Rau muống biển có tác dụng chữa bệnh?

Theo Đông y, rau muống biển có nhiều tác dụng chữa các bệnh về phong thấp đau nhức, mụn nhọt sưng đau, mề đay, nhiệt độc ở da, đau răng do phong hỏa, đau lưng và những bệnh viêm và rối loạn tiêu hóa.
13/10/2020 20:32

Muống biển còn có tên là rau muống biển, mã an đằng, nhị diệp hồng thự,... Tên khoa học là Ipomoea pescarpae (L.) thuộc họ khoai lang - Convolvulaceae.

Muống biển là cây sống nhiều năm, mọc bò lan trên mặt đất, ở các bãi cát ven biển, lan đến đâu rễ mọc đến đấy, nhìn thoáng qua giống như cây rau muống, thân như thân rau muống nhưng không rỗng mà đặc và phân rất nhiều nhánh. Lá mọc so le, hình móng ngựa, lá non có 2 mảnh cụp vào nhau. Lá và dây đều có nhựa; khi ngắt có nhựa đục trắng chảy ra giống như nhựa khoai lang.

Theo phân tích thành phần hóa học, cây chứa nhựa 7,27%, tinh dầu 0,048% và các chất pentatriacontane, triacontane, sterol, acid behenic, acid melissic, acid butyric và acid myristic. Rễ chứa alcaloid.

muong bien

Hình minh họa.

Theo Đông y, muống biển có vị cay, đắng, tính hơi lạnh; vào 2 kinh can và tỳ; có tác dụng trừ phong thấp, tiêu ung, tán kết. Chủ trị phong thấp đau nhức, mụn nhọt sưng đau, mề đay, nhiệt độc ở da, đau răng do phong hỏa, đau lưng, những bệnh viêm và rối loạn tiêu hóa.

Cụ thể, muống biển thu hái toàn cây quanh năm dùng để làm thuốc, dùng tươi hay phơi khô dùng dần. Theo kinh nghiệm dân gian thì muống biển chữa trị những bệnh viêm và rối loạn tiêu hóa có tác dụng trừ tê thấp, phù thũng, chân tay đau nhức, mỏi. Thấp khớp tạng khớp, khớp xương đau nhức, tiêu viêm, mụn nhọt và viêm mủ da.

Trị chảy máu, hỗ trợ điều trị trĩ xuất huyết (đi cầu thường bị ra máu) hái lá non nấu cháo ăn vài lần là khỏi. Lợi tiêu hoá và nhuận tràng, dịch lá lợi tiểu thông tiểu tiện, được dùng làm thuốc chữa cảm mạo, sốt, sốt rét, chữa thuỷ thũng, đau bụng, ngày dùng 8-16g dưới dạng thuốc sắc, thường dùng kết hợp với các vị thuốc khác.

Lá tươi giã nát dùng đắp lên các vết loét, mụn nhọt đang mưng mủ hay rắn cắn, khi đi biển bị ngứa do chạm phải sứa biển có thể lấy một nắm rau muống biển giã nát hoặc nhai đắp lên chỗ tổn thương rất hiệu nghiệm.Chữa phong thấp, khớp xương đau nhức: Dùng muống biển 45g, sắc với nước và rượu (nửa nước nửa rượu), chia 2-4 lần uống trong ngày. Hoặc dùng muống biển 30g, cỏ xước 15g, sắc nước uống.

Trĩ xuất huyết: Dùng muống biển tươi 30g, hầm với 300 - 500g lòng lợn, chia 2 lần ăn trong ngày; liên tục 10 ngày (một liệu trình), nếu chưa khỏi nghỉ 3-5 ngày lại tiếp tục một liệu trình khác.

Chữa ung nhọt, viêm mủ da: Dùng muống biển 30-60g, sắc và thêm đường đỏ uống. Bên ngoài dùng cây tươi giã nát đắp vào chỗ bị bệnh.

Chàm (eczema): Dùng rễ muống biển 30g, sắc nước uống. Mặt khác, dùng lá muống biển tươi, sắc lấy nước rửa.

Tuy nhiên, phụ nữ có thai, người bị viêm nhiễm đường tiết niệu thận do sỏi, người mắc huyết áp cao, người đang điều trị bệnh nội khoa, ngoại khoa, thì không nên ăn rau muống biển, tránh ngộ độc.

Thực tế, mới đây, 9 công nhân tại TP Đồng Hới đã bị ngộ độc nghi do ăn rau muống biển xào tỏi phải nhập viện. Do vậy, cần lưu ý nếu tự sử dụng muống biển để làm thức ăn cũng như sử dụng như một dược liệu để tránh những rủi ro không đáng có.

Bạch Dương (tổng hợp)

comment Bình luận

largeer