đó, gây khó khăn cho người sử dụng ở Việt Nam khi cần hỗ trợ kỹ thuật. Trong khi đó, hệ thống BLife được thiết kế và tối ưu cho tiếng Việt nên việc thao tác nhập liệu nhanh hơn, ít bị lỗi hơn, chi phí cũng phù hợp với thu nhập của phần lớn người Việt Nam. 

Empty

PGS.TS. Lê Thanh Hà, Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) và hệ thống máy BLife

Qua cuộc trò chuyện với chị, khi chị chỉ dùng ánh mắt đã có thể gõ lên những con chữ, loa phát ra lời chị muốn, chúng tôi đã dễ dàng giao tiếp với chị hơn. Chị cũng biết mình đang là gánh nặng cho gia đình, người thân, nhưng nhờ có sự hỗ trợ của BLife, chị đã có thêm phần nào tự chủ động các việc cần thiết như: Hướng dẫn người nhà chăm sóc mình tốt hơn; Tâm sự với 2 người con gái; Tìm kiếm thông tin hữu ích để cập nhật tin tức,…

Quan trọng hơn cả là không những họ có thể được chăm sóc tốt hơn mà còn có thể làm được những việc mà họ cảm thấy mình vẫn còn giá trị với những người xung quanh.

Khi trò chuyện bằng máy, chị đã không còn tốn sức lực quá nhiều mà chỉ sử dụng ánh mắt, việc tay, chân không còn cử động nhưng chị vẫn khá minh mẫn, vẫn sử dụng một cách thành thục thiết bị BLife này. Với những ứng dụng cơ bản có trong máy, chị đã thêm niềm vui, thêm động lực để cố gắng vượt qua bệnh tật mỗi ngày.

Để xây dựng được hệ thống BLife, nhóm gồm 5 thành viên phụ trách từ kỹ thuật, điều hành hệ thống đến việc chăm sóc khách hàng. Các khó khăn về kỹ thuật đã dần được nhóm giải quyết. Nhưng khó khăn về thử nghiệm liên quan trực tiếp đến người bệnh và người chăm sóc bệnh nhân cần phải kiên trì vượt qua. 

Empty

Hệ thống máy BLife giúp ích cho người bệnh

Do ALS là nhóm bệnh tiến triển và hiện không có thuốc chữa đặc hiệu, người bệnh và gia đình gặp nhiều khó khăn khi đối diện với căn bệnh. Hơn nữa, tâm lý của phần lớn người Việt Nam thường ưu tiên chữa bệnh hơn là chăm lo đến chất lượng cuộc sống của người bệnh nên vấn đề giao tiếp chưa phải là ưu tiến số 1 của họ. 

Cộng thêm đây là công nghệ mới, nhiều gia đình chưa nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề giao tiếp của bệnh nhân. Do đó, nhóm đã gặp nhiều trở ngại khi thử nghiệm ứng dụng.

Mặc dù vậy, nhóm các nhà khoa học kỳ vọng sản phẩm BLife sẽ hỗ trợ được nhiều người bệnh hơn nữa, đem kết quả nghiên cứu khoa học ứng dụng nâng cao chất lượng cuộc sống.

Nguyễn Trang - Ảnh: NVCC

comment Bình luận

largeer