Quảng Nam: Cấp cứu bé 3 tháng tuổi bị xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch

Bé 3 tháng tuổi được đưa vào viện với tình trạng da nổi chấm xuất huyết rải rác toàn thân kèm mảng bầm máu vùng cẳng tay, không sốt, không xuất huyết niêm mạc miệng, mũi.
10/08/2024 10:59

Theo thông tin từ gia đình, quá trình phát triển của bé từ trước đến nay bình thường. Cách đây 2 tuần, bé có một đợt viêm hô hấp trên với biểu hiện ho kèm sổ mũi, bé được tiêm vaccine 6 trong 1 trước nhập viện 2 ngày.

Tại Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Khu vực Quảng Nam, kết quả xét nghiệm số lượng tiểu cầu giảm nặng còn 5.000/mm3 (bình thường 150.000 - 450.000/mm3), các cận lâm sàng khác của bé trong giới hạn bình thường. Bé được chẩn đoán: Xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch, nhanh chóng được điều trị theo phác đồ xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch.

41

Hình ảnh xuất huyết dưới da của bệnh nhi

Sau điều trị 3 ngày, bé không xuất hiện thêm chấm xuất huyết dưới da mới, các chấm xuất huyết dưới da cũ mờ dần, số lượng tiểu cầu tăng lên 75.000/mm3. Đến ngày thứ 7, số lượng tiểu cầu về mức bình thường 431.000/mm3, bé được cho xuất viện.

Theo BSCKI. Phùng Hữu Thạnh, Phó Khoa Nhi, xuất huyết giảm tiểu cầu ở trẻ em là bệnh lý huyết học đặc trưng bởi giảm tiểu cầu đơn độc (số lượng tiểu cầu nhỏ hơn 100.000/mm3) do có kháng thể phá hủy tiểu cầu xuất hiện trong máu. Hiện tại, nguyên nhân chính xác gây nên tình trạng này chưa rõ ràng. Một số yếu tố liên quan gây giảm tiểu cầu trong máu như nhiễm trùng (khoảng 60% các trường hợp xảy ra sau nhiễm virus), tiêm chủng (phối hợp giữa sởi, quai bị và Rubella) hoặc dùng thuốc…

Xuất huyết giảm tiểu cầu có thể nhẹ với biểu hiện nổi chấm xuất huyết dưới da hoặc có thể nặng với biểu hiện xuất huyết niêm mạc, xuất huyết tiêu hoá, nguy hiểm nhất là xuất huyết não có thể gây tử vong.

Vì vậy, khi trẻ có các biểu hiện xuất huyết dưới da các bậc phụ huynh nên cho trẻ đến thăm khám tại cơ sơ y tế, bác sĩ chuyên khoa nhi để được thăm khám, xét nghiêm, chẩn đoán, tư vấn điều trị kịp thời.

Mạnh Hà

comment Bình luận

largeer