Nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm từ thức ăn đường phố

Lâu nay, người dân thường có thói quen sử dụng các loại thức ăn đường phố bởi sự tiện lợi, giá thành rẻ. Song, các loại thức ăn này luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm(ATVSTP), có thể gây ngộ độc và các dịch bệnh liên quan.
03/11/2023 21:59

Để chủ động phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, người tiêu dùng không nên mua và ăn thức ăn đường phố ở các địa điểm sau: 

1. Địa điểm bày bán không sạch sẽ, quá chật hẹp, ẩm thấp. Vì những địa điểm này thường chứa nhiều bụi bẩn và là nơi cư trú của nhiều côn trùng, ruồi nhặng, vi sinh vật gây bệnh làm thức ăn đường phố dễ bị nhiễm các tác nhân gây bệnh dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.

2. Các quán bán hàng quá gần nơi có rác thải, bùn lầy, cống rãnh ứ đọng. Vì rác thải, nước thải là nguồn chứa nhiều vi sinh vật gây bệnh làm ô nhiễm môi trường xung quanh và dễ lây nhiễm vào thức ăn đồ uống.

3. Các hàng quán ở khu vực công cộng như bến xe, bến tàu, nhà ga...trên hè đường phố gần nguồn ô nhiễm. Vì đây là những nơi đông người, xe cộ đi lại tấp nập dễ cuốn theo nhiều bụi bẩn. Nếu nơi bày bán thức ăn đường phố ở khu vực công cộng mà lại gần nguồn ô nhiễm thì bụi, ruồi nhặng, côn trùng và động vật gây hại có trong nguồn ô nhiễm càng dễ bay đậu vào thực phẩm gây ô nhiễm. 

c1

(Ảnh minh họa)

Khi lựa chọn thức ăn đường phố người tiêu dùng cũng cần chú ý những loại thức ăn cần tránh sau:

1. Các loại mực khô, bò khô, hoa quả dầm... bán gần trường học mà không che đậy kín hoặc không được đựng trong các lọ có nắp đậy. Vì trường học là nơi có nhiều xe cộ qua lại, dễ cuốn theo nhiều bụi bẩn. Thực phẩm không được che đậy kín dễ bị ô nhiễm bụi, bẩn, khói xe, vi sinh vật có hại, côn trùng...gây ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng.

2. Rau sống, rau thơm ăn kèm với các món bún riêu, phở bày bán ngoài đường. Nhiều người chế biến thức ăn đường phố do không mang đủ nước sạch để rửa rau nên nguy cơ ô nhiễm ký sinh trùng trong rau là rất cao.

3. Bánh quẩy, bánh rán, nem rán, thực phẩm có nguy cơ ô nhiễm thực phẩm cao...trong các chảo dầu mỡ có màu sắc quá đen cũng không nên ăn. Các loại thức ăn này khi rán trong mỡ dầu ở nhiệt độ cao, rán đi rán lại nhiều lần thì màu sắc của dầu mỡ bị biến thành  đen sẫm và chứa các chất độc hại, nguy cơ gây ung thư cho người sử dụng.

Khi vào quán bán thức ăn đường phố, người tiêu dùng nên quan sát trước khi quyết định mua. Trong những trường hợp sau bạn không nên mua thức ăn bán tại quầy hàng:

1. Nếu nơi chế biến thức ăn để các loại nguyên liệu thực phẩm sống và chín lẫn lộn. Các vi sinh vật và hóa chất độc hại có thể nhiễm chéo từ nguyên liệu, thực phẩm tươi sống sang thức ăn đã chín ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng thức ăn đường phố.

2. Nước dự trữ để chế biến, rửa dụng cụ không sạch và không được đựng trong các dụng cụ có nắp đậy kín.

3. Nếu người chế biến, phục vụ của quán bán thức ăn đường phố mặc trang phục không sạch sẽ; hắt hơi, xỉ mũi gần thực phẩm hoặc các dụng cụ chế biến chứa thực phẩm; dùng bàn tay trực tiếp bốc thức ăn mà không đeo bao tay hợp vệ sinh thì bạn không nên mua thức ăn của quán đó. Vì người chế biến và phục vụ có thể lan truyền vi sinh vật gây bệnh trên người họ thông qua bụi bẩn từ quần áo, nước bọt, nước mũi...sang thực phẩm, dụng cụ chế biến, chứa đựng thực phẩm.

4. Người tiêu dùng nên chọn mua thức ăn đường phố ở nơi bán có địa chỉ tin cậy. Nơi người kinh doanh thức ăn đường phố thực hiện đầy đủ trách nhiệm bảo đảm an toàn  thực phẩm cho người tiêu dùng như tuân thủ đúng các quy định an toàn thực phẩm trong kinh doanh thức ăn đường phố, bán thức ăn đường phố đảm bảo an toàn.

5. Đối với các quán bán rong thức ăn đường phố, bạn nên chọn mua thức ăn đường phố tại quán có dụng cụ, lọ, hộp đảm bảo vệ sinh để chứa đựng, bảo quản thức ăn ngay, đồ uống.

Như vậy, để đảm bảo an toàn khi sử dụng thức ăn đường phố, phòng chống ngộ độc và bệnh truyền từ thức ăn đường phố thì người tiêu dùng cần nắm được những kiến thức cơ bản trong bảo đảm an toàn thực phẩm, vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống, cũng như cách bảo quản thực phẩm. Bên cạnh đó, người sản xuất, người trực tiếp kinh doanh thực phẩm, kinh doanh mặt hàng ăn uống phải có trách nhiệm, đạo đức cao trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm để góp phần phòng tránh hiệu quả ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm cho cả cộng đồng.

Công Sơn

comment Bình luận

largeer