Suy giảm thính lực âm thầm cướp đi niềm vui tuổi già

Suy giảm thính lực ở người già, hay còn gọi là lão thính, là vấn đề sức khỏe phổ biến nhưng thường bị xem nhẹ vì được coi là “bệnh tuổi già”. Tuy nhiên, tình trạng này không chỉ cản trở giao tiếp, sinh hoạt mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.
04/07/2025 11:35

Lão thính là gì?

Lão thính là tình trạng mất thính lực dần dần do quá trình lão hóa tự nhiên. Đây là vấn đề phổ biến ở người cao tuổi, thường ảnh hưởng cả hai tai. 

Tai gồm ba phần: tai ngoài, tai giữa và tai trong. Âm thanh đi qua tai ngoài, làm rung màng nhĩ, rồi truyền rung động qua ba xương nhỏ ở tai giữa (xương búa, xương đe, xương bàn đạp) đến ốc tai. Tại đây, rung động được chuyển thành tín hiệu và gửi qua dây thần kinh thính giác lên não.

Empty

(Ảnh minh họa)

Ở người lão thính, các mạch máu, tế bào lông và tế bào thần kinh trong tai trong bị thoái hóa theo tuổi tác, làm giảm khả năng tiếp nhận âm thanh. Dù không gây điếc hoàn toàn, lão thính vẫn ảnh hưởng lớn đến khả năng nghe và giao tiếp hàng ngày.

Người bệnh thường gặp khó khăn trong giao tiếp, hay yêu cầu người khác lặp lại lời nói hoặc không nghe rõ khi trò chuyện, đặc biệt ở nơi ồn ào. Họ có xu hướng chỉnh âm lượng tivi, đài, điện thoại lên rất cao so với người bình thường. Trong giao tiếp, người bị lão thính thường xuyên sử dụng các từ như “Hử?”, “Hả?”, “Gì cơ?” do không nghe rõ.

Ngoài ra, họ khó cảm nhận các âm thanh nhỏ như tiếng nước chảy, tiếng mưa rơi, tiếng lá xào xạc hoặc tiếng thì thầm, và thường gặp khó khăn khi xác định hướng phát ra âm thanh.

Nguyên nhân gây lãng tai ở người cao tuổi

Ngoài lão hóa tự nhiên khiến tế bào thần kinh và mạch máu trong tai suy giảm chức năng, tiếng ồn cũng là nguyên nhân hàng đầu. Việc tiếp xúc lâu dài với âm thanh lớn có thể làm tổn thương vĩnh viễn các tế bào lông trong ốc tai, vốn không thể phục hồi, dẫn đến suy giảm thính lực.

Empty

(Ảnh minh họa)

Các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh tim mạch cũng làm giảm máu nuôi ốc tai, gây tổn thương tế bào thần kinh thính giác. Bên cạnh đó, một số thuốc như kháng sinh nhóm aminoglycosid, thuốc hóa trị ung thư hoặc tiếp xúc hóa chất độc hại (toluene, styrene, chì, CO, thủy ngân) có thể làm thính lực suy giảm nghiêm trọng.

Ngoài ra, tiền sử viêm tai giữa tái phát, yếu tố di truyền, hút thuốc lá và thừa cân cũng được xem là những yếu tố làm tăng nguy cơ lão thính, ảnh hưởng lớn đến giao tiếp và chất lượng cuộc sống của người cao tuổi.

Các biện pháp phòng ngừa và làm chậm lão thính

Dù lão thính là một phần của quá trình lão hóa, nhưng vẫn có thể làm chậm tiến trình bằng cách kiểm tra thính lực định kỳ. Người từ 60 tuổi trở lên nên tầm soát thính lực ít nhất mỗi năm một lần hoặc ngay khi có dấu hiệu nghe kém để can thiệp kịp thời.

Empty

(Ảnh minh họa)

Ngoài ra, cần bảo vệ tai khỏi tiếng ồn lớn bằng cách hạn chế tiếp xúc lâu dài với âm thanh cường độ cao, sử dụng nút bịt tai hoặc chụp tai chống ồn khi cần. Khi nghe nhạc hay xem tivi, nên giữ âm lượng ở mức vừa phải để tránh làm tổn thương tai.

Duy trì lối sống lành mạnh cũng rất quan trọng. Tập thể dục đều đặn, ngủ đủ giấc, ăn uống cân bằng, tránh hút thuốc lá và hạn chế tiếp xúc hóa chất độc hại giúp bảo vệ thính lực. Đồng thời, vệ sinh tai đúng cách, không ngoáy sâu bằng tăm bông hay vật nhọn để tránh tổn thương tai và màng nhĩ.

Huỳnh Đạt (tổng hợp)

comment Bình luận