Nguyên nhân, cách khắc phục đau đầu khi tập thể dục

Đau đầu khi vận động có thể do mất nước, nắng gắt, hạ đường huyết... cần trang bị kỹ kiến thức khi vận động, tập thể dục.
17/05/2021 14:22

Theo Canadian Running, đau đầu khi tập thể dục, chạy bộ là vấn đề khá phổ biến. Nghiên cứu năm 2009 chỉ ra trong gần 2.000 người được khảo sát, có đến 30% từng trải qua cơn đau đầu do gắng sức.

Trong hầu hết trường hợp, những cơn đau đầu này không nguy hiểm, nhưng có thể khiến runner mất hứng thú sau khi chạy và giảm động lực tập luyện.

Nguyên nhân gây đau đầu khi chạy

Canadian Running chỉ ra 5 nguyên nhân cơ bản như sau:

Cơ thể bị mất nước: các tài liệu y khoa chứng minh đau đầu là triệu chứng phổ biến của tình trạng mất nước. Sau kết thúc cuộc chạy, runner càng có nhiều khả năng rơi vào tình trạng này. Đây cũng là thời điểm cơn đau đầu dễ kéo đến.

Các chuyên gia nhấn mạnh đau đầu do mất nước thậm chí phổ biến hơn khi nắng nóng, cơ thể bài tiết quá nhiều mồ hôi.

Phong độ không ổn định: chạy với phong độ kém có thể khiến cổ và vai bị căng, nhanh chóng dẫn đến đau đầu do căng thẳng.

"Nếu đã trải qua một ngày mệt mỏi, kiệt sức mà vẫn gắng chạy bộ, bạn rất dễ gặp cơn đau đầu ngay sau đó", chuyên gia nói trên Canadian Running.

older-runner-jpeg-9853-1621053891

Những cơn đau đầu sau khi vận động dễ khiến mọi người giảm động lực tập luyện, chơi thể thao

 

Nắng gắt và nóng nực: không chỉ nắng nóng có thể khiến cơ thể mất nước, mà việc tập luyện dưới ánh nắng trực tiếp cũng dẫn đến chứng đau đầu hoặc đau nửa đầu.

Hạ đường huyết: nghiên cứu chỉ ra rằng lượng đường trong máu thấp là nguyên nhân phổ biến của chứng đau đầu. Nếu buổi sáng chưa ăn đã chạy bộ, runner rất dễ bị hạ đường huyết. Về cơ bản, đau đầu là do não phát tín hiệu cho chúng ta biết nó cần glucose.

Glucose là chất thiết yếu, cung cấp năng lượng cho cơ thể hoạt động. Chúng có nguồn gốc từ thức ăn hàng ngày và được dự trữ trong gan (glycogen).

Người có tiền sử bị đau nửa đầu: với nhiều người, tập thể dục từ nhẹ đến trung bình có thể giảm các triệu chứng đau nửa đầu, nhưng theo Migraine Trust, một số trường hợp có thể gây ra những cơn đau tương tự.

Nếu có tiền sử đau nửa đầu, quan trọng nhất bạn phải bổ sung nước và ăn nhẹ trước khi chạy. Ngoài ra, runner nên nâng mức luyện tập lên dần dần, tránh chạy quá sức.

Đau đầu khi gắng sức

Theo bảng phân loại đau đầu quốc tế lần hai 2004 (ICHD-II: The International Classification of headache disorders), chứng đau đầu khi gắng sức được phân loại thành hai nhóm chính: nguyên phát và thứ phát.

Các bác sĩ không xác định chính xác nguyên nhân gây đau đầu nguyên phát, nhưng nhiều người tin rằng nó có thể liên quan đến việc mạch máu bị co hẹp khi bạn tập thể dục.

Trong khi đó đau đầu thứ phát là tình trạng tiềm ẩn. Nó có thể xảy ra từ một căn bệnh nghiêm trọng hay chỉ đơn giản như chứng nhiễm trùng xoang.

Cách ngăn ngừa đau đầu do tập thể dục

Hầu hết cơn đau đầu sau khi chạy có thể trị bằng một số acetaminophen hoặc dán miếng gạc ấm lên trán, nhưng phòng bệnh hơn chữa bệnh. Dưới đây là một số mẹo giảm thiểu tình trạng này:

Cung cấp đủ nước cho cho thể trong cả ngày bằng cách uống nước, ăn trái cây và rau có hàm lượng nước cao. Nếu vận động ngay sau thức dậy, hãy uống một cốc nước trước khi ra khỏi cửa.

Khi chạy dưới trời nắng, runner cần đeo kính râm và đội mũ rộng vành để bảo vệ đầu và mắt khỏi tia nắng mặt trời.

Cố gắng ăn một bữa ăn nhẹ có chứa carbohydrate một hoặc hai giờ trước khi vận động. Nếu chạy bộ vào buổi sáng, trước đó nên thử ăn chút gì đó như nửa quả chuối hoặc nửa thanh granola.

Dành thời gian kéo căng nhẹ những vùng cơ bị căng thẳng, nhất là cổ và vai.

Nếu nghi ngờ việc chạy bộ góp phần gây ra chứng đau đầu, hãy cân nhắc đến gặp bác sĩ vật lý trị liệu, chuyên về chạy bộ. Họ sẽ giúp bạn tăng cường các vùng yếu, từ đó cải thiện và phòng ngừa chứng đau đầu.

Cuối cùng là khởi động và giãn cơ thích hợp trước, sau khi chạy.

HDT-8938-jpeg-1415-1621053891

Runner trên đường chạy VnExpress Marathon Huế năm 2020 Ảnh: VnExpress Marathon.

Trường hợp runner có sức khỏe tốt nhưng thường xuyên đau đầu sau khi chạy, nên thăm khám bác sĩ. Nếu có các triệu chứng đi kèm như tức ngực, khó thở, nôn mửa, thị lực kém hoặc cứng khớp... phải lập tức gặp chuyên gia y tế. Sự thay đổi đột ngột về kiểu đau đầu mà bạn đang gặp phải cũng là lý do nên trao đổi với bác sĩ.

 

Hải Yến

comment Bình luận

largeer