Nhiều bệnh nhân Covid-19 từ chối sử dụng máy thở vì coi đây là "án tử hình"

Alison Pittard, chuyên gia hồi sức tích cực (ICU) cấp cao và lãnh đạo Tổ chức Y học Chăm sóc Chuyên sâu, cho biết từng nghe chuyện về những bệnh nhân kiên quyết từ chối thở máy. Không có ghi chép chính xác, nhưng bà Pittard tiết lộ khoảng 3.500 đồng nghiệp của bà - những người làm việc trong khoa điều trị tích cực đã báo cáo hiện tượng này.
19/03/2021 09:15

Bệnh nhân lo sợ thứ sẽ giết chết họ không phải virus mà chính là chiếc máy thở. Họ hốt hoảng khi bị tiêm thuốc an thần, đặt nội khí quản, thở bằng máy hàng ngày, thậm chí hàng tháng. Chẳng mấy ai ngờ điều như vậy sẽ xảy ra bởi một năm về trước, khi Covid-19 bùng phát, máy thở là công cụ kỳ diệu để cứu người, là thứ mọi nơi phải có.

Một số người bệnh sợ rằng họ sẽ chết nếu phải thở máy. Thông thường, người nhà của họ cũng cảm thấy vậy. "Trên thực tế, nếu áp dụng cách này, người bệnh có cơ hội sống 60-70%. Vấn đề nằm ở căn bệnh, không phải máy thở", Pittard giải thích.

nurse-PNG-2127-1616055632

Bác sĩ Nick Scriven, cựu chủ tịch Hiệp hội Y học Cấp tính, nhận thấy sự do dự, hoài nghi từ những người nghĩ rằng thở máy là bản án tử hình. Nếu bệnh nhân từng thấy ai đó qua đời sau khi đặt nội khí quản, họ sẽ đấu tranh để không phải trải qua điều tương tự. Tại Anh, bệnh nhân có quyền nêu nguyện vọng của họ đối với các phương pháp xâm lấn.

Bệnh viện Hoàng gia Salford cảnh báo cứ 3 bệnh nhân thì có 2 người bị mê sảng trong thời gian đặt nội khí quản. Tình trạng khiến người bệnh bị hoang tưởng và ảo giác. Không hiếm người trong cơn mê đã lầm tưởng đang bị tra tấn.

Với những người sống sót, cai máy thở có thể là một quá trình lâu dài và đau đớn. Chuyên gia Bryden cho biết, về mặt y tế, đặt ống thở cho bệnh nhân dễ hơn là tháo ra. Chỉ sau 2-3 ngày thở máy và dùng thuốc an thần, các cơ hô hấp của người bệnh nhanh chóng yếu đi. Đối với những bệnh nhân từ chối máy thở, Bryden kể: "Họ sợ chết và nghĩ rằng máy thở sẽ khiến cái chết đến nhanh hơn".

Dave Carr, 58 tuổi, sống tại Nam London, là một y tá của đơn vị chăm sóc tích cực. Ông hiểu nỗi lo của những bệnh nhân bị gây mê. "Họ đặt toàn bộ niềm tin vào bác sĩ. Họ chấp nhận chìm vào cơn mê sâu dẫu biết mình có thể không qua khỏi. Tôi hiểu tại sao bệnh nhân lại sợ hãi đến thế", y tá Carr chia sẻ. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh: "Nếu tình trạng bệnh nặng tới mức cần sự can thiệp của máy thở, hãy chấp thuận điều đó".

Không quốc gia nào có hành trình chống dịch gắn liền với chiếc máy thở hơn nước Anh. Mô hình dự đoán ban đầu cho thấy nước này cần tới 60.000 máy vào mùa xuân năm 2020. Sự khan hiếm khiến Thủ tướng Anh Boris Johnson phải kêu gọi các nhà sản xuất máy bay, ôtô và máy hút bụi tham gia lắp ráp máy thở. Dick Elsy, người chỉ đạo công tác tăng cường sản xuất máy thở, cho biết chính quyền Johnson lo ngại bệnh nhân sẽ phải xếp hàng dài ngoài bệnh viện mà không được tiếp cận thiết bị cần thiết.

Kết quả là trong vòng nhiều tháng, với 800 triệu USD, Anh có 26.000 máy thở, theo một cuộc điều tra của Quốc hội. Trong đó, 14.000 máy được sản xuất tại nội địa, số còn lại đến từ nước ngoài, bao gồm Trung Quốc.

May mắn, hệ thống y tế không lâm vào cảnh thiếu máy thở vì các đợt phong tỏa đã giúp bệnh viện tránh được tình trạng quá tải. Khi dịch bệnh đạt đỉnh vào tháng 1, có 4.000 bệnh nhân được đặt nội khí quản, thấp hơn nhiều so với dự đoán của chính phủ. Kể từ khi vaccine nhanh chóng góp phần giảm các ca Covid-19 nghiêm trọng, số máy thở hiện được sử dụng chỉ còn gần 1.200 chiếc.

Các bác sĩ ICU cho biết phương pháp đặt nội khí quản tiếp tục đóng vai trò quan trọng khi chăm sóc bệnh nhân Covid-19. Họ thừa nhận các bệnh viện đã sử dụng quá nhiều máy thở trong những tháng đầu của đại dịch. Bà Pittard cho biết trong đợt bùng phát đầu tiên ở Anh, các bác sĩ cho những bệnh nhân có nồng độ oxy thấp thở máy. Chỉ sau vài giờ nhập viện, bệnh nhân được đưa vào phòng chăm sóc tích cực, dùng thuốc an thần và đặt nội khí quản.

Tuy nhiên, bà Pittard nói các bác sĩ dần nhận ra rằng họ có thể điều trị cho nhiều bệnh nhân mà không cần phương pháp xâm lấn này. Hầu hết bệnh nhân Covid-19 hiện nay sẽ được chỉ định các biện pháp không xâm lấn như thở oxy qua mũi hoặc thở áp lực dương liên tục (CPAP). Họ không cần đến thuốc an thần hoặc đặt ống dẫn khí tại cổ họng. Chỉ những người ốm yếu nhất mới cần đặt nội khí quản.

Theo Daniele Bryden, chuyên gia tư vấn điều trị tích cực tại Bệnh viện Sheffield Teaching, các liệu pháp tốt hơn đã được áp dụng, bao gồm việc sử dụng dexamethasone - một loại thuốc có giá chỉ 7 USD. Anh cũng đã phê duyệt hai loại thuốc trị viêm khớp dạng thấp, sau khi thử nghiệm lâm sàng cho thấy thuốc giúp giảm nguy cơ tử vong do Covid-19, rút ngắn thời gian nằm viện và giảm nhu cầu thở máy.

Sự thay đổi trong cách điều trị để lại những kết quả nổi bật. Khi làn sóng dịch thứ nhất vào tháng 3/2020 ập đến nước Anh, gần 3/4 bệnh nhân ở ICU phải thở máy. Một nửa trong số đó được đặt nội khí quản trong vòng 24 giờ sau khi nhập viện, theo Trung tâm Nghiên cứu và Kiểm tra Quốc gia về Chăm sóc Chuyên sâu. Hiện nay, những con số đó đã giảm hơn một nửa, theo Tạp chí Y tế Anh.

Theo VnExpress

comment Bình luận

largeer