Những kiêng kị ngày tết dành cho người bệnh dạ dày

Ăn uống trong dịp Tết là vấn đề rất được quan tâm, đặc biệt là đối với những người bị đau dạ dày. Những lưu ý dưới đây sẽ giúp bạn tránh được những tác hại xấu đến dạ dày ngày Tết.
18/01/2023 14:57

Do đâu mà đau dạ dày lại tăng đột biến dịp nghỉ tết đầu xuân?

Theo nhiều số liệu thống kê tại các bệnh viện trên cả nước thì viêm dạ dày, loét dạ dày thậm chí là xuất huyết tiêu hóa cao tăng đột biến trong những ngày tết và dịp đầu xuân. Số ca nhập viện không chỉ là những ca bệnh dạ dày tái phát mà rất nhiều ca mắc mới được nhập viện trong tình trạng đau đớn hoặc biến chứng nặng như xuất huyết dạ dày.

Những kiêng kị ngày tết dành cho người bệnh dạ dày. Ảnh minh họa

Những kiêng kị ngày tết dành cho người bệnh dạ dày. Ảnh minh họa

Rất nhiều người mắc bệnh lý dạ dày lâu năm mỗi dịp tết đến xuân về lại phải đối mặt với các cơn đau dạ dày tái phát với triệu chứng đau âm ỉ hoặc dữ dội kèm theo cảm giác nóng rát vùng thượng vị, ợ chua, ợ hơi, chướng bụng và buồn nôn sau ăn.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này có thể kể đến:

– Chế độ ăn uống với nhiều rượu bia và giàu chất đạm, chất béo. Ngày nay không còn hình ảnh miếng trầu là đầu câu chuyện nữa. Đa phần mọi người dùng rượu bia để khởi đầu cho sự gặp gỡ năm mới. Các món ăn đặc trưng cho tết như bánh trưng, bánh tét, dưa hành, hay những món ăn dành cho những buổi tụ họp đông người như lẩu cay… đều là hắc tinh với người bệnh dạ dày. Những loại thực phẩm này không chỉ khó tiêu mà còn kích thích dạ dày tăng tiết acid. Hậu quả là gây tổn thương viêm loét thậm chí nặng có thể gây xuất huyết dạ dày.

– Giờ giấc sinh hoạt bị xáo trộn. Là một bệnh lý chịu sự ảnh hưởng và chi phối rất nhiều từ chế độ ăn uống và sinh hoạt nên những dịp lễ tết là khoảng thời gian thuận lợi cho bệnh dạ dày tái phát hoặc phát sinh. Việc ăn uống không điều độ, sinh hoạt thất thường, thức khuya, ngủ không đủ giấc khiến cơ thể dễ rơi vào tình trạng căng thẳng qua đó dẫn đến những tổn thương ở niêm mạc dạ dày gây viêm loét.

– Đặc trưng của cái tết miền bắc là thời tiết giá rét và mưa phùn. Theo nhiều số liệu được thống kê trong các báo cáo có tời hơn 70% người bệnh dạ dày sẽ bị khởi phát cơn đau dạ dày cấp trong mùa mưa rét.

Đau dạ dày có thể trở thành chướng ngại khiến cho niềm vui ngày tết không được trọn vẹn thậm chí có thể xuất hiện những tình trạng cấp cứu nguy hiểm như thủng dạ dày, xuất huyết dạ dày

Người bệnh dạ dày nên ăn uống thế nào dịp tết

– Vẫn biết chén rượu cốc bia là thứ không thể thiếu dịp sum họp đầu năm nhưng với người bệnh dạ dày nên cân nhắc lợi hại. Tốt nhất người đau dạ dày không nên sử dụng rượu bia. Nếu thực sự phải uống rượu bia bạn nên uống lượng ít nhất có thể và không nên uống khi đói.

– Ăn uống điều độ, đúng giờ và thành bữa để dạ dày có lúc nghỉ ngơi. Hạn chế các thức ăn được chế biến dưới dạng chiên, xào, rán và các món ăn nhiều gia vị, các món muối chua.

Do đâu mà đau dạ dày lại tăng đột biến dịp nghỉ tết đầu xuân? Ảnh minh họa

Do đâu mà đau dạ dày lại tăng đột biến dịp nghỉ tết đầu xuân? Ảnh minh họa

– Không nên uống các loại nước kích thích như trà đặc, cà phê, nước ngọt có ga. Hạn chế đến mức tối đa việc sử dụng rượu bia, thuốc lá.

– Các loại thực phẩm rắn, khó tiêu như xương băm, sụn xương, cá rán giòn…. nên hạn chế bởi các mảnh sắc trong các món ăn có thể gây tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa.

– Không nên ăn quá no, không ăn ngay các món ăn được lấy trực tiếp từ tủ lạnh ra. Nên ăn đồ ăn ấm, không quá lạnh, không quá nóng.

– Sinh hoạt điều độ, không thức quá khuya, không vui chơi quá độ để ảnh hưởng đến sức khỏe.

– Chú ý phòng chống lạnh tốt, mặc đủ ấm, ngủ ấm, không để cơ thể bị nhiễm lạnh đối với những người đón tết ở miền bắc nhiệt độ ngoài trời thấp.

Một vài món ăn phù hợp với ngày tết lại tốt cho người bệnh dạ dày

Món ăn từ khoai sọ

Trong y học cổ truyền, khoai sọ có vị cay ngọt, tính bình, bổ tỳ vị và đại tràng, giúp nhuận tràng tốt cho người bệnh dạ dày. Khoai sọ cũng giúp đẩy nhanh tốc độ hồi phục cơ thể ở những người mới ốm dậy

Cứ 100g khoai sọ thì nấu chung với 50g thịt lợn nạc, có thể cho thêm chút rau mùi hoặc hạt mùi. Ninh chín nhừ ăn một mình nó hoặc ăn với cơm cũng rất hợp.

Bạn cũng có thể chế biến khoai sọ thành nhiều món ăn khác như nấu súp, luộc, hoặc nấu với các nguyên liệu khác hoặc cho thêm vào nồi lẩu.

Món ăn từ dạ dày lợn

Món dạ dày lợn hầm đậu tương: Đậu tương 100g, dạ dày lợn 1 bộ, rửa sạch, thêm nước vừa đủ, thêm gia vị vừa ăn, ninh nhừ chia thành các bữa ăn. Dùng cho người viêm dạ dày mãn tính, sức khỏe kém.

Dạ dày lợn, hồ tiêu trắng: Dùng 15g hồ tiêu trắng, 1 chiếc dạ dày lợn. Cho hồ tiêu đã nghiền nhỏ ướp cùng dạ dày lợn và ninh nhỏ lửa. Ăn 3 ngày 1 lần. Món ăn này cũng là một trong các bài thuốc chữa bệnh dạ dày được dùng phổ biến trong dân gian.

Cháo hạt sen

Bên cạnh tác dụng an thần, giúp cho giấc ngủ sâu hơn một cách tự nhiên, hạt sen còn có tác dụng bổ tỳ vị, hỗ trợ điều trị chứng bệnh dạ dày rất hiệu quả.

Có thể kết hợp cháo hạt sen với chút táo đỏ để tạo độ ngọt tự nhiên. Đây là món ăn nhẹ vào bữa sáng dành cho người đau dạ dày trước khi bắt đầu ngày mới với những bữa tiệc sum vầy.

Thầy thuốc Việt Nam

comment Bình luận

largeer