Sau khi tiêm vaccine Covid-19 vẫn kích sữa cho con bú bình thường

Một người phụ nữ tại Mỹ sau khi tiêm phòng vaccine Covid-19 vẫn dùng máy hút sữa để cho con bú.
13/04/2021 10:54

Trở về nhà từ điểm tiêm vaccine Covid-19, Courtney Lynn Koltes lập tức lấy ra chiếc máy hút sữa.

Cô ngừng cho con bú khoảng hai tháng trước vì chống chỉ định của loại vaccine đang sử dụng. Đến nay, sau khi đọc được vài nghiên cứu cho thấy kháng thể nCoV có thể truyền sang con qua đường sữa mẹ, cô tiếp tục cho con bú. Tuy nhiên kích lại sữa ở người mẹ sau một thời gian ngưng cho con bú, không phải điều dễ dàng.

Koltes dự định hút sữa vào các khung giờ lẻ, từ 7h sáng đến 11h tối. Cô và chồng rất mong muốn cho con gái 4 tháng tuổi gặp gỡ các thành viên khác trong gia đình. Khi cô bé chưa đủ điều kiện tiêm chủng, họ coi sữa mẹ chứa kháng thể là lựa chọn hoàn hảo.

"Mọi thứ tiến triển rất chậm, nhưng tất cả đều xứng đáng nếu nó hiệu quả để bảo vệ con gái", Koltes chia sẻ vào tuần trước, 9 ngày sau khi tiêm liều vaccine Covid-19 đầu tiên của Pfizer.

sua

Các mẫu sữa mẹ trong nghiên cứu của tiến sĩ Rebecca Powell tại Trường Y Icahn ở Mount Sinai. Ảnh: NY Times

Thông thường, việc kích sữa trở lại ở người mẹ không phổ biến, vì chúng rất khó khăn, tốn nhiều công sức, thể lực. Vài tuần qua, diễn đàn trực tuyến bàn về vấn đề này khá nhiều. Một vài người như Koltes, số khác thậm chí đã ngừng cho con bú từ hơn một năm trước.

"Tôi rất vui vì mình không phải người duy nhất cố gắng kích sữa trở lại", một phụ nữ đã viết trong nhóm Facebook chuyên bàn về "kích sữa".

Một số diễn đàn "nuôi con" khác phản đối, lo lắng rằng sữa từ người mẹ vừa được tiêm chủng Covid-19 có thể gây nguy hiểm cho trẻ. Các chuyên gia cho biết nỗi lo này không chỉ đến từ nhóm tẩy chay vaccine. Một số bác sĩ nhi khoa khuyến nghị các bà mẹ hút bỏ sữa của mình sau tiêm chủng.

Câu hỏi đặt ra là sữa từ người mẹ đã tiêm chủng có phải "thần dược" ngừa Covid-19 cho trẻ?

Nhiều nghiên cứu cho thấy kháng thể tạo ra sau tiêm vaccine có thể truyền qua sữa mẹ. Các công trình khác chỉ ra rằng cả nCoV cũng truyền từ mẹ sang con. Song chưa nghiên cứu nào cho thấy các bà mẹ mới sinh, đang cho con bú nên trì hoãn tiêm chủng hoặc hút bỏ sữa sau tiêm.

Trong nghiên cứu công bố trên trang web medRxiv hôm 26/3, tiến sĩ Rebecca Powell, chuyên gia miễn dịch học tại Trường Y Icahn ở Mount Sinai, Manhattan, đã phân tích mẫu sữa của 6 phụ nữ được tiêm vaccine Pfizer và 4 người tiêm vaccine Moderna. Bà tìm thấy lượng đáng kể kháng thể có tên IgG. Các nghiên cứu khác cho kết quả tương tự. Đây là kháng thể phổ biến trong sữa non (gần 80% tổng lượng kháng thể) giúp bảo vệ trẻ 6-36 tháng tuổi.

Tuy nhiên, chưa hoàn toàn chắc chắn sữa từ người mẹ đã tiêm chủng bảo vệ trẻ khỏi Covid-19. Một số nhà nghiên cứu cố gắng giải đáp câu hỏi này bằng cách tìm hiểu đặc tính của kháng thể. Trong nghiên cứu nhỏ của Israel, các nhà khoa học chứng minh sữa mẹ có thể ngăn virus lây nhiễm vào tế bào người. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Kirsi Jarvinen-Seppo, trưởng khoa dị ứng và miễn dịch nhi tại Đại học Rochester, nghiên cứu còn quá sơ bộ, chưa thể đi đến kết luận cuối cùng.

"Không đủ bằng chứng trực tiếp cho thấy kháng thể nCoV trong sữa mẹ có thể bảo vệ trẻ sơ sinh", ông nói.

Ở nhiều nhóm hội, hàng trăm bác sĩ, y tá tuyến đầu, đã được tiêm phòng, sẵn sàng chia sẻ định kỳ nguồn sữa của mình cho con cái những người chưa chủng ngừa. Đối với Destiny Burgess, đây là lựa chọn hoàn hảo. Cô và chồng đã bắt đầu đi làm trở lại. Cặp song sinh 3 tháng tuổi của cô sinh non, đang đi nhà trẻ. Khi một người bạn đã tiêm phòng là Olivia de Soria đề nghị chia sẻ một ít sữa non, cô lập tức đồng ý.

"Tôi cảm thấy như thể mình có siêu năng lực mới", Soria nói.

Soria vẫn cho con út 4 tháng tuổi bú mẹ, lén pha một chút sữa vào bữa ăn của con lớn 3 tuổi và đang chia sẻ sữa với 5 gia đình khác.

"Tôi chưa đủ điều kiện tiêm phòng. Vì vậy điều này giúp tôi yên tâm hơn chút", Burgess nói. Song cô tự hỏi bao nhiêu "sữa đã tiêm phòng" là đủ để bảo vệ con mình.

Các chuyên gia mô tả sữa mẹ như loại thuốc uống hàng ngày, hơn là liều vaccine có tác dụng cả thập kỷ. Sự bảo vệ của nó có thể chỉ kéo dài vài giờ, vài ngày kể từ "liều" cuối cùng, tiến sĩ Powell nói.

"Nó khác với việc em bé được tiêm phòng", cô nhận định.

Ngay sau khi ngừng bú, trẻ sẽ không còn được bảo vệ nữa. Tiến sĩ Antti Seppo, nhà nghiên cứu trại Trung tâm Y tế Đại học Rochester, cho biết phải mất hai tuần sau lần tiêm vaccine đầu tiên, kháng thể mới xuất hiện trong sữa mẹ. Lượng kháng thể đạt đỉnh sau lần tiêm thứ hai.

Một số bà mẹ cho rằng kích sữa trở lại quá khó khăn và mất thời gian. Gần hai tuần sau lần đầu thử nghiệm, Courtney Lynn Koltes chỉ hút được vài giọt sữa mỗi buổi. Bác sĩ nhi khoa của cô cho biết dù có thể cho bú trở lại, chưa chắc lượng sữa ít ỏi đã đủ để bảo vệ con cô khỏi mầm bệnh khi không đeo khẩu trang và tiếp xúc với người thân. Cô vẫn khuyến khích phụ nữ khác kích sữa sau tiêm chủng, song bản thân đã bỏ cuộc.

"Tôi như trút được gánh nặng sau khi ngừng làm điều này", cô nói.

Giờ đây, Koltes chờ đợi chính phủ phê duyệt vaccine cho trẻ em và thanh thiếu niên. Cả Pfizer và Moderna gần đây đã bắt đầu thử nghiệm vaccine trên trẻ sơ sinh 6 tháng tuổi.

Theo VnExpress

comment Bình luận

largeer