Về nguồn – Sống mãi cùng cõi thiêng Đồng Lộc

Có một dải đất Hà Tĩnh hiền hòa bên dòng sông La thơ mộng, nằm dưới núi Hồng Lĩnh hùng vĩ, với những bờ biển cát trắng nắng vàng. Khó có thể hình dung được 56 năm trước, nơi đây lại được mệnh danh là “tọa độ chết” mà đế quốc Mỹ thả xuống hàng vạn quả bom trong suốt gần 300 ngày đêm, nhằm ngăn chặn sự chi viện cho miền Nam.
16/08/2024 07:07

Tiếp nối truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” ngày 10/8/2024, tôi vinh dự được tham gia cùng Đoàn công tác thiện nguyện do Trung ương Hội GDCSSKCĐ Việt Nam, Quỹ Từ thiện vì cộng đồng, Tạp chí Sức Khỏe Cộng Đồng thực hiện chuyến công tác thiện nguyện, tặng quà tri ân các cựu thanh niên xung phong, cựu chiến binh, các đối tượng chính sách, nạn nhân chất độc da cam/dioxin có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện Can Lộc và Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh.

Trong những ngày này, hướng tới Kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024), 56 năm ngày Chiến thắng Đồng Lộc (24/7/1968 - 24/7/2024), 74 năm ngày Truyền thống Lực lượng Thanh niên xung phong (LLTNXP) Việt Nam (15/7/1950 - 15/7/2024), Ngã ba Đồng Lộc có nhiều hoạt động hơn so với bình thường. Những đoàn khách trong nước, quốc tế đến từ khắp nơi, các cơ quan, tổ chức cùng nhau trở lại “địa chỉ đỏ” Ngã Ba Đồng Lộc để tưởng nhớ và tri ân các Anh hùng đã hy sinh tại đây.

Hòa theo không khí và dòng người nơi đây, trong không gian khu tưởng niệm được trang hoàng với cờ đỏ sao vàng cùng những lẵng hoa tươi thắm. Bước chân vào không gian Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, ít ai có thể hình dung rằng, chính ở nơi chúng ta đang đứng, cách đây hơn 50 năm trong cuộc kháng chiến chống Mỹ để cứu nước của dân tộc, từng là trọng điểm bắn phá ác liệt của đế quốc Mỹ trên tuyến đường huyết mạch chi viện cho miền Nam. Ngã ba Đồng Lộc xưa kia và ngày nay vẫn thuộc xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, đã trở thành một biểu tượng vĩ đại của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, nơi này đánh dấu một điểm quan trọng trên con đường Hồ Chí Minh, con đường quan trọng duy nhất nối liền miền Bắc và miền Nam Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ.

b11

Di tích ngã ba Đồng Lộc thuộc xã Đồng Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) nằm trên đường Hồ Chí Minh, là giao điểm của quốc lộ 15A và tỉnh lộ 2 đoạn qua Hà Tĩnh

Vào năm 1968, do Ngã ba Đồng Lộc là một vị trí rất quan trọng, nên đã trở thành một mục tiêu hàng đầu của không quân Mỹ. Nơi này, được bao bọc bởi dãy Trường Sơn, nằm trong một thung lũng hình tam giác và đã trở thành "tọa độ chết," “túi bom” mà mọi loại bom đạn đều được không quân Mỹ liên tục thả xuống để cắt đứt tuyến giao thông huyết mạch quan trọng này. Tại đây đế quốc Mỹ đã thả hơn 2.000 trận bom và gần 50.000 quả bom vào đây, bao gồm cả bom bi, rốc két và đạn 20mm. Mỗi mét vuông đất tại ngã ba Đồng Lộc đều phải hứng chịu hơn 3 quả bom tấn.

Mặc dù không quân Mỹ ngày đêm thả bom khốc liệt là vậy, nhưng để bảo vệ, duy trì huyết mạch giao thông tại Ngã ba Đồng Lộc, toàn quân, toàn dân Việt Nam đã tổ chức huy động tối đa mọi nguồn lực để bảo vệ Ngã ba Đồng Lộc. Trong thời kỳ cao điểm, có tới 1,6 vạn người tập trung tại đây, bao gồm bộ đội pháo binh, bộ binh và lực lượng thanh niên xung phong… họ đã làm việc không ngừng để phá bom và mở đường cho các đoàn xe chi viện cho niềm Nam đi qua.

Trong số những người thanh niên xung phong ngày ấy, phải kể đến 10 cô gái của Tiểu đội 4 thuộc Đại đội 552, Tổng đội Thanh niên Xung phong 55 Hà Tĩnh, là những tấm gương hi sinh anh dũng, muôn đời lưu danh. Trưa ngày 24/7/1968, Tiểu đội 4 gồm 10 cô gái trẻ, do Võ Thị Tần - 24 tuổi, làm Tiểu đội trưởng, nhận nhiệm vụ san lấp hố bom ở khu vực, để mở đường cho xe qua. Dưới cái nhiệt huyết của lý tưởng, các cô gái làm việc với niềm vui, triển khai công việc một cách kiên cường,  và không quản hy sinh cả cuộc sống thanh xuân tươi đẹp nhất của mình. Trong số 15 trận bom rơi xuống trong ngày đó, một quả bom cuối cùng đã rơi trúng vào đội hình 10 cô gái. Những người dũng cảm này đã hy sinh để bảo vệ Ngã ba Đồng Lộc, và tuổi thanh xuân của họ đã mãi mãi ra đi. Mười cô gái Đồng Lộc đã hy sinh đó là Võ Thị Tần (24 tuổi), Hồ Thị Cúc (24 tuổi), Nguyễn Thị Nhỏ (24 tuổi), Dương Thị Xuân (21 tuổi), Võ Thị Hợi (20 tuổi), Nguyễn Thị Xuân (20 tuổi), Hà Thị Xanh (19 tuổi), Trần Thị Hường (19 tuổi), Trần Thị Rạng (18 tuổi), Võ Thị Hà (17 tuổi). Mười đóa hoa ấy đã ra đi khi trong độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời, mang theo trong lòng mình ước mơ và hoài bão của tuổi trẻ. Các chiến công của 10 cô gái TNXP đã đi vào lịch sử và trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và của tuổi trẻ Việt Nam. Máu của các chị đã đóng góp vào việc tô thắm màu cờ của Tổ Quốc!

IMG_6184
duong-truong-son2

Chiến công của 10 cô gái TNXP đã đi vào lịch sử và trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng của cách mạng Việt Nam

IMG_6193

Sa bàn tái hiện các trận đánh khốc liệt tại Ngã ba Đồng Lộc trong năm Mậu Thân 1968

Tại nơi đây - Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc, tôi tham gia cùng Đoàn đặt vòng hoa, dâng hương tại Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ TNXP toàn quốc và các Liệt sĩ đã hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc - nơi ghi danh hơn 4.000 Liệt sĩ, thanh niên xung phong trong cả nước; khu mộ 10 nữ Anh hùng Liệt sĩ TNXP Ngã ba Đồng Lộc và Đền thờ Ngã ba Đồng Lộc. Các thành viên trong đoàn chúng tôi đã kính cẩn nghiêng mình, bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với công lao to lớn của các Anh hùng Liệt sĩ đã hi sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước.

Khi tiếng nhạc tưởng niệm được cất lên, không gian cả Nhà bia bỗng dưng trầm lặng, lúc này cả Đoàn trầm mặc chìm sâu, bao không gian như réo vọng u sâu. Hết một phút tưởng niệm, tôi vẫn đứng lặng một lúc, bên tai có nghe thấy những tiếng nấc sụt xịt rất khẽ từ những thành viên trong Đoàn, tiếng thở của mọi người cũng rất khẽ như nén lại tất cả trong lòng. Xung quanh tôi là một vài người với đôi mắt đỏ hoe và những dòng lệ chảy dài trên từng gò má.

b12

Đoàn thiện nguyện dành một phút mặc miện tri ân tưởng nhớ các Anh hùng Liệt sĩ TNXP toàn quốc và các Liệt sĩ đã hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc

Sau khi Đoàn làm lễ đặt vòng hoa, dâng hương tại Nhà bia, từng người chúng tôi bắt đầu di chuyển sang khu mộ 10 nữ Anh hùng Liệt sĩ TNXP ngã ba Đồng Lộc để thắp những nén hương lên 10 ngôi mộ nữ Anh hùng Liệt sĩ TNXP. Cả Đoàn đi vòng quanh khu mộ và cài lên những bông hoa cúc trắng lên từng ngôi mộ, lúc này tôi như chìm trong những giây phút mặc niệm. Những nén hương thơm đang cháy đỏ, những làn khói nghi ngút lan toả khắp nơi, khiến tôi thấy không gian nơi đây thật linh thiêng. Nhìn vào di ảnh 10 cô gái TNXP tôi cảm nhận được sự lạc quan và hết sức gần gũi của các cô, như thảy các cô đang mỉm cười, dõi theo chúng tôi ở đâu đây.

DSC00510
DSC07017
b 11

Tôi cùng Đoàn thiện nguyện kính cẩn thắp những ném tâm nhang và cài lên nhưng bông hoa cúc lên mộ 10 cô gái TNXP

Tiếp đó, cả Đoàn di chuyển lên Tháp Chuông, trước mắt tôi là một ngọn Tháp cao lớn, uy nghi, tọa lạc trong khu rừng thông trên đồi Mũi Mác. Tháp Chuông có diện tích gần 7.000m2, với chiều cao 7 tầng (36,6m), 8 mái, hình bát giác đều, theo hình thức đài tháp và lầu vọng cảnh truyền thống và được cách tân ở phần thân tháp, lối leo lên được thiết kế theo hình xoắn chân ốc. Trên đỉnh tháp có treo quả chuông nặng 5,7 tấn, cao 3,6m, vành chuông 1,95m. Điều đặc biệt trong chuyến đi lần này, tôi may mắn được tận tay cầm vào chiếc chày để đánh lên những tiếng chuông trên đình Tháp. Khi những nhịp chày chạm vào quả chuông, tiếng chuông ngân vâng vang, vọng sâu thăm thẳm, như thấu từ trời xanh xuống lòng đất.

b13
b14

Tháp Chuông - một công trình văn hóa tâm linh, tiếng chuông mãi ngân vang như một biểu tượng kết nối tâm linh giữa người còn sống với những người đã nằm xuống để bảo vệ độc lập dân tộc

Tiếng chuông dần vang xa vào không trung, cũng là lúc tôi cùng Đoàn phải lên xe để di chuyển cho hành trình tiếp theo. Ngồi trên xe, rời khỏi các Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc chừng 10 phút, tôi mới có thể cân bằng lại cảm xúc của mình để tiếp tục chuyến hành trình. Trong đầu tôi vẫn văng vẳng tiếng chuông ngân bên tai, và hình ảnh những làn khói hương thơm nghi ngút, những biểu tượng này như một sợi dây vô hình kết nối tâm linh giữa người còn sống hôm nay với những người đã nằm xuống, hi sinh vì độc lập dân tộc. Những hình ảnh Tượng đài Chiến thắng, hình ảnh nữ TNXP đang đứng hiên ngang giữa đất trời Đồng Lộc, các cô gái với các tư thế làm việc, chiến đấu oai hùng, tinh thần lạc quan, cống hiến hết mình, không sợ nguy hiểm khi làm nhiệm vụ dường như đang tái hiện trong đầu tôi.

Cùng ngày, Đoàn thiện nguyện đã tổ chức trao tặng 50 suất quà tặng cho các cựu TNXP, cựu chiến binh, gia đình người có công với cách mạng huyện Can Lộc; 50 suất quà dành tặng cho cựu TNXP, cựu chiến binh và gia đình người có công, nạn nhân chất độc da cam/dioxin, tại huyện Lộc Hà tỉnh Hà Tĩnh. Chiến tranh đã rời xa hơn 50 năm, nhưng những di chứng, những vết thương vẫn còn để lại trên thân thể những người lính, những cựu TNXP. Chỉ có những chuyến công tác thiện nguyện ý nghĩa như thế này, tôi mới được tiếp xúc với các bác là thương binh, bệnh binh, cựu thanh niên xung phong vẫn mang trên mình những mạnh đạn, có những người đã để lại một phần máu thịt ngoài chiến trường, nhưng những điều đó không làm khuất phục được tinh thần người lính cụ Hồ "thương binh tàn nhưng không phế". Khi tiếp xúc với các bác thương binh, bệnh binh, cựu TNXP của huyện Can Lộc, Lộc Hà tôi đã cảm nhận được sự lạc quan, yêu đời, tinh thần bất khuất của người lính, điều này khiến tôi cảm thấy bội phục, những nụ cười lạc quan, yêu đời của các bác như tiếp cho tôi phần động lực vượt lên những khó khăn trong cuộc sống thời bình.

DSC06513
b9
b17

Rời khỏi mảnh đất Hà Tĩnh anh hùng, về tới Thủ đô Hà Nội khi nắng đã dần tắt, tôi vẫn còn chìm trong những dòng suy nghĩ của mình, mùi thơm của hương, của hoa, hòa trong tiếng chuông ngân vang trong gió, bầu trời Đồng Lộc trong xanh, những cánh đồng lúa xanh bát ngát, con đường nhựa thênh thang, cờ hoa phấp phới. Cuộc sống hôm nay đã hồi sinh, đang ngời lên sắc mới. Tôi chỉ biết cảm động và biết ơn sự hi sinh của các tầng lớp, thế hệ đi trước, đã không tiếc tuổi thanh xuân, không tiếc xương máu mà nằm xuống để bảo vệ Tổ quốc, dành lại hòa bình, độc lập dân tộc. Những người còn trẻ như tôi nguyện phấn đấu, học tập rèn luyện và đóng góp cho đất nước nhiều hơn nữa trong thời bình, góp phần nhỏ bé vào công cuộc phát triển đất nước để không phụ sự hi sinh của những người đã nằm xuống. 

Thực hiện: Hoàng Anh
Ảnh: Nguyễn Trang - Thu Trang

comment Bình luận

largeer