Nguyên nhân nào khiến trẻ nói ngọng?

Thông thường, trong những năm đầu đời sau khi bắt đầu học nói, trẻ thường bị ngọng.Hiện tượng này có thể chấm dứt khi trẻ dần lớn nhưng đôi khi cũng theo trẻ cả cuộc đời. Vậy, nguyên nhân tại sao khiến trẻ nói ngọng?
22/12/2020 15:40

Như chúng ta đã biết, nói ngọng khiến cho cuộc sống của mỗi người gặp rất nhiều bất tiện, gây ra sự tự ti trong giao tiếp và công việc thường ngày. Tuy nhiên, nếu  biết những nguyên nhân sớm khiến chúng ta nói ngọng ngay từ khi còn là những đứa trẻ sẽ giúp ngừa được tật này.

Trẻ nói ngọng là khi trẻ bị một rối loạn ngôn ngữ khiến cho trẻ không thể phát âm rõ ràng. Nhiều trẻ nói ngọng một cách tự nhiên khi đang trong giai đoạn học nói và học cách phát âm, điều này rất bình thường và trẻ sẽ hết nói ngọng khi lớn lên.

tre em

Hình minh họa.

Tuy nhiên, sẽ là bất thường nếu sau 5 tuổi mà trẻ vẫn còn nói ngọng. Trẻ nói ngọng, phát âm không rõ ràng khiến người khác không hiểu hết điều trẻ muốn nói, đặc biệt là khi trẻ gặp người lạ. Trẻ có thể có cảm giác thất vọng và dẫn đến việc ngại giao tiếp. Ngoài ra việc nói ngọng có thể làm ảnh hưởng đến việc học đọc – viết, khó khăn trong việc học tiếng Việt lẫn ngoại ngữ.  Đây cũng là điều khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng. Tuy nhiên, việc chữa nói ngọng cho trẻ cũng không quá khó như nhiều người vẫn tưởng. Ngoài phương pháp Âm ngữ trị liệu của các nhà chuyên môn thì các bậc phụ huynh cũng đóng vai trò quan trọng trong việc chữa hết tật nói ngọng cho trẻ.

Thông thường, đa số các trẻ sẽ nói đúng các phụ âm ở độ tuổi như sau:2 tuổi: b, m, d, n, h, g, c. 3-4 tuổi: ch, t, đ, v, ph, nh, ng, x. 5- 6 tuổi: kh, s, th, r, tr.

Triệu chứng của chứng nói ngọng

Có 4 loại nói ngọng chính tương ứng với dấu hiệu đặc trưng:

Kiểu giữa răng (Interdental) – xảy ra khi lưỡi đưa vào kẽ giữa 2 hàm răng (ví dụ /n/ phát âm nghe như /nh/). Đây là kiểu phổ biến nhất của nói ngọng.

Kiểu răng (Dentalized) – xảy ra khi lưỡi đẩy vào răng và làm không khí bị đẩy ra ngoài khi nói khiến cho một số âm nhất định không thể nghe được.

Kiểu bên (Lateral) – xảy ra khi lưỡi đặt ở vùng vòm miệng và đẩy không khí ra ngoài khiến cho âm phát ra nghe có vẻ ẩm ướt.

Kiểu vòm (Palatal) – vùng giữa của lưỡi chạm vào phần vòm miệng mềm gần lưỡi gà.

Tại sao trẻ nói ngọng?

Theo các nhà khoa học, nguyên nhân khiến trẻ nói ngọng có thể do bẩm sinh. Do cấu tạo của đường phát âm bị dị dạng, lưỡi ngắn, đầy lưỡi, tổn thương miệng hay các bệnh lí bẩm sinh như bệnh sứt môi hở hàm ếch, mắc tật chẻ vòm dẫn đến tình trạng trẻ nói ngọng. Ngoài ra có thể do cấu tạo của thính giác khiến trẻ nghe kém, không nghe rõ, không nghe được vì vậy không đủ vốn từ để sử dụng hay sử dụng nhưng sử dụng sai lệch (do nghe sai) vì vậy mà bị ngọng.

sut moi

Hình minh họa.

Theo BS Đặng Hoàng Sơn, Bệnh viện Nhi đồng 1 trả lời trên Tiền Phong, khi trẻ nói ngọng, nhiều người thường “buộc tội” họng - lưỡi, nhưng có một thực tế mà khoa Tai mũi họng BV Nhi Đồng 1 thường gặp là: chủ yếu trẻ nói ngọng do bị viêm tai giữa, thậm chí có trường hợp trẻ bị điếc đến độ II mà người nhà không hay. Viêm tai giữa là bệnh lý hay gặp ở trẻ nhỏ, nhất là trẻ dưới hai tuổi và đây là nguyên nhân phổ biến khiến trẻ chậm nói, nói ngọng mà cha mẹ ít ngờ tới.

Dính thắng lưỡi là một dạng dị tật bẩm sinh ở trẻ, do dây thắng lưỡi ngắn, hoặc dính dây thắng lưỡi làm lưỡi bé không linh động, dẫn đến phát âm khó khăn, ngọng nghịu. Dính thắng lưỡi có hai dạng: dính thắng lưỡi hoàn toàn và dính một phần do thắng lưỡi ngắn. Bệnh lý này thường gặp ở bé trai và có khoảng 4-5% trẻ sơ sinh bị dị tật dính thắng lưỡi.

Trường hợp dính thắng lưỡi hoàn toàn phụ huynh có thể nhận diện được bằng cách quan sát lưỡi của bé: nếu bé không thể thè lưỡi dài, không liếm môi được là bị dính thắng lưỡi. Trẻ bị dính thắng lưỡi gặp khó khăn khi bú nên tăng cân chậm và chậm nói hay nói ngọng. Cách điều trị dị tật này khá đơn giản là bấm dính thắng lưỡi càng sớm càng tốt.

Ngậm núm vú giả thường xuyên cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến nói ngọng. Nghe có vẻ vô lý, nhưng nhiều nhà khoa học đã chứng minh, khi cho trẻ ngậm núm vú giả nhiều, liên tục sẽ dẫn đến tình trạng lưỡi bị thè ra ngoài nên theo thói quen, khi phát âm lưỡi trẻ thường đưa ra ngoài khiến âm phát ra bị chệch đi.

Rối loạn hành vi cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến rối loạn âm thanh. Khi chơi xem tivi, điện thoại, chơi game quá nhiều trẻ học ngôn ngữ nhìn nói mà không theo các thông thường là nghe - nói, khiến thính giác không được kích thích gây rối loạn phát âm và hay cáu bẳn.

Ngoài ra, do thói quen sử dụng ngôn ngữ của người lớn cũng tác động không nhỏ đến việc trẻ nói ngọng. Do vậy, khi nói chuyện trước mặt bé, cha mẹ nên sử dụng đúng từ ngữ, tránh việc trẻ bắt chước.

Để chữa chứng nói ngọng ở trẻ, cha mẹ nên xác định rõ nguyên nhân, đến gặp bác sĩ để có các giải pháp chữa trị phù hợp.

Thùy Dương (tổng hợp)

comment Bình luận

largeer