Quảng Ninh: Bệnh viện Việt nam - Thuỵ Điển Uông Bí cấp cứu trẻ sơ sinh bị chậm tiêu dịch phổi

Mới đây, Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) tiếp nhận cấp cứu bệnh nhi V.T.Đ.N., thai lần 2, 39 tuần, sau mổ đẻ trẻ khóc rên, tím, nhịp thở 110 lần/phút (chỉ số bình thường dưới 60 lần/phút), rút lõm lồng ngực rõ.
07/10/2023 16:52

Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị suy hô hấp nặng do chậm tiêu dịch phổi. Bệnh nhi được điều trị hồi sức tích cực thở máy CPAP, tách mẹ và nuôi dưỡng tĩnh mạch hoàn toàn.

Sang ngày điều trị thứ 2, tình trạng suy hô hấp ở bệnh nhi không cải thiện, lâm sàng có dấu hiệu tăng áp lực động mạch phổi, chênh áp tay chân (SpO2 tay 93%, SpO2 chân 82%), phổi thông khí kém. Hình ảnh chụp X-quang mờ đều 2 phổi.

t

Hình ảnh phim chụp của bệnh nhi

Nhận định tình trạng sức khỏe bệnh nhi có dấu hiệu nguy kịch, các bác sĩ đã chuyển phác đồ điều trị thở máy cao tần cho bệnh nhi, dùng thuốc giãn mạch phổi, vận mạch, bơm sunfatant…

Với những nỗ lực điều trị của các bác sĩ cùng sự hỗ trợ của các thiết bị kỹ thuật hiện đại, sau 5 ngày điều trị, sức khỏe bệnh nhi bắt đầu tiến triển tốt: Được ngừng máy thở, ngừng vận mạch, chuyển thở oxy và ghép mẹ. Hiện, bệnh nhi hồng hào, SpO2 99%, phản xạ khá, bú mẹ hoàn toàn, không có cơn tím, trương lực cơ tốt, đều hai bên.

Chậm tiêu dịch phổi hay gặp ở trẻ có tiền sử mổ đẻ trước chuyển dạ, trẻ lọt quá nhanh, mẹ bị tiểu đường, hen phế quản, mẹ dùng thuốc ức chế β giao cảm (khoảng 9% đối với trẻ sơ sinh ra đời bằng phương pháp mổ lấy thai). Nguyên nhân do trong lòng phế nang còn chứa dịch gây cản trở thông khí và trao đổi khí.

Ngày nay, suy hô hấp do chậm tiêu dịch phổi không chỉ là cơn thở nhanh thoáng qua mà nó còn đe dọa tới tính mạng trẻ sơ sinh nếu trẻ không được chuyển kịp thời đến đơn vị chăm sóc sơ sinh để hỗ trợ y tế, dẫn đến những biến chứng nặng nề như: tràn khí màng phổi, xuất huyết phổi, tăng áp phổi dai dẳng và tiến triển hội chứng khò khè sớm ở trẻ sau này.

Chậm tiêu dịch phổi ở trẻ sơ sinh tuyệt đối không thể chủ quan. Trẻ sau sinh cần được theo dõi chặt chẽ bởi các bác sĩ chuyên khoa sơ sinh để phát hiện các dấu hiệu bất thường và can thiệp kịp thời, tránh các tai biến, biến chứng có thể xảy ra.

Theo Bệnh viện Việt nam - Thuỵ Điển Uông Bí

comment Bình luận

largeer