Nhìn lại 2 năm phòng chống dịch COVID-19 bằng đông tây y kết hợp

Việc đưa thuốc cổ truyền để điều trị ở một số nước châu Á, dựa trên kinh nghiệm đã chống dịch bệnh thành công trong lịch sử và những nghiên cứu mới về dược liệu, bài thuốc có tác dụng chống COVID-19. Y học cổ truyền đóng vai trò không thể thiếu trong việc điều trị COVID-19 kết hợp với y học hiện đại, có thể giúp làm giảm triệu chứng và tỷ lệ biến chứng nặng.
28/01/2022 09:17

Hai năm kể từ ngày 17/11/2019, khi Trung Quốc phát hiện ca lây nhiễm COVID-19 đầu tiên tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, thế giới chứng kiến hậu quả, thảm cảnh không có tiền lệ. Hơn 300 triệu người đã bị lây nhiễm, hơn 5 triệu người tử vong trên phạm vi toàn cầu. Đại dịch COVID-19 kéo theo hệ lụy chưa từng có: đẩy hàng trăm triệu người trên thế giới vào cảnh nghèo đói, thất nghiệp, hơn 1.6 tỉ học sinh, sinh viên phải nghỉ học hoặc thay đổi hình thức học; kinh tế - xã hội nhiều quốc gia tăng trưởng âm; hệ thống y tế khủng hoảng trầm trọng ở những quốc gia nơi mà tỉ lệ ca mắc gia tăng…

covid

COVID-19 là bệnh truyền nhiễm do coronavirus 2 (SARS-CoV-2) gây ra hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng, đã lây lan khắp thế giới. Để kiểm soát bệnh cần ngăn chặn sự lây nhiễm theo các nguyên tắc phát hiện sớm, cách ly sớm và điều trị sớm bằng phương pháp y học cổ truyền và y học hiện đại. Việc đưa thuốc cổ truyền để điều trị ở một số nước châu Á như Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ… dựa trên kinh nghiệm đã chống dịch bệnh thành công trong lịch sử và những nghiên cứu mới về dược liệu, bài thuốc có tác dụng chống COVID-19. Y học cổ truyền đóng vai trò không thể thiếu trong việc điều trị COVID-19 kết hợp với y học hiện đại, có thể giúp làm giảm triệu chứng và tỷ lệ biến chứng nặng. 

Y học cổ truyền có lịch sử lâu dài trong việc phòng chống các bệnh truyền nhiễm

Không giống như y học hiện đại dựa trên bằng chứng, y học cổ truyền là y học thực nghiệm được phát triển dựa trên các quan sát lâm sàng tích lũy được qua nhiều thế kỷ. Nó không chỉ giải quyết yếu tố căn nguyên để tiêu diệt vi sinh vật gây bệnh mà còn hỗ trợ chức năng miễn dịch của cơ thể giúp chống lại bệnh tật và khắc phục di chứng. Thời xưa, khi đối mặt với bệnh truyền nhiễm, không xác định được tác nhân gây bệnh cụ thể. Tuy nhiên, các thầy thuốc có thể quan sát triệu chứng của bệnh nhân, đánh giá tình trạng bệnh và phát triển các pháp phương điều trị cho các giai đoạn khác nhau của bệnh.

dai dich

Hầu hết các lý thuyết cơ bản của y học cổ truyền được xây dựng dựa trên Hoàng đế nội kinh. Tài liệu này đề cập đến vấn đề phòng ngừa trước khi dịch bệnh xảy ra, các phương pháp phòng ngừa lây truyền bệnh và ngăn ngừa tái phát sau khi phục hồi. Các biện pháp phòng ngừa trước khi dịch bệnh xảy ra bao gồm tránh xa nguồn lây nhiễm, cắt đứt đường lây truyền, giảm thiểu tác động của môi trường đối với nhóm đối tượng nhạy cảm (người cao tuổi, trẻ nhỏ, người mắc bệnh mãn tính…) và tăng cường khả năng tự bảo vệ của cơ thể trước các tác nhân gây bệnh. Sau khi bệnh xảy ra, cần có các biện pháp tích cực để ngăn chặn tình trạng bệnh trở nên nặng và nguy kịch. Điều quan trọng là phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa để ngăn tái phát khi phục hồi.

Theo y học cổ truyền, các nguyên tắc thiết yếu để phòng và điều trị bệnh là nâng cao chính khí, loại bỏ tà khí và điều trị bệnh theo nguyên nhân gây bệnh. Để nâng cao chính khí cần phải điều chỉnh các chức năng cơ thể, đạt được cân bằng nội môi và tối đa hóa khả năng tự bảo vệ của cơ thể. Ngoài thuốc sắc hoặc thuốc chế phẩm có nguồn gốc tự nhiên ra, có thể sử dụng các phương pháp không dùng thuốc khác như châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, khí công, thiền định và dinh dưỡng.

Trong Thương hàn luận có ghi chép lại các thảo dược, bài thuốc và cách sử dụng cho các bệnh truyền nhiễm. Các phương thuốc này được gia giảm tùy theo điều kiện riêng vì hầu hết các chúng đều nhằm mục đích điều chỉnh các chức năng của cơ thể, đã được sử dụng rộng rãi ở các nước châu Á như Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản. Chúng đã tồn tại qua thời gian và vẫn được coi là có sự liên quan lớn trong môi trường ngày nay. Các bài thuốc được đề xuất trong phác đồ điều trị COVID-19 như Ma hoàng thạch cam thang, Ngân kiều tán… đều đã được chứng minh là có hiệu quả.

COVID-19 theo quan niệm của Y học cổ truyền

Tại Trung Quốc, trong vụ đại dịch này, y học cổ truyền đã sớm được đưa vào để kết hợp với y học hiện đại trong chẩn đoán và điều trị dịch bệnh COVID-19. Các phương pháp điều trị bằng thuốc thảo dược, châm cứu, và các liệu pháp đặc trưng khác như luyện tập dưỡng sinh, tâm lý trị liệu… được khuyến cáo sử dụng toàn diện dựa trên nguyên tắc biện chứng luận trị của y học cổ truyền.

HUG01928

Bệnh COVID-19 theo Y học cổ truyền là "Ôn dịch" của học thuyết "Ôn bệnh học" và có tên "Cảm mạo ôn bệnh". Covid 19 là một loại bệnh ngoại cảm có tính truyền nhiễm, lây lan mạnh trong cộng đồng.

Nguyên nhân chủ yếu do cảm thụ các yếu tố "dịch lệ", thường xuất hiện theo mùa (thời hành dịch độc), vào cuối đông đầu xuân. Ngoài ra, thời tiết bất thường cũng là điều kiện thuận lợi phát sinh bệnh. Theo nguyên lý YHCT, cùng với các biểu hiện lâm sàng, cận lâm sàng của bệnh, cho thấy vị trí gây bệnh của COVID-19 là ở tạng "Phế, Tỳ"(hô hấp, tiêu hoá), thuộc tính của nguyên nhân gây bệnh là "thấp độc" (các yếu tố dịch bệnh trong môi trường ẩm thấp). Tùy theo chính khí của mỗi người hoặc phối hợp thêm các nguyên nhân như: nhiệt, thấp, đàm, ... mà thời gian phát bệnh, nhiều thể bệnh và mức độ bệnh lý nặng nhẹ khác nhau trên lâm sàng.

Theo quan điểm của Y học cổ truyền, cơ thể sau nhiễm COVID-19 sẽ xuất hiện tổn thương Tinh, Khí, Huyết, Thần, Tân dịch,… từ đó dẫn đến rối loạn chức năng của các tạng phủ (Phế, Đại trường, Tỳ, Vị, Tâm, Can,…) và các bộ phận của cơ thể như bì mao, cốt tiết, cơ nhục,... Đây là nguyên nhân phát sinh các biểu hiện lâm sàng kể trên.

Y học cổ truyền với quan điểm tiếp cận điều trị chính yếu là tập trung bồi bổ sự thiếu hụt của Tinh, Khí, Huyết, Thần, Tân dịch; giúp phục hồi chức năng các tạng phủ, lập lại sự quân bình Hàn Nhiệt, Âm Dương của cơ thể.

Ứng dụng y học cổ truyền trong phòng chống COVID-19 tại nước khởi phát bệnh

Tại Trung Quốc, từ khi COVID-19 bùng phát, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đã ban hành phác đồ chẩn đoán và điều trị. Y học hiện đại sử dụng các loại thuốc kháng virus có thể hoạt động để chống lại COVID-19 như Chloroquine phosphate (500 mg cho người lớn), Arbidol (200 mg cho người lớn) và sự kết hợp của Ribavirin với Interferon hoặc Lopinavir/Ritonavir. Y học cổ truyền dùng thuốc sắc theo thể bệnh, giai đoạn bệnh và thuốc chế phẩm được thử nghiệm lâm sàng, đánh giá an toàn, hiệu quả và được cấp bằng sáng chế như: Thanh phế bài độc thang, Hóa thấp bài độc phương, Hoắc hương chính khí hoàn, chế phẩm Liên hoa thanh ôn, chế phẩm Sơ phong giải độc nang, chế phẩm Phòng phong thông thánh, Kim hoa thanh cảm… Bên cạnh thuốc uống, còn có một số loại thuốc tiêm như: Xiyanping, Xuebijing, Shenfu Injection và Shengmai.

HUG01913

Các vị thuốc, bài thuốc được nghiên cứu đánh giá tác dụng dược lý, các kết quả cho thấy các tác dụng như kháng virus phổ rộng trong đó có coronavirus, điều hòa miễn dịch, chống viêm, cải thiện chức năng tim, phổi, thần kinh.

Cho đến nay đã có hàng trăm nghiên cứu lâm sàng về các phương pháp y học cổ truyền trong điều trị COVID-19. Các kết quả cho thấy y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại có thể giảm tỷ lệ các biến chứng nghiêm trọng hoặc nguy kịch, cải thiện khả năng phục hồi lâm sàng và giúp giảm bớt các triệu chứng như ho, sốt, khó thở. Tác dụng chống COVID-19 của y học cổ truyền được minh chứng qua các nghiên cứu về cây thuốc, bài thuốc và các phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc.

Một số bài thuốc được nghiên cứu:

-    Dịch tiêm/viên nang Tanreqing: Hoàng cầm, Hùng đảm phấn, Sơn dương giác, Kim ngân hoa, liên kiều

-    Dịch tiêm Reduning: Thanh hao hoa vàng, Kim ngân hoa, Chi tử

-    Dịch tiêm Xiyanping: Andrographolide từ Xuyên tâm liên

-    Dịch tiêm Shenfu: Hồng sâm, hắc phụ tử

-    Dịch tiêm Xuebijing: Hồng hoa, Xích thược, Xuyên khung, Đan sâm, Đương quy

-    Dịch uống Kim ngân hoa

-    Dịch uống Xiangxue Kangbingdu: Bản lam căn, Thạch cao, Lô căn, Sinh địa hoàng, Khương hoàng, Tri mẫu, Thạch xương bồ, Hoắc hương, Liên kiều

-    Viên Lianhua Qingwen: Liên kiều, Kim ngân hoa, chích Ma hoàng sao, khổ Hạnh nhân, Thạch cao, Bản lam căn, miên mã Quán chúng, Ngư tinh thảo, Hoắc hương, Đại hoàng, Hồng cảnh thiên, Bạc hà, Cam thảo

-    Dịch uống Shuanghuanglian: Kim ngân hoa, Hoàng cầm, Liên kiều

-    Dịch uống Shenqi Fuzheng: Đảng sâm, Hoàng kỳ

-    Viên Jinye Baidu: Kim ngân hoa, Đại thanh diệp, Bồ công anh, Ngư tinh thảo

-    Viên hoàn hoặc viên nang Liushen: Xạ hương, Thiềm tô, Băng phiến, Chấu phấn, Ngưu hoàng, Hùng hoàng

-    Hỗn hợp Fufang Yuxingcao: Ngư tinh thảo, Hoàng cầm, Bản lam căn

-    Tinh dầu nghệ

-    Các bài thuốc cổ phương: Sâm linh bạch truật tán, Ma hạnh thạch cam thang, Thăng giáng tán, Ngân kiều tán…

Nghiên cứu đánh giá tác dụng chống Covid của Bài tập khí công truyền thống, thở 6 thì chữa bệnh, khí công quy tức (có lợi cho phổi), khí công tăng sức khỏe, daoyin (đạo dẫn), bài tập 8 bước có lợi cho phổi, baduanjin (bát đoạn cẩm), thiền định.

Về các phương pháp tác động huyệt vị, có các nghiên cứu đánh giá tác dụng chống Covid của bấm huyệt, châm kim, đính hạt loa tai, xoa bóp trị liệu vùng phổi để điều hòa khí và làm dịu lồng ngực.

Các kết quả nghiên cứu sơ bộ đã chỉ ra rằng y học cổ truyền và kết hợp y học hiện đại giúp rút ngắn thời gian điều trị COVID-19 hơn so với điều trị bằng y học hiện đại thông thường.

Đóng góp của Y học cổ truyền trong phòng chống dịch tại nước ta

Là một phần không thể tách rời của hệ thống y tế Việt Nam, Y học cổ truyền luôn thể hiện vai trò của mình trong việc phòng và hỗ trợ điều trị viêm đường hô hấp cấp do virus SAR-CoV-2 gây ra. Và theo đó, trong công văn số 1306/BYT - YDCT về việc tăng cường phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2 bằng các phương pháp y học cổ truyền do Bộ Y Tế đã ban hành ngày 17/3/2020 có đưa ra các bài thuốc cổ phương có thể áp dụng trong điều trị COVID-19 từng giai đoạn, tùy vào từng trường hợp bệnh nhân cụ thể mà thầy thuốc lựa chọn pháp phương và gia giảm cho thích hợp.

ts giang 2

- Giai đoạn khởi phát với pháp điều trị sơ phong thanh nhiệt, tuyên phế chỉ khái. Có thể sử dụng các bài thuốc: Ngân kiều tán, Sâm tô tán, Nhân sâm bại độc tán, Hạnh tô tán…

- Giai đoạn toàn phát với pháp điều trị tuyên phế, thanh nhiệt, định suyễn; có thể sử dụng các bài thuốc: Ma hạnh thạch cam thang. Hoặc dùng pháp điều trị thanh dinh thấu nhiệt với bài thuốc Thanh dinh thang.

- Giai đoạn hồi phục với những bài thuốc bổ âm dương, khí huyết, tạng phủ như: Bảo nguyên thang, Thập toàn đại bổ, Sinh mạch tán, Nhân sâm dưỡng vinh thang, Lục vị địa hoàng hoàn hợp sinh mạch ẩm, Dưỡng âm thanh phế thang…

Các phương pháp điều trị kết hợp Y học cổ truyền và Y học hiện đại có thể sử dụng đem lại hiệu quả cho bệnh nhân bao gồm:

- Sử dụng thuốc đông y: bao gồm thuốc thang, hoặc thuốc thành phẩm với các dạng bào chế hiện đại.

- Các hình thức châm cứu: điện châm, nhĩ châm, cấy chỉ, cứu, chườm… tùy tình trạng bệnh nhân.

- Xoa bóp bấm huyệt

- Hướng dẫn các bài tập dưỡng sinh: tập thở, tập vận động phù hợp từng người bệnh.

- Xông nhà, xông tắm

- Vật lý trị liệu

- Thực dưỡng: được hướng dẫn/chế biến các món ăn bài thuốc giúp bồi bổ, phục hồi sức khỏe sau nhiễm COVID-19 phù hợp với cá nhân từng người.

Các cơ sở y tế có thể lựa chọn phương pháp y học cổ truyền tùy theo điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực. Việc kết hợp đông y trong hỗ trợ điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 không triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ và vừa sẽ không chỉ giúp bệnh nhân nâng cao thể trạng sức khỏe, mà còn là chỗ dựa tâm lý cho người bệnh, giúp họ yên tâm là vẫn đang được chăm sóc y tế tốt nhất.

Để các bài thuốc, phương pháp y học cổ truyền được sử dụng, phát huy hiệu quả cần có đội ngũ chuyên gia hỗ trợ, tư vấn cho các bác sĩ trong quá trình điều trị. Cần khuyến khích các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền đưa vào ứng dụng các bài thuốc để điều trị giai đoạn hồi phục COVID-19. Giai đoạn này nhằm tiếp nối các giai đoạn điều trị trước để phục hồi toàn diện cho người bệnh, do đó, cần bảo đảm chi trả bảo hiểm y tế để các cơ sở khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền chăm sóc tốt hơn cho người bệnh.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần khuyến khích các đơn vị nghiên cứu lựa chọn dược liệu, phương thuốc phù hợp để nghiên cứu, đánh giá tác dụng điều trị COVID-19 bằng công nghệ hiện đại.

Ngân sách Nhà nước cần đầu tư, hỗ trợ các nghiên cứu để khai thác được các tiềm lực y dược cổ truyền như nguồn tài nguyên dược liệu, các nghiên cứu, quy trình công nghệ liên quan đã có trước đây, từ đó từng bước khẳng định thế mạnh của y học cổ truyền trong khám, chữa bệnh, nhất là đối với các bệnh mới nổi.

Hiện nay, dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp và khó lường tại nhiều địa phương trên cả nước. Vì vậy, để phòng chống dịch bệnh COVID-19, bên cạnh việc thực hiện nghiêm túc khuyến cáo 5K của Bộ Y tế. Với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, mỗi người dân cần nâng cao sức khỏe của bản thân và vệ sinh môi trường xung quanh sạch sẽ. Để thực hiện những điều này thì các phương pháp y học cổ truyền có hiệu quả rất tốt. Ngoài ra, việc triển khai nhân rộng tiêm chủng vắc xin COVID-19 cũng là giải pháp hiệu quả để phòng ngừa dịch bệnh lây nhiễm trong cộng đồng.

TS. Lương y Phùng Tuấn Giang

Chủ tịch Viện Nghiên cứu Phát triển Y dược Cổ truyền Việt Nam

comment Bình luận

largeer