Nước mắt nhân tạo là gì? Khi nào cần dùng nước mắt nhân tạo?

Nước mắt nhân tạo là sản phẩm được dùng rất nhiều trong thời gian gần đây để điều trị khô mắt. Vậy nước mắt nhân tạo là gì? Khi nào thì nên dùng nước mắt nhân tạo?
17/11/2020 13:58

Nước mắt nhân tạo là gì?

Nhờ lớp nước mắt mỏng bao phủ bề mặt nhãn cầu mà mắt luôn toát lên vẻ long lanh, có hồn. Không chỉ vậy, nước mắt còn đóng vai trò làm sạch mắt, giúp diệt khuẩn, đảm bảo giác mạc luôn được trong suốt và tăng cường chức năng thị giác. Nếu lượng nước mắt tiết ra không đủ để duy trì độ ẩm cho mắt, làm mắt xuất hiện tình trạng khô, xốn, nhìn mờ, ngứa mắt,…Lúc này, nhiều người đã dùng nước mắt nhân tạo – chế phẩm thuốc thay thế một phần nước mắt tự nhiên để duy trì độ ẩm, mượt cho mắt.

Nước mắt nhân tạo có thành phần gì?

nuoc-mat-nhan-tao

Hình minh họa

Trong nước mắt nhân tạo thành phần chính để giúp tăng độ nhầy, giúp lưu trữ nước mắt nhân tạo lâu hơn trên bề mặt nhãn cầu là Hydrogel. Một số loại Hydrogel thường gặp là: Hydroxypropyl methylcellulose (HPMC); carboxy methylcellulose (CMC); polyethylene glycol; hyaluronic acid (chất này còn có tác dụng trong việc thúc đẩy quá trình lành vết thương ở biểu mô giác mạc và phòng ngừa bệnh khô giác mạc xảy ra),…

Ngoài ra, trong nước mắt nhân tạo còn chứa Preservative – chất bảo quản để tăng thời hạn sử dụng, thành phần kết dính sinh học, các loại muối ( như muối lactat, muối kali, muối kẽm,…), các chất kháng khuẩn nhẹ,…

Khi nào thì cần sử dụng nước mắt nhân tạo?

Khi mắt bạn bị khô do bị thiếu hụt hoặc do không ổn định thành phần trong phim nước mắt, hay sự tương tác không tốt giữa lớp nhầy với phần màng tế bào của biểu mô liên kết giác mạc gây ra tình trạng biến đổi cấu trúc và chức năng của bề mặt nhãn cầu thì có thể dùng nước mắt nhân tạo. Những tình trạng bệnh này xảy ra sẽ làm mắt xuất hiện những triệu chứng như khô mắt, rát bỏng mắt, lộm cộm mắt, sợ ánh sáng, mắt nhìn mờ,…

Những đối tượng nào thường xuyên phải dùng nước mắt nhân tạo?

unnamed

Hình minh họa

Một trong những đối tượng thường xuyên dùng nước mắt nhân tạo chính là nhân viên văn phòng. Bởi vì thường xuyên sử dụng máy tính với tần suất cao nên dẫn đến tình trạng khô mắt. Ngoài ra, những đối tượng như người già, phụ nữ tiền mãn kinh, những người mổ LASIK để điều trị cận thị,…thì cũng phải thường xuyên dùng nước mắt nhân tạo.

Tuy nhiên, bạn nên hiểu rằng nước mắt nhân tạo không giúp điều trị khô mắt xuất phát từ nguyên nhân là những bệnh lý như viêm kết mạc, viêm giác mạc,…Thế nên, về cơ bản nước mắt nhân tạo chỉ được xem là một giải pháp tạm thời để làm dịu những kích ứng liên quan đến khô mắt.

Nên sử dụng nước mắt nhân tạo như thế nào?

Bạn nên sử dụng nước mắt nhân tạo theo đúng hướng dẫn được dán trên nhãn hoặc dùng theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Bạn không nên sử dụng nước mắt nhân tạo với liều lượng lớn hơn hoặc ít hơn so với liều được khuyến cáo.

Khi đang đeo kính áp tròng thì bạn không nên sử dụng nước mắt nhân tạo. Vì trong sản phẩm này có chứa chất bảo quản, khi sử dụng có thể làm mất màu kính áp tròng mềm. Nếu bỏ kính áp tròng ra ngoài để nhỏ thuốc thì bạn nên đợi khoảng 15 phút sau rồi đã đeo tiếp kính áp tròng.

Và để tránh tình trạng nhiễm trùng thì bạn nên lưu ý rửa tay trước khi tiến hành nhỏ nước mắt nhân tạo.

Nếu bạn sử dụng 2 hoặc nhiều loại thuốc nhỏ mắt, thì sau khi nhỏ một loại, bạn cần đợi khoảng 10 phút rồi nhỏ tiếp tục loại thuốc mới.

Khi sử dụng nước mắt nhân tạo nên lưu ý gì?

  • Liều dùng thông thường của nước mắt nhân tạo là 4 lần/ngày. Nếu bạn bị khô mắt nặng thì có thể nhỏ khoảng 10-12 lần/ngày.
  • Nên bảo quản nước mắt nhân tạo ở nhiệt độ phòng khoảng từ 15-30 độ.
  • Khi nước mắt nhân tạo bị đổi màu hay vẩn đục thì bạn không nên sử dụng.
  • Nên bỏ sản phẩm sau 15 ngày kể từ khi mở hộp.
  • Nước mắt nhân tạo dùng rất tốt nhưng không nên tùy tiện sử dụng, bởi vì sự thiếu hiểu biết có thể dẫn đến nhiều nguy cơ tai hại cho người dùng.

Thanh Hằng

comment Bình luận

largeer