Những lỗ hổng khiến chủng Delta càn quét nước Mỹ

Việc biến chủng Delta càn quét và đánh bại các biến chủng khác tạo ra một cuộc chiến mới cho nước Mỹ, trong khi chưa có bằng chứng cho thấy virus ngừng biến đổi.
12/08/2021 06:16

Kể từ cuối năm ngoái, Mỹ bị tấn công liên tiếp bởi các biến chủng của virus corona, mỗi biến chủng lại mang các đặc điểm khác nhau. Biến chủng Delta xuất hiện vào ngày 8/5, khi đó chỉ chiếm khoảng 1% số ca nhiễm mới trên nước Mỹ.

Hiện tại, Delta gần như lấn át tất cả biến chủng khác.

Tốc độ phát triển của Delta và cách nó trở thành chủng thống trị đại dịch khiến nhiều nhà khoa học lo lắng. Chỉ trong một vài tuần ngắn ngủi, nó đã thay đổi mọi tính toán và kế hoạch dập tắt đại dịch của chính quyền. Dịch bệnh ở Mỹ hiện nay chính là làn sóng dịch của biến chủng Delta.

Những lỗ hổng khiến biến chủng bùng phát

Có nhiều yếu tố dẫn đến sự lây lan nhanh chóng của biến chủng Delta, theo báo Washington Post.

Đầu tiên là hành vi của người dân, điều mà các nhà nghiên cứu hầu như không thể kiểm soát. Khi số ca nhiễm bắt đầu giảm, mọi người đổ xô trở lại các phòng gym, nhà hàng, sân chơi bóng, rạp hát, hộp đêm. Những người đã được tiêm chủng thì chủ quan không đeo khẩu trang.

Thứ hai, là việc tiến độ tiêm vaccine chậm. Tổng thống Joe Biden từng nói sẽ có 3 triệu liều vaccine được tiêm mỗi ngày cho tới ngày 4/7, để đạt được mục tiêu 70% người trưởng thành được tiêm ít nhất một mũi. Nhưng điều này đã không xảy ra.

Tính đến hiện nay, hơn 90 triệu người dân Mỹ chưa được tiêm chủng. Hàng chục triệu trẻ em chưa được tiêm vì chưa đủ điều kiện về độ tuổi.

m1

Các bác sĩ tại một bệnh viện ở San Jose, California, đang chăm sóc cho một bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng nặng.

Thứ ba, biến chủng Delta quá mạnh. Sự phát triển nhanh chóng đến vượt lên hẳn các biến chủng khác là bằng chứng thực tế cho thấy chủng Delta rất khác biệt.

Đối với các chuyên gia virus, sự khác biệt đó vẫn còn nhiều bí ẩn. Các nhà khoa học đang gấp rút tìm hiểu nguyên nhân của sự phát triển mạnh mẽ này, đồng thời xem xét kỹ lưỡng bộ gen của hàng nghìn dòng virus liên quan.

Chủng virus ban đầu xuất hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc, có hệ số lây truyền cơ bản R khoảng 2,5. Đó là trung bình số người sẽ bị lây bệnh từ một người nhiễm duy nhất, trong một quần thể chưa từng ghi nhận căn bệnh này.

Nếu R trên 1 có nghĩa là dịch bệnh sẽ bùng phát và lây lan. CDC Mỹ và các nhà khoa học khác nói rằng chủng Delta có hệ số lây truyền lớn hơn 5. Kết quả mà nước Mỹ phải hứng chịu trong mùa hè này chính là sự bùng phát biến chủng Delta.

Hoạt động mạnh hơn

Các nhà khoa học vẫn chưa thống nhất việc chủng Delta có độc lực mạnh hơn hay không, khi mọi bằng chứng còn hạn chế và mang tính phỏng đoán.

Stephen Brierre, Trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu tại Trung tâm đa khoa Baton Rouge ở bang Louisiana, Mỹ, cho biết hiện tượng suy hô hấp và cần thông khí diễn ra nhanh hơn ở những người nhiễm chủng Delta.

Emily L. Tull, điều dưỡng tại khu chăm sóc tích cực tại Trung tâm Y tế Willis-Knighton ở Shreveport, Los Angeles cho biết cô chứng kiến nhiều tình trạng suy thận, tổn thương gan và đông máu ở bệnh nhân nhiễm chủng Delta. Nhiều người phải dùng máy thở liên tục.

Thông thường, một y tá sẽ quản lý 2 bệnh nhân cùng lúc. Nhưng gần đây, những bệnh nhân này quá ốm yếu đến mức phải chăm sóc riêng từng người.

m2

Một y tá kiểm tra bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Bệnh viện NEA Baptist Memorial ở thành phố Jonesboro, Arkansas, Mỹ

Đã xuất hiện nhiều bệnh nhân trẻ so với hồi đầu đại dịch, nguyên nhân chủ yếu do ít người trẻ tuổi được chủng ngừa hơn.

Cô Tull cho biết các nhân viên chăm sóc sức khỏe đang phải đưa ra quyết định có nên bắt đầu chạy thận cho người 25 tuổi khỏe mạnh hay không.

Tại bang Alabama, khoảng 43% người lớn được tiêm chủng đầy đủ. Hầu như 67 hạt ở đây đều có tỷ lệ lây nhiễm cao trong cộng đồng.

Theo Jeanne Marrazzo, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đại học Alabama (UAB) cho biết giới chức y tế đang đánh giá hồ sơ bệnh nhân nội trú nhiễm chủng Delta nặng.

Tại bệnh viện UAB, số bệnh nhân nhập viện vì COVID-19 và tử vong ngày càng trẻ hơn, và nhiều ca phải sử dụng phương pháp điều trị cuối cùng - ECMO - vì phổi bị tổn thương nặng.

Việc dùng đến ECMO đồng nghĩa với việc bệnh nhân “tổn thương cực kỳ nghiêm trọng”.

Theo một tài liệu nội bộ của CDC, chủng Delta khiến bệnh nhân phải nhập viện trong tình trạng nặng. Các chuyên gia cho rằng giới lãnh đạo cần phải "thừa nhận cuộc chiến đã thay đổi".

Giám đốc CDC Rochelle Walensky cho biết các nghiên cứu như vậy mới chỉ là sơ bộ.

Bà nhấn mạnh biến chủng Delta lây lan nhanh chóng trong thời gian nới lỏng giãn cách xa xã hội. Đó là nguyên nhân khiến nhiều người bị phơi nhiễm hơn, khiến các nhà nghiên cứu khó phân biệt mức độ nghiêm trọng của virus.

Đã tiêm chủng vẫn có thể lây lan 

 virus

CDC Mỹ đề xuất loạt thay đổi trong cách ứng phó mới với đại dịch. Biến chủng Delta buộc họ tăng tốc hoạt động khi có bằng chứng cho thấy những người được tiêm vẫn bị nhiễm bệnh và lây lan virus.

a5

CDC Mỹ đã khuyến cáo người dân, dù đã tiêm chủng hay chưa, đều phải đeo khẩu trang tại nơi công cộng.

Tiêm vaccine vẫn là chìa khóa chủ chốt trong thời điểm này. Tất cả loại vaccine được sử dụng ở Mỹ đều có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa tình trạng nặng hoặc tử vong do chủng Delta, hoặc các biến chủng khác, gây ra.

Biến chủng Delta lây lan nhanh nhất ở những vùng có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Theo CDC Mỹ, việc tiêm vaccine làm giảm nguy cơ nhiễm trùng gấp 8 lần và giảm nguy cơ nhập viện hoặc tử vong gấp 25 lần.

Những người được tiêm chủng cũng có dấu hiệu ốm. Delta dường như có khả năng cao hơn một chút so với một số biến chủng khác trong việc gây bệnh. Dẫu vậy, đa số là trường hợp nhẹ đến trung bình mà không cần nhập viện.

Khi số lượng người được tiêm chủng tăng lên và chủng Delta càn quét toàn quốc, không thể tránh khỏi việc virus sẽ lách qua lá chắn bảo vệ cực kỳ mạnh mẽ của vaccine.

Gần đây, tới 97% những người nhập viện vì COVID-19 chưa được tiêm chủng. Ở Ohio, 99,5% số ca tử vong và 98,8% số ca nhập viện là ở nhóm người chưa được chích vaccine.

William G. Morice II, Trưởng khoa Y học thí nghiệm và Bệnh lý tại Trung tâm Mayo Clinic, cho biết: “Chúng tôi vẫn không thực sự hiểu được sự phức tạp của virus và tác động qua lại của nó với hệ thống miễn dịch".

Tăng lên theo cấp số nhân

Colorado, nằm trên sườn phía tây của dãy núi Rocky, là nơi mà làn sóng Delta càn quét mạnh mẽ.

Vào đầu tháng 5, năm trường hợp nhiễm biến chủng Delta được phát hiện ở hạt Mesa. Chỉ 36% số người đủ điều kiện đã được tiêm chủng đầy đủ. Tới cuối tháng 5, hạt này thông báo về trường hợp bệnh nhi đầu tiên qua đời do COVID-19. Bệnh nhân nhiễm chủng Delta và còn quá nhỏ để tiêm vaccine.

Cuối tháng 6, khi lễ hội âm nhạc Country Jam khai mạc, cơ quan y tế cử một xe buýt để tiêm vaccine tại chỗ, đồng thời truyền thông về chủng Delta trên màn hình để cảnh báo tới người dân.

a6

Lễ hội âm nhạc hồi cuối tháng 6 ở Colorado là một trong những sự kiện khiến chủng Delta lan rộng

Đến đầu tháng 8, gần 900 trường hợp nhiễm bệnh do biến chủng Delta gây ra.

Theo dữ liệu quốc gia, tính từ hôm 1/7, trung bình 7 ngày cho thấy có khoảng 13.000 ca mới mỗi ngày. Sau đó, con số đó vượt qua 100.000 ca và không có dấu hiệu dừng lại. Số người tử vong cũng tăng mạnh.

Sự nhân lên theo cấp số nhân của virus có lẽ đã rút ngắn khoảng thời gian từ khi một người bị nhiễm bệnh đến khi trở thành người truyền nhiễm, chỉ trong 2 - 3 ngày.

Mặt khác, sự gia tăng biến chủng Delta sẽ đạt đỉnh nhanh hơn. Điều này có thể giải thích tại sao Anh và Ấn Độ đều đã sụt giảm nhanh chóng một cách đáng ngạc nhiên sau các đợt bùng phát của chủng Delta.

Đột biến P681R

Con người chưa từng quan sát sự tiến hóa của virus một cách chi tiết đến vậy. Các công nghệ giải trình tự gene được phát triển trong những năm gần đây, cho phép các nhà khoa học chứng kiến sự tiến hóa của một loại virus trong thời gian thực, khi chủng này tiến hóa thành chủng khác.

a7

Một nhân viên y tế đang lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc vào ngày 5/8 tại một nhà ga ở Bắc Kinh, Trung Quốc

Các nhà khoa học cho biết thoạt nhìn, các đột biến của chủng Delta không có gì nổi bật so với các đột biến khác. Delta thậm chí còn thiếu một số đột biến chống miễn dịch được tìm thấy trong Gamma và Beta.

Nhưng một đột biến P681R có thể là đòn bẩy thúc đẩy sự lây lan của biến chủng Delta. Virus corona cần hai bước để xâm nhập tế bào con người, tương tự như việc tra chìa vào ổ khóa và xoay để mở cửa.

Vineet D. Menachery, chuyên gia tại Đại học Texas Medical chi nhánh Galveston, cho biết các đột biến đã cải thiện "sự vừa vặn của chìa khóa với ổ khóa". Đột biến P681R nâng cấp cách xoay chìa khóa, giúp nó xâm nhập vào tế bào tốt hơn, theo vị chuyên gia.

Hầu hết nghiên cứu đều tập trung vào protein gai đột biến, giúp virus sử dụng để xâm nhập vào tế bào. Nhưng biến chủng Delta có những đột biến ảnh hưởng đến các phần khác, mà chưa có nhiều nghiên cứu khám phá được.

Nevan Krogan, điều tra cấp cao tại Viện Khoa học Dữ liệu và Khoa học Sinh học Gladstone, cho rằng biến chủng Alpha dễ lây lan nhờ ngăn chặn phản ứng miễn dịch bẩm sinh của một người. Đó là tuyến phòng thủ đầu tiên chống lại nhiễm trùng.

Ông và các đồng nghiệp đang tìm hiểu có lý do nào khiến biến chủng Delta có khả năng tương tự hay không.

Giáo sư Menachery thường xuyên thảo luận với các cộng sự và các nhà khoa học khác về tiềm năng tiến hóa của virus. Ông mô tả virus corona này như một “virus Goldilocks” - xuất hiện hợp thời với nhiều điều kiện thuận lợi cho nó phát triển.

Câu hỏi đặt ra là liệu chủng Delta có phải là phiên bản cao nhất, hay có phải nó sở hữu một số đột biến mới khiến đây là biến chủng đáng gờm hơn.

Jeremy Luban, một nhà virus học tại Đại học Y khoa Massachusetts, cho biết: “Chủng Delta có một bộ gen lớn rất phức tạp và vẫn còn một số khía cạnh cần được khám phá".

Các nhà khoa học đang tự hỏi khi nào thì khả năng lây lan của SARS-CoV-2 sẽ đạt đến đỉnh điểm.

Trevor Bedford, một chuyên gia về sự tiến hóa của virus tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson, cho biết: “Biến chủng Delta làm tôi ngạc nhiên, nó rất khác so với các đại dịch khác".

Ông cho rằng virus không thể tiến hóa mãi mãi. Cuối cùng thì nó sẽ đạt tới giới hạn của sự tiến hóa.

(Theo Zing)

comment Bình luận

largeer