Tại sao phải theo dõi sau tiêm cho trẻ?

Sau khi tiêm phòng, nhiều trẻ vẫn bình thường, không có phản ứng gì nhưng nhiều trẻ lại có những phản ứng như sưng tấy chỗ tiêm, sốt, mệt mỏi... Chính vì thế ba mẹ cần theo dõi trẻ sau tiêm để kịp thời đưa đến trung tâm y tế nếu có những biểu hiện bất thường.
13/10/2020 12:10

Vắc xin có an toàn không?

Vắc xin là một chế phẩm sinh học có nguồn gốc từ các vi sinh vật gây bệnh hoặc độc tố của chúng, cũng có thể do tổng hợp sinh học đã được bào chế làm virus, vi khuẩn mất khả năng gây bệnh, tuy vậy chúng vẫn còn khả năng kích thích cơ thể sinh kháng thể bảo vệ. Phản ứng sau tiêm chủng được quy định là “bất kỳ sự kiện sức khỏe bất thường nào xảy ra sau tiêm chủng có thể liên quan đến tiêm chủng hoặc không liên quan đến tiêm chủng”.

Vắc xin là an toàn, để được đưa vào sử dụng, tất cả các vắc xin đều phải nghiên cứu để đảm bảo được tính an toàn và hiệu lực vắc xin cũng như phải trải qua quá trình kiểm định nghiêm ngặt trước khi tiêm rộng rãi trong cộng đồng. Tuy nhiên, bất kể thứ gì đưa vào cơ thể con người đều được xem là “yếu tố lạ” có thể gây ra những phản ứng nhất định và vaccine cũng không ngoại lệ.

Cũng như việc sử dụng thuốc hay thực phẩm, tùy theo cơ địa của từng người mà vắc xin có thể gây ra một số phản ứng sau tiêm chủng. Do đó, sau tiêm, trẻ phải được theo dõi 30 phút, về nhà, cha mẹ tiếp tục theo dõi biểu hiện của trẻ trong vòng 24-48 giờ để phát hiện kịp thời những biểu hiện bất thường có nguy hiểm đến sức khỏe của bé.

Nguyên tắc vàng trong tiêm chủng là tất cả mọi người cần ở lại theo dõi tối thiểu 30 phút tại cơ sở tiêm chủng để theo dõi, vì đây là khoảng thời gian có thể xuất hiện các phản ứng sớm và nặng, như phản ứng phản vệ.

tiem phong

Hình minh họa.

Phản ứng sau tiêm chủng là hiện tượng bất thường về sức khỏe bao gồm các biểu hiện tại chỗ tiêm chủng hoặc toàn thân xảy ra sau tiêm chủng bao gồm phản ứng thông thường sau tiêm chủng và tai biến nặng sau tiêm chủng.

Phản ứng sau tiêm

Theo mức độ, phản ứng thông thường sau tiêm chủng bao gồm các phản ứng tại chỗ như ngứa, đau, sưng và/hoặc đỏ tại chỗ tiêm, phản ứng toàn thân bao gồm sốt và các triệu chứng khác (khó chịu, mệt mỏi, chán ăn) có thể là một phần của đáp ứng miễn dịch bình thường. Các phản ứng này thông thường là nhẹ và tự khỏi

Tai biến nặng sau tiêm chủng là phản ứng bất thường sau tiêm chủng có thể đe dọa đến tính mạng người được tiêm bao gồm khoa thở, sốc phản vệ, sốc dạng phản vệ, sốc nhiễm độc, sốt cao co giật, tím tái, ngừng thở… hoặc để lại di chứng hoặc khiến người tiêm tử vong.

Phân loại theo nguyên nhân, phản ứng sau tiêm có thể do:

Do trùng hợp ngẫu nhiên: xảy ra sau khi tiêm chủng nhưng nguyên nhân không phải do vắc xin hoặc sai sót trong tiêm chủng hoặc lo sợ do bị tiêm mà do trùng hợp ngẫu nhiên với bệnh lý sẵn có hoặc nguyên nhân khác.

Do tâm lý lo sợ: xảy ra do sự lo sợ hoặc do bị tiêm đau, không phải do vắc xin hoặc sai sót trong thực hành tiêm chủng

Do vắc xin: Phản ứng sau tiêm chủng xảy ra do các đặc tính cố hữu của vắc xin hoặc do vắc xin không đạt chất lượng

Do sai sót trong thực hành tiêm chủng: xảy ra do sai sót trong quá trình thực hành tiêm chủng (chuẩn bị, pha hồi chỉnh, kỹ thuật tiêm, bảo quản và sử dụng vắc xin không đúng)

Không rõ nguyên nhân: Không xác định được nguyên nhân

Phản ứng sau tiêm có thể xảy ra trong vòng vài giây hoặc vài phút sau khi tiêm. Tuy nhiên, một số trường hợp phản ứng phản vệ có thể xảy ra sau 30 phút hoặc lâu hơn kể từ khi tiêm chủng. Do đó, nếu phát hiện các biểu hiện bất thường, như khó thở, thở nhanh hay ngắt quãng, thở khò khè, da mẩn đỏ, sưng phù mi mắt, môi, nôn ói, đau bụng hay tiêu chảy … cần báo ngay cho nhân viên y tế gần nhất để xử trí kịp thời.

Thông thường mỗi cá thể phản ứng với vắc xin ở các mức độ khác nhau và hầu hết chỉ có các phản ứng nhẹ trong vòng 30 phút sau tiêm, một số phản ứng khác như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm sẽ tự khỏi trong 24h, tuy nhiên một số rất ít cơ thể lại có phản ứng mạnh với vắc xin như sốt cao, co giật, quấy khóc kéo dài, tím tái, thậm chí là phản ứng phản vệ sau tiêm. Chính vì vậy sau khi tiêm vắc xin, ngoài việc ở lại điểm tiêm theo dõi 30 phút thì trẻ em và người lớn cần theo dõi phản ứng sau tiêm tại nhà trong khoảng 24-48 giờ.

Theo ThS.BS Nguyễn Hiền Minh, Đại học Y dược TPHCM cho biêt:

“Trong thực tế, nhiều trường hợp tiêm cùng một lô vắc xin, thậm chí tiêm cùng 1 lọ vắc xin nhưng có người có phản ứng rất nghiêm trọng, trong khi tất cả những người khác hoàn toàn bình thường. Đó có thể là do phản ứng cơ địa của từng người với vắc xin, kỹ thuật tiêm chủng hoặc do bệnh lý nền sẵn có của người được tiêm chủng trùng hợp ngẫu nhiên với biến cố sau tiêm chủng chứ không phải do chất lượng vắc xin. Vì vậy, việc theo dõi tình trạng sức khỏe phản ứng riêng của từng người sau tiêm chủng là đặc biệt quan trọng trong an toàn tiêm chủng”.

Thông thường, sau tiêm chủng, người được tiêm/uống vắc xin thường gặp một số phản ứng như: sốt nhẹ dưới 38 độ C. Lúc này, phụ huynh/người thân cần cho người được tiêm uống nhiều nước, lau mát bằng nước ấm, đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng, mặc quần áo và nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát, có thể cho trẻ dùng thuốc hạ sốt nếu trẻ sốt trên 38 độ, trẻ có bệnh lý về tim mạch, viêm phổi hoặc có tiền sử sốt cao co giật..

 

tiem chung

Hình minh họa.

Xử lý phản ứng sau tiêm

Đối với phản ứng tại chỗ như đỏ, sưng tấy tại chỗ tiêm, thường sẽ tự khỏi trong vài ngày hoặc 1 tuần. Chườm lạnh có thể giúp giảm đau, giảm sưng; tuyệt đối không chườm nóng, xoa dầu, nặn chanh, đắp khoai tây hay bôi đắp bất cứ thứ gì lên vết tiêm vì có thể gây nhiễm trùng vết tiêm.

Đối với những biểu hiện lạ sau tiêm chủng cần nhanh chóng đưa ngay người được tiêm/uống vắc xin đến cơ sở y tế nơi gần nhất để được xử trí kịp thời, tránh gây nguy hiểm đến tính mạng và sức khỏe:

Biểu hiện phản ứng phản vệ sau tiêm gồm: kích thích, vật vã, nổi mẩn ngứa, ban đỏ, mày đay, mạch nhanh, nhỏ, khó bắt, huyết áp tụt có khi không đo được; khó thở, nghẹt thở; đau quặn bụng, tiêu tiểu không tự chủ; đau đầu, chóng mặt, đôi khi hôn mê; choáng váng, vật vã, giãy giụa, co giật.
Phản ứng mẫn cấp tính, thường xảy ra trong vòng 2 giờ sau tiêm chủng với một số biểu hiện như: thở khò khè, ngắt quãng do co thắt khí phế quản và thanh quản, phù nề thanh quản; phát ban, phù nề ở mặt hoặc phù nề toàn thân.

Mới đây, ngày 12/10 trường hợp bé 1 ngày tuổi tử vong sau tiêm vắc xin Viêm gan B tại Vĩnh Phúc hay bé 2 tháng tuổi tử vong sau tiêm vắc xin 5 trong 1 tại Sơn la gióng lên hồi chuông báo động đối với quy trình tiêm chủng cũng như các phản phệ sau tiêm. Do đó, cha mẹ cần chú ý theo dõi trẻ, tìm hiểu các biểu hiện trẻ có thể đối mặt sau tiêm để chăm sóc trẻ tốt hơn, tránh trường hợp xấu nhất có thể xảy ra.

Dương Nhung (tổng hợp)

comment Bình luận

largeer