Phát huy nội lực phát triển sản xuất dược liệu vì sức khoẻ cộng đồng

Vai trò của cây thuốc trong việc chăm sóc sức khoẻ cộng đồng và đem lại lợi ích kinh tế cho người dân là không thể phủ nhận, như­ng chất lượng dược liệu đưa vào sử dụng hiện nay chưa được quan tâm đặc biệt, chưa tuân thủ trồng theo tiêu chuẩn “Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc” (GACP-WHO) theo Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo.
06/05/2022 10:41

Tuy nhiên việc bảo tồn, phát triển và khai thác còn gặp nhiều vấn đề khó khăn, bởi nạn phá rừng, khai thác dược liệu bừa bãi, không và chưa có kế hoạch tái sinh phát triển, nhiều loài cây thuốc hoang dại mọc tự nhiên bị tàn phá, vốn quý đa dạng sinh học cây thuốc, dược thảo ngày càng có nguy cơ cạn kiệt. Các loài cây thuốc được thuần hoá từ di thực nhập nội giảm sút bởi tính cạnh tranh khốc liệt của cơ chế thị trường. Công nghệ chế biến dược liệu sau thu hoạch không được quan tâm, mẫu mã, sản phẩm chất lượng hàng hoá không cạnh tranh nổi với dược liệu nước ngoài tràn vào. Một số vùng trồng cây thuốc truyền thống đã bị mai một, kém phát triển. Quy hoạch và xây dựng vùng sản xuất dược liệu mới còn gặp nhiều khó khăn vì cơ chế, chính sách chưa khuyến khích người trồng. Dược liệu ngoài biên giới tràn vào Việt Nam không kiểm soát nổi về cả số lượng và chất lượng. Chính sách vĩ mô phát triển dược liệu, tuy đã được Đảng, Nhà nước quan tâm nhưng tính khả thi còn kém, chưa hiệu quả. Mặt khác nguồn tài nguyên cây thuốc của chúng ta bị một số công ty nước ngoài lợi dụng khai thác các nguồn gen quý hiếm đưa về nước họ hoặc trao bán cho các nước khác để kiếm lời. Tất cả những vấn đề nêu trên thực trạng đáng lo ngại, đòi hỏi chúng ta cần quan tâm xem xét một cách kỹ lưỡng và chấn chỉnh kịp thời.

Vào đầu thế kỷ này, Việt Nam có khoảng 60% diện tích đất được rừng che phủ, nay đã giảm xuống còn 20%, trong đó chỉ có 3% rừng nhiệt đới hoặc ít hơn chưa bị xâm phạm, do vậy cần có hành động kịp thời để bảo vệ nguồn đa dạng sinh học còn lại, cần thiết phải có kế hoạch khai thác hợp lý, đi đôi với việc bảo tồn cây thuốc tự nhiên, nghiên cứu phát triển sản xuất cây thuốc trồng, mở rộng và xây dựng vùng trồng hợp lý nhằm chủ động phát triển nguồn nguyên liệu làm thuốc và dược thảo thực phẩm chức năng.

Tại hội thảo khoa học “Bảo tồn, phát triển và sử dụng nguồn dược liệu vì sức khỏe cộng đồng” do Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam phối hợp với Công ty Cổ phần Ao Vua tổ chức ngày 23/4/2022, tại Khu du lịch Ao Vua (xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, TP. Hà Nội), Ths. Ngô Quốc Luật - Viện trưởng Viện Công nghệ Đại Việt, Nguyên GĐ Trung tâm NC và chế biến cây thuốc Viện Dược liệu – Bộ Y tế đã có báo cáo về “Phát huy nội lực phát triển sản xuất dược liệu vì sức khoẻ cộng đồng”.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tiềm năng đất đai, khí hậu là điều kiện để phát triển xây dựng vùng trồng cây thuốc mới

Miền núi nước ta chiếm 3/4 đất tự nhiên của cả nước, có tiềm năng to lớn về tài nguyên đất, rừng, sinh vật, thuỷ năng, khoáng sản, cây công nghiệp, cây ăn quả, cây làm thuốc... Miền núi còn là nơi thuận lợi cho phát triển cây thuốc tự nhiên và trồng trọt dược liệu. Với địa thế cao, khí hậu mát mẻ, diện tích rừng được bảo tồn đáng kể và đang được khôi phục, miền núi đã và đang đóng vai trò quyết định đối với môi trường sinh thái phát triển dược liệu của cả nước.

Nhiều dự án, chương trình được đầu tư nghiên cứu phát triển nhằm đổi mới cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế hàng hoá cho vùng cao. Nhiều nhà khoa học, Viện nghiên cứu đã tập trung trí tuệ và sức lực nhằm phát triển kinh tế tại đây.

Vùng núi cao như: Sapa, Bắc Hà - Lao Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lai Châu, Bắc Cạn, Mộc Châu - Sơn La, Thanh Hóa, Quảng Nam, Kon Tum, Đắc Lăk, Đắc Nông, Lâm đồng ... trong nhiều năm qua đã di thực thành công nhiều loài cây thuốc nhập nội, cây thuốc bản địa, xây dựng các mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả, có khả năng mở rộng sản xuất sản phẩm hàng hoá. Một số vùng nêu trên đã được thiết lập và được coi như các vùng có truyền thống sản xuất dược liệu và giống cây thuốc. Nhiều loài cây thuốc gieo trồng phát triển tại đây đã và đang cung cấp các loại giống và dược liệu khắp cả nước.

Việc sử dụng dược liệu và thuốc từ dược liệu ngày càng phát triển tăng cao. Theo số liệu của Cục quản lý Y Dược cổ truyền BYT, tổng giá trị sử dụng tại Việt Nam khoảng 5,14 tỷ USD/2018, trong đó chế phẩm từ vị thuốc (thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu) khoảng 440 triệu USD (chế phẩm từ dược liệu khoảng 330 triệu USD và vị thuốc khoảng 110 triệu USD). Tổng giá trị nguyên liệu, dược liệu sản xuất thuốc 200 triệu USD (tương đương 50.000-60.000 tấn dược liệu/năm).

Phát triển sản xuất dược liệu tạo nguồn thuốc cổ truyền và TPCN chứa thảo dược trong nước là hết sức cần thiết và có ý nghĩa phát triển Kinh tế - Xã hội.

Sau một thời gian dài sử dụng hoá dược, nhiều phản ứng phụ để lại cho con người những di chứng đáng lo ngại, chính vì vậy việc sử dụng thuốc có nguồn gốc từ Dược thảo là một trong những xu hướng chính trong việc phòng trừ và điều trị bệnh tật hiện nay.

Thuốc chữa bệnh cho nhân dân luôn là yêu cầu bức thiết, phần lớn từ hoá dược, kháng sinh và dược liệu. Các dược chất chiết tách ra từ cây thuốc, thảo dược luôn đóng vai trò quan trọng trong sản xuất thuốc cổ truyền chữa bệnh và sản phẩm BVSK. 

Chính vì lẽ đó mà công tác nghiên cứu và phát triển sản xuất dược liệu, thảo dược có ý nghĩa trong việc phát triển kinh tế - xã hội. Mỗi loài cây thuốc đòi hỏi điều kiện sinh thái khí tượng thủy văn, đất đai phù hợp với từng vùng và tuân thủ các quy trình kỹ thuật sản xuất giống, dược liệu, chế biến, bảo quản nghiêm ngặt, nhằm đảm bảo về cả khối lượng và chất lượng sản phẩm, nâng tầm giá trị cung cấp tốt nguồn nguyên liệu cho bào chế thuốc cổ truyển, sản phẩm BVSK vì lợi ích sức khỏe cộng đồng.

Nghị định 200/CP ngày 21/8/1978 của Hội đồng Chính phủ về việc phát triển dược liệu trong nước đã chỉ rõ "Cây làm thuốc là nguồn nguyên liệu chủ yếu cho công nghiệp dược phẩm, được coi là cây công nghiệp quan trọng. Các chính sách khuyến khích trồng cây công nghiệp đã ban hành đều được áp dụng đối với cây làm thuốc", Dược liệu còn là nguồn nguyên liệu xuất khẩu cho giá trị kinh tế cao. Vì thế phát triển trồng cây thuốc gắn liền với công nghệ chế biến sau thu hoạch, công nghệ bào chế chiết suất tạo được nguyên liệu đủ tiêu chuẩn thương phẩm làm thuốc với các chỉ tiêu chặt chẽ.

Phát triển sản xuất dược liệu từ cây thuốc cần lưu ý giải quyết nhiều vấn đề, với những mâu thuẫn nảy sinh như:

- Mâu thuẫn giữa yêu cầu năng suất với chất lượng dược liệu, mà chất lượng dược liệu phụ thuộc cả hai quá trình: Quá trình công nghệ chế biến và sản xuất nông nghiệp.

- Mâu thuẫn giữa người trồng cây thuốc với cơ sở chế biến luôn đòi hỏi dược liệu cần đảm bảo chất lượng cao.

- Mâu thuẫn giữa sản lượng thu hoạch và chất lượng sản phẩm, chỉ có thể giải quyết hợp lý cơ cấu giống cây trồng và mô hình sản xuất.

Để thoả mãn được nhu cầu cung cấp dược liệu cho sản xuất công nghiệp và nhu cầu thị trường, đòi hỏi:

- Phải chuyển sản xuất dược liệu theo hướng sản xuất hàng hoá.

- Chuyển từ khai thác hoang dại, tự nhiên là chính sang phát triển sản xuất trồng trọt là chính.

- Chuyển từ sản xuất tự phát, phân tán sang sản xuất công nghiệp theo kế hoạch với các vùng nguyên liệu tập chung.

- Kiểm duyệt chặt chẽ chất lượng dược liệu trên thị trường, phải coi dược liệu là loại hàng hoá đặc biệt như những loại thuốc chữa bệnh khác.

Vai trò của cây thuốc trong việc chăm sóc sức khoẻ cộng đồng và đem lại lợi ích kinh tế cho người dân là không thể phủ nhận, như­ng chất lượng dược liệu đưa vào sử dụng hiện nay chưa được quan tâm đặc biệt, chưa tuân thủ trồng theo tiêu chuẩn “Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc” (GACP-WHO) theo Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo. Nhiều vùng trồng, nhiều địa phương vẫn chưa có sự kiểm soát sản xuất dược liệu an toàn (sử dụng thuốc BVTV trừ sâu bệnh không theo danh mục quy định; Phân bón hoạt chất hoá học gây ô nhiễm môi trường đất đai và tồn dư chất độc hại trong dược liệu…) và đặc biệt là về chế biến chưa tuân thủ qui trình kỹ thuật chế biến an toàn (Hoá chất bảo quản dược liệu, các chất phụ gia trong chế biến,…) nh­ư: Hà thủ ô đỏ được bôi phẩm màu, Tam thất dùng bột chì độc hại để đánh…; Tình trạng tư thương làm hàng giả do chạy theo lợi nhuận (quả Xoan làm giả Sơn thù, củ Cọc làm giả Hoài sơn...).

Đối với dược liệu nhập từ nước ngoài tình hình còn tồi tệ hơn. Theo đánh giá của các nhà kiểm nghiệm và các cơ sở chiết xuất dư­ợc liệu thì thị trư­ờng thuốc Bắc hiện nay có nhiều vị thuốc là hàng thứ phẩm của Trung Quốc đư­ợc bán sang thị tr­ường Việt Nam, hơn thế nữa có rất nhiều vị thuốc là giả, ví dụ nh­ư Đan sâm thật có màu đỏ tự nhiên còn đan sâm đang bán trên thị trường là loại không rõ nguồn gốc đư­ợc bôi phẩm đỏ. Hiện nay trên thị trường còn xuất hiện nhiều thành phẩm Đông d­ược của Trung Quốc, có những loại 100 % là tân dược song bao bì và dạng bào chế lại là viên hoàn đông y như thuốc thần khí hoàn (chỉ định điều trị hen phế quản) có thành phần là aminophylin, ephedrin và bột Cam thảo hoặc một số loại Trà giảm béo có thành phần không rõ ràng.

Bư­ớc sang nền kinh tế thị trư­ờng hiện nay, mặt hàng d­ược liệu cũng có nhiều thành phần kinh tế tham gia, điều này làm cho việc cung, cầu d­ược liệu trong n­ước có nhiều thuận lợi hơn, song mặt trái của nó là vấn đề quản lý tài nguyên cây thuốc, đặc biệt là quản lý chất lư­ợng d­ược liệu trở nên khó kiểm soát. Chính vì vậy các trư­ờng hợp tai biến do dùng thuốc đông y ngày càng nhiều. Theo thống kê của khoa Dị ứng miễn dịch lâm sàng bệnh viện Bạch mai mấy năm trước đây cho thấy, nhiều tr­ường hợp dị ứng thuốc Đông dư­ợc và có nhiều trường hợp phải nằm viện. Theo báo cáo của Trung tâm phản ứng có hại của thuốc (ADR Việt Nam) những năm trước đây có 78 báo cáo về tác hại của thuốc Đông y nh­ư cao trăn, thuốc ngâm rư­ợu (5 ca), bài thuốc chữa cảm sốt (4 ca trong đó 2 ca chết), thuốc nhức x­ương, cao hổ cốt ngâm rư­ợu, bột dạ dày… Các triệu chứng lâm sàng ở thể nhẹ như­ nổi mẩn ngứa, buồn nôn, phù nề… đến tiêu chảy kéo dài, bí đái, thay đổi các chỉ số sinh hoá, trụy tim mạch và nặng dẫn đến cấm khẩu, hôn mê, co giật cuối cùng là tử vong.

Nhận thức việc phát triển dược liệu trước hết phải phục vụ thiết thực cho nhu cầu chữa bệnh, tăng cường sức khoẻ cho nhân dân, trước hết là vùng Nông thôn, Miền núi, Hải đảo, vùng sâu, vùng xa, từng bước xã hội hoá công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu. Đặc biệt là xã hội hoá Y học cổ truyền trong chăm sóc sức khoẻ cho toàn dân, trước hết là người nghèo. Đây là quan điểm chủ đạo và xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta. Gắn việc phát triển cây làm thuốc với việc phát triển kinh tế xã hội nông thôn, tạo việc làm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho hộ nông dân. Ngành Y tế đã có chỉ thị 11/BYT/CT ngày 6/7/1990 và chỉ thị 03/BYT/CT ngày 1/3/1996 về việc tăng cường chỉ đạo công tác thuốc Nam châm cứu và khôi phục vườn thuốc Nam ở cơ sở nhưng xu hướng phát triển còn chậm. Lợi ích của chủ thể sản xuất hộ trong phát triển cây thuốc chi phối bởi cơ chế thị trường quyết định chiều hướng và tốc độ phát triển.

Bước vào thời kỳ đổi mới, xoá bỏ quản lý bao cấp, không còn kế hoạch và đầu tư từ trên xuống, sản xuất dược liệu theo nhu cầu thị trường. Thị trường dược liệu trong nước bị dược liệu ngoại nhập tác động mạnh. Thị trường xuất khẩu dược liệu truyền thống bị phá vỡ, thị trường mới trong khu vực Đông Nam Á và thế giới chưa ổn định. Vì thế sản xuất dược liệu gặp nhiều khó khăn. Hầu hết các công ty dược liệu chuyển sang kinh doanh thuốc tân dược.

Tuy nhiên hiện nay đã có tín hiệu đáng mừng là nhiều Công ty, doanh nghiệp phần lớn đã quay lại với thuốc Đông dược và sản phẩm thực phẩm chức năng. Các doanh nghiệp kinh doanh dược liệu tư nhân phát triển mạnh, không chỉ cung cấp cho thị trường nội địa mà còn tham gia xuất khẩu. Các Trung tâm buôn bán dược liệu như Ninh Hiệp - Gia Lâm, Phố Lãn Ông - Hà Nội và Quận 5 - Thành Phố Hồ Chí Minh đã chi phối thị trường dược liệu của cả nước.

Vùng nguyên liệu cây thuốc có xáo động nhưng đang từng bước được thiết lập trở lại, chuyển từ nông trường, hợp tác xã sang hộ sản xuất. Điển hình như Mỹ Văn - Châu Giang, Nghĩa Trai - Hưng Yên; Vĩnh Phúc; Sapa, Bắc Hà - Lao Cai; Tuy Hoà - Phú Yên; Đắc Nông, Lâm Hà - Lâm Đồng...

Phát triển dược liệu làm thuốc là giải pháp phát huy nội lực của ngành Y tế và Nông nghiệp ở nước ta

Để ngành Dược thực hiện được các mục tiêu theo các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Nhà nước về “Chính sách quốc gia về thuốc” và thực hiện quyết định 1976 của Thủ tướng chính phủ nhằm giải đáp yêu cầu mới của Y Dược ngành Y tế và ngành Nông nghiệp trong đổi mới hoạt động kinh tế Dược - Nông nghiệp. Các giải pháp thực hiện, phải hết sức coi trọng phát triển, hoàn thiện hiện đại hoá công nghiệp dược, thực phẩm chức năng cùng mạng lưới cung ứng thuốc, sản phẩm BVSK.

Nhiệm vụ trọng tâm kết hợp phát triển công nghiệp chế biến, bào chế tạo ra những sản phẩm dược liệu sạch theo tiêu chuẩn GACP-WHO, dược liệu cổ truyền và thực phẩm chức năng chứa thảo dược có chất lượng tốt với việc quy hoạch và xây dựng vùng sản xuất. Hoàn thiện và phát triển mạnh công nghệ chế biến dược liệu sạch để cung ứng cho nhu cầu bào chế thuốc, sản xuất thực phẩm chức năng nhằm đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất thuốc trong nước và tham gia xuất khẩu.

Trong mối quan hệ hợp tác quốc tế rộng mở, Việt Nam đã tham gia nhiều tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế và khu vực, thị trường hàng hoá ngày càng mở rộng, các chính sách bảo hộ hàng hoá thông qua chính sách thuế nhập khẩu sẽ mất hiệu lực, cách mạng khoa học kỹ thuật phát triển với tốc độ nhanh... Tất cả đang là những thách thức lớn cho nhiệm vụ phát triển hoàn thiện và hiện đại hoá công nghiệp dược Việt Nam. Bước đi đúng đắn nhất và có hiệu quả nhanh là tập trung đầu tư cho công nghệ nguyên liệu, tạo ra nguyên liệu dược đạt tiêu chuẩn Khu vực và Quốc tế, sản phẩm không chỉ cung ứng cho sản xuất thuốc trong nước mà tích cực tham gia xuất khẩu tạo vốn cho nhập khẩu thiết bị và công nghệ hiện đại hoá công nghiệp dược. Chỉ khi ngành công nghiệp sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn GMP- WHO sản phẩm mới có vị trí tham gia thị trường trong nước và xuất khẩu.

Đẩy nhanh sự phát triển và hiện đại hoá công nghệ nguyên liệu dược mới khai thác được lợi thế khí hậu, đất đai, nhân công của đất nước trong thời kỳ đầu của công nghiệp hoá hiện đại hoá. Xây dựng các vùng nguyên liệu, đầu tư phát triển sản xuất cây thuốc và chế biến sau thu hoạch sẽ trực tiếp tham gia phát triển kinh tế nông thôn và miền núi, là gián tiếp thực hiện công bằng xã hội trong tiếp cận với thuốc cho đa số nhân dân đặc biệt là vùng nông thôn, miền núi, hải đảo… kết quả thúc đẩy việc thực hiện công bằng xã hội vì sức khoẻ cộng đồng.

Phát triển sản xuất cây dược liệu trong cơ cấu cây trồng của hộ nông dân và cơ cấu vùng

Nền tảng cho việc xây dựng công nghiệp nguyên liệu là hình thành các vùng trồng dược liệu với cơ cấu cây thuốc trồng hợp lý, khai thác hiệu quả nhất lợi thế khí hậu, đất đai và lao động của từng vùng theo tiêu chuẩn GACP-WHO. Công nghệ chế biến sau thu hoạch đóng vai trò quan trọng vì đây là một trong những khâu quyết định chất lượng sản phẩm. Mỗi vùng sản xuất bao gồm một tập đoàn giống cây trồng làm thuốc, mỗi cây trồng có một công nghệ chế biến riêng vì thế cơ cấu loài cây thuốc trồng làm dược liệu của từng vùng quyết định hướng đầu tư xây dựng và hình thành cụm công nghệ chế biến.

Đối với nghành nông nghiệp phân lô hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh, phát triển sản xuất dược liệu theo tiêu chuẩn “Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc (GACP) của Bộ Y tế Việt Nam theo tiêu chí WHO)” và theo hướng sản xuất hàng hoá.

Cơ cấu cây trồng trong sản xuất dược liệu có vai trò quyết định đối với việc hình thành vùng nguyên liệu. Xây dựng mô hình mẫu ứng dụng tiến bộ kỹ thuật đưa giống mới, giống cây làm thuốc vào sản xuất. Thông qua đó để huấn luyện kỹ thuật, tuyên truyền giác ngộ nông dân và chứng minh hiệu quả thực tế của giống mới. Bước đi ban đầu này đòi hỏi phải có sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước thông qua các dự án, các chương trình khuyến nông.

Trong sản xuất nông nghiệp, các hộ nông dân là đơn vị sản xuất chủ yếu cùng kết hợp và có sự đầu tư của các doanh nghiệp có nhu cầu tiêu thụ, sử dụng các loại dược liệu tại vùng trồng đó thông qua hợp đồng kinh tế hộ nông dân tham gia sản xuất hàng hoá. Do vậy mở rộng vùng sản xuất dược liệu cần có chính sách, biện pháp giải quyết lợi ích kinh tế cho hộ nông dân và các doanh nghiệp đầu tư sản xuất.

Xây dựng cụm chế biến với công nghệ tốt cần phải đầu tư huấn luyện kỹ thuật, tuyên truyền giác ngộ tư tưởng cho hộ nông dân và có chính sách hỗ trợ sản xuất giai đoạn đầu cho mỗi vùng một nghề mới - nghề sản xuất dược liệu.

Những đề xuất các giải pháp để bảo tồn và phát triển sản xuất bền vững nguồn dược liệu Việt nam.

- Tài nguyên cây thuốc, thảo dược Việt Nam là một tài sản quý của Quốc gia. Giá trị sử dụng của nó trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam cũng là giá trị mang bản sắc văn hoá dân tộc, cần được nâng niu bảo tồn, khai thác và phát triển. Tài nguyên cây thuốc, thảo dược cũng là nền tảng cung cấp nguồn nguyên liệu cho công nghiệp dược đã được chính sách quốc gia về thuốc hoạch định. Trong công tác nghiên cứu, phát triển và khai thác dược liệu cần chú ý đi sâu các lĩnh vực:

- Đưa ra quy hoạch, điều tra phân bố trữ lượng nhằm phục vụ yêu cầu khai thác tài nguyên.

- Nghiên cứu đặc tính sinh thái, khả năng tái sinh và phát triển trên đất tự nhiên, đất rừng những cây thuốc có giá trị kinh tế cao.

- Bảo tồn nguồn tài nguyên cây thuốc Việt Nam, cần tập trung phục hồi những loài cây thuốc có nguy cơ cao bị tuyệt chủng do nhiều nguyên nhân.

- Đầu tư nghiên cứu tạo vùng nguyên liệu ổn định và xây dựng phát triển sản xuất hàng hoá mặt hàng từ dược liệu.

- Đầu tư nghiên cứu xây dựng công nghệ mới trong lĩnh vực chế biến dược liệu sau thu hoạch, tạo ra những sản phẩm dược liệu sạch, an toàn cho người sử dụng và có giá trị, đạt tiêu chuẩn quốc tế.

- Nhà nước có chính sách kích thích phát triển đa dạng tài nguyên cây thuốc tự nhiên, cây thuốc trồng để sản xuất nhiều loại dược liệu phục vụ dược liệu thuốc cổ truyền và TPCN chứa thảo dược.

- Có chính sách cho nông dân vay vốn lãi xuất ưu đãi để có tiền mua giống tốt, đầu tư phân bón, chăm sóc, giảm thuế đất, thuế nông sản thu nhập từ việc sản xuất cây thuốc dược liệu.

- Vay vốn lãi suất ưu đãi xây dựng và tiếp nhận công nghệ chế biến dược liệu sau thu hoạch và lôi cuốn tìm kiếm thị trường.

- Ưu đãi, thu hút và tạo điều kiện cho các công trình, dự án, đề án tài trợ của nước ngoài trong lĩnh vực đầu tư nghiên cứu bảo vệ đa dạng sinh học tài nguyên cây thuốc ở Việt Nam. Đào tạo cán bộ kỹ thuật nhằm triển khai ứng dụng tiến bộ KHKT trong lĩnh vực sản xuất phát triển cây thuốc dược liệu.

- Xây dựng tiêu chuẩn hoá dược liệu và xây dựng các quy chế lưu hành dược liệu trên thị trường, có biện pháp tổ chức quản lý chặt chẽ từ Trung ương đến Địa phương nhằm đảm bảo chất lượng dược liệu tốt để chữa bệnh.

- Không cho nhập, hoặc hạn chế nhập những loại dược liệu có thể sản xuất được trong nước với khối lượng lớn. Chỉ cho nhập những dược liệu mà Việt Nam còn thiếu và hiếm mới tạo điều kiện cho dược liệu trong nước phát triển.

- Các đơn vị có chức năng nghiên cứu, Viện nghiên cứu, Trường đại học, các nhà khoa học với các công ty, xí nghiệp nhà nước, tư nhân, đến các địa phương, hộ nông dân liên quan đến sản xuất dược liệu, sản xuất ra các mặt hàng thuốc từ đông dược, sản phẩm BVSK cần có sự phối hợp tổng thể chặt chẽ từ khâu nghiên cứu đến sản xuất, tạo mặt hàng mới, có trách nhiệm gắn bó và chia sẻ quyền lợi cùng nhau. Như vậy mới tạo ra một nguồn lực, một sức mạnh cũng như tạo ra những giải pháp tốt cho việc nghiên cứu bảo tồn, phát triển khai thác và sản xuất bền vững từ nguồn tài nguyên cây thuốc, cây thuốc trồng tại địa phương và trong cả nước.

- Cần tổ chức tuyên truyền trên các hệ thống truyền thông đại chúng, nhằm giáo dục cho mọi người dân, nâng cao ý thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường, môi sinh, bảo vệ tài nguyên cây thuốc, thảo dược như một tài sản có giá trị cao của Quốc gia, Dân tộc. Có ý thức khai thác đi đôi với trồng, bảo vệ, tái sinh các loài cây thuốc và thảo dược.

ThS. Ngô Quốc Luật - Viện trưởng Viện Công nghệ Đại Việt

Nguyên GĐ Trung tâm NC và chế biến cây thuốc Viện Dược liệu – Bộ Y tế

comment Bình luận

largeer