Phú Thọ: Phẫu thuật cho bệnh nhân bị nhồi máu thận hiếm gặp

Nhồi máu thận là một bệnh lý khá hiếm gặp với tỉ lệ khoảng 0,7 – 1,4% số ca nhập viện tại khoa cấp cứu vì đau bụng. Đây là một trong những biến chứng nguy hiểm của bệnh tim nhưng thường dễ bị bỏ sót, do chẩn đoán muộn hoặc chẩn đoán nhầm lẫn với các bệnh khác như cơn đau quặn thận, hoặc các bệnh về đường tiêu hóa.
11/12/2023 16:39

Mới đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ tiếp nhận người bệnh N.T.M (sinh năm 1950), trú tại huyện Tam Nông có tiền sử bệnh tim do hẹp van 2 lá, rung nhĩ nhưng điều trị chống đông không đều, biểu hiện đau vùng thắt lưng nhiều.

Sau khi thăm khám và thực hiện các cận lâm sàng, người bệnh được chẩn đoán nhồi máu thận phải. Ngay lập tức, người bệnh đã được các bác sĩ tại khoa Can thiệp tim mạch tiến hành can thiệp hút huyết khối.

404222816_663313615949545_2419741504278554344_n-600x450

Ekip phẫu thuật cho bệnh nhân

Sau can thiệp hút huyết khối, dòng chảy của động mạch thận được tái thông hoàn toàn, dòng chảy TIMI 3.

Sau 4 ngày điều trị, người bệnh đã ổn định, chức năng thận tốt và không có tình trạng suy thận cấp. Tuy nhiên, người bệnh cần nằm viện thêm để điều trị các bệnh đồng thời: rung nhĩ và hẹp van 2 lá.

Ths.BS Nguyễn Văn Sơn, Trưởng Khoa Can thiệp tim mạch cho biết: Nhồi máu thận là một bệnh lý khá hiếm gặp với tỉ lệ khoảng 0,7 – 1,4% số ca nhập viện tại khoa cấp cứu vì đau bụng. Bệnh thường dễ bị bỏ sót, do chẩn đoán muộn hoặc chẩn đoán nhầm lẫn với các bệnh khác như cơn đau quặn thận, hoặc các bệnh về đường tiêu hóa (chỉ có 0.007% phát hiện trên lâm sàng do hay bị nhầm lẫn bỏ sót).

Kỹ thuật hút huyết khối mạch thận được áp dụng cho người bệnh M là một kỹ thuật khó. Trong quá trình can thiệp, huyết khối rất nhiều, chúng tôi phải hút rất nhiều lần mới hết được huyết khối. Quá trình hút huyết khối cũng có rất nhiều rủi ro: có thể huyết khối bị rơi vào mạch chủ theo dòng tuần hoàn gây ra tình trạng tắc mạch chi 2 bên. Tuy nhiên, với kinh nghiệm nhiều năm làm can thiệp của ekip, chúng tôi đã hút huyết khối thành công và không xảy ra tai biến nào.

Bên cạnh đó, mặc dù có tiền sử bị hẹp van 2 lá, rung nhĩ, được chỉ định dùng thuốc chống đông nhưng người bệnh M đã không tuân thủ điều trị, không uống thuốc đều. Đây chính là yếu tố nguy cơ dẫn đến việc hình thành huyết khối ở tim, sau đó di chuyển đến thận, gây ra nhồi máu thận. Người bệnh may mắn khi đến bệnh viện, được chẩn đoán sớm và can thiệp hút huyết khối kịp thời. Nếu như không được điều trị kịp thời, thận bên phải bị nhồi máu sẽ hoại tử và mất chức năng thận bên phải.

Qua đây, bác sĩ khuyến cáo người bệnh cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ, uống thuốc và tái khám định kỳ. Đặc biệt, những người bệnh có tiền sử mắc bệnh rung nhĩ, loạn mạch, bệnh về van tim, người có các rủi ro tăng cục máu đông, người mắc bệnh tim mạch và mạch máu… khi có chỉ định cần tuân thủ tái khám định kỳ để kiểm tra đông máu.

Mạnh Hà

comment Bình luận

largeer