Tầm quan trọng của doanh nghiệp với sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cộng đồng

Nhân Kỷ niệm 18 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, tại chương trình "Doanh nhân Việt Nam với sứ mệnh phụng sự vì sức khỏe cộng đồng Việt Nam" do Công ty cổ phần Tập đoàn DVH tổ chức, NGND.PGS.TS.BS. Nguyễn Võ Kỳ Anh - Phó Chủ tịch Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam đã có bài tham luận về "Tầm quan trọng của doanh nghiệp với sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cộng đồng".
13/10/2022 16:05

Mở đầu bài tham luận, NGND.PGS.TS.BS. Nguyễn Võ Kỳ Anh nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước ta luôn coi sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi con người và toàn xã hội. Bảo vệ, giáo dục, chăm sóc sức khỏe nhân dân là hoạt động nhân đạo, trực tiếp bảo vệ nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu của Đảng và Nhà nước.

Sức khỏe của mỗi cá nhân liên quan trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng, của dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “Mỗi người dân yếu ớt tức là cả nước yếu ớt, mỗi người dân khỏe mạnh tức là cả nước mạnh khỏe. Luyện tập bồi dưỡng sức khỏe là bổn phận của người dân yêu nước. Sức khỏe không chỉ là tài sản cá nhân mà còn là tài sản chung, tạo nguồn sức khỏe không chỉ là trách nhiệm cá nhân mà còn là trách nhiệm cộng đồng”. Bác Hồ còn nói “Khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ, như vậy là sức khỏe”, cùng với đó, cố Thủ tướng Phạm Văn Đông cũng đã nói “sức khoẻ là sức sống, là lao động sáng tạo, là tình yêu và hạnh phúc”.

NGND.PGS.TS.BS. Nguyễn Võ Kỳ Anh - Phó Chủ tịch Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam tham luận về

NGND.PGS.TS.BS. Nguyễn Võ Kỳ Anh - Phó Chủ tịch Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam tham luận về "Tầm quan trọng của doanh nghiệp với sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cộng đồng".

Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới, sức khoẻ là một trạng thái thoải mái về thể chất, tinh thần và xã hội, chứ không chỉ không có bệnh hay thương tật”. Như vậy, có thể hiểu sức khoẻ gồm 3 mặt: Sức khoẻ thể chất, sức khoẻ tinh thần và sức khoẻ xã hội.

Trong đó, sức khoẻ thể chất thể hiện một cách tổng quát sự sảng khoái và thoải mái về thể chất. Càng sảng khoái, thoải mái, càng chứng tỏ là người khoẻ mạnh, nó được thể hiện ở các khả năng: Khả năng hoạt động của cơ bắp mạnh, có sức đẩy, sức kéo, sức nâng cao,... khi làm công việc chân tay một cách thoải mái như mang vác, điều khiển máy móc, sử dụng công cụ... Đó là sức lực của con người; Khả năng phản ứng của chân tay nhanh nhạy, đi lại, chạy nhảy, làm các thao tác kỹ thuật nhẹ nhàng, thoải mái. Đó là sự nhanh nhẹn trong các hoạt động của cơ thể; Khả năng làm việc hoặc hoạt động chân tay tương đối lâu và liên tục mà không cảm thấy mệt mỏi. Đó là sự dẻo dai, bền bỉ; Khả năng chống đỡ được các yếu tố gây bệnh như ít ốm đau, nếu có bệnh cũng nhanh chóng khỏi, chóng hồi phục; Khả năng chịu đựng được những điều kiện khắc nghiệt của môi trường như chịu nóng, lạnh, thời tiết thay đổi đột ngột.

Cơ sở của sức khỏe thể chất chính là trạng thái thăng bằng của mỗi hệ thống và sự thăng bằng của 4 hệ thống: Tiếp xúc, vận động, nội tạng và điều khiển của cơ thể.

Sức khoẻ tinh thần là hiện thân của sự thoả mãn về mặt giao tiếp xã hội, tình cảm và tinh thần. Thể hiện ở sự sảng khoái; Cảm giác dễ chịu, cảm xúc vui tươi, thanh thản; Những ý nghĩ lạc quan, yêu đời; Những quan niệm sống tích cực, dũng cảm, chủ động; Khả năng chống lại những quan niệm bi quan, lối sống không lành mạnh.

Có thể nói, sức khoẻ tinh thần là nguồn lực để sống khoẻ mạnh, là nền tảng cho chất lượng cuộc sống, giúp cá nhân có thể ứng phó một cách tự tin và hiệu quả với mọi thử thách, nguy cơ trong cuộc sống. Sức khoẻ tinh thần cho ta khí thế để sống năng động, để đạt được mục tiêu đặt ra trong cuộc sống và tương tác với người khác với sự tôn trọng và công bằng. Sức khoẻ tinh thần cũng chính là biểu hiện nếp sống lành mạnh, văn minh, có đạo đức.

Lấy ví dụ cụ thể, NGND.PGS.TS.BS. Nguyễn Võ Kỳ Anh cho biết: Bà Elizabeth H. Blackurn, người đạt giải Nobel sinh học đã chỉ ra rằng, người ta sống thọ hay khỏe mạnh 50% là do giữ được tâm lý cân bằng, không phải do ăn uống tẩm bổ hay vận động tích cực, vì ăn uống điều độ chiếm 25%, các hoạt động trong cuộc sống chiếm 25%. Một người hay nổi giận, sẽ phát sinh những hormone độc tính. Y học chứng minh cho thấy, các bệnh như ung thư, xơ cứng động mạch, viêm loét hệ tiêu hóa, rối loạn kinh nguyệt, có từ 60 - 90% triệu chứng liên quan tới áp lực tâm lý. Có thể nói, đó là một dạng bệnh tâm thể (tổn thương tâm lý đưa đến tổn thương cơ thể). Chính vì vậy, cơ sở của sức khoẻ tinh thần là sự thăng bằng và hài hoà trong hoạt động tinh thần giữa lý trí và tình cảm.

Sức khoẻ xã hội là sự hoà nhập của cá nhân với cộng đồng. Như Mác nói: “Con người là sự tổng hoà các mối quan hệ xã hội”. Do đó, sức khoẻ xã hội thể hiện ở sự thoải mái trong các mối quan hệ chằng chịt, phức tạp giữa thành viên: Gia đình, nhà trường, bạn bè, xóm làng, nơi công cộng, cơ quan, doanh nghiệp,... Nó thể hiện ở sự được chấp nhận và tán thành của xã hội. Càng hoà nhập với mọi người, được mọi người đồng cảm, yêu mến, càng có sức khoẻ xã hội tốt và ngược lại.

Theo một nghiên cứu trong vòng 20 năm của hai nhà tâm lý người Mỹ đã cho thấy, trong số các nhân tố quyết định tuổi thọ, sức khỏe, đứng số 1 là quan hệ tốt giữa người với người. Theo đó, cơ sở của sức khoẻ xã hội là sự thăng bằng giữa hoạt động và quyền lợi cá nhân với hoạt động và quyền lợi của xã hội những người khác; Là sự hoà nhập giữa cá nhân, gia đình và xã hội.

Nhiều yếu tố tác động quyết định đến sức khỏe con người

Một là, những đặc điểm di truyền của cơ thể, trong đó có những đặc điểm phản ánh về sức khoẻ như: Màu da, màu tóc, chiều cao, cân nặng, tuổi thọ... và cả một số bệnh tật đều có thể do các thế hệ trước truyền lại (cha mẹ, ông bà, thậm chí còn xa hơn). Bệnh di truyền ở người là bệnh gây nên do rối loạn cơ cấu di truyền bao gồm rối loạn nhiễm sắc thể và rối loạn gen. Việc chữa trị các bệnh và tật di truyền đang là vấn đề khó khăn và tốn kém, vì vậy cần coi trọng vấn đề phòng bệnh để làm giảm tỷ lệ mắc bệnh di truyền trong quần thể, mang lại hạnh phúc cho nhiều gia đình và cộng đồng, góp phần cải tạo nòi giống cho mỗi dân tộc, mỗi quốc gia.

Hai là, môi trường là hoàn cảnh xung quanh cơ thể sống. Con người lấy thức ăn, nước uống và oxy từ môi trường và thải ra môi trường các chất cặn bã (phân, nước tiểu, mồ hôi...). Đồng thời, cơ thể cũng chịu tác động của nhiều yếu tố môi trường như nhiệt độ, độ ẩm của không khí, gió, mưa... Ngoài môi trường tự nhiên, con người còn chịu ảnh hưởng của môi trường xã hội gồm biết bao mối quan hệ phức tạp giữa cá nhân, gia đình và cộng đồng như: Giá trị, niềm tin, luật pháp, văn hoá, chính trị, kinh tế, tôn giáo, y tế, giáo dục... Mỗi con người đều có hai mặt: Con người sinh vật học chịu sự chi phối của môi trường tự nhiên và con người xã hội chịu sự chi phối của môi trường xã hội. Môi trường tác động đến chất lượng cuộc sống, đặc biệt ảnh hưởng đến sức khoẻ của con người. Có thể coi môi trường là con dao hai lưỡi và việc sử dụng nó như thế nào là do con người quyết định.

Ba là, hành vi và lối sống bao gồm tất cả các mặt sinh hoạt của con người về tinh thần và vật chất như tư duy, tình cảm, ăn uống, lao động, học tập, nghỉ ngơi, hoạt động thể dục, thể thao, vui chơi, văn hoá... Hành vi và lối sống lành mạnh, văn minh thì sẽ có lợi cho sức khoẻ, trái lại nếu hành vi và lối sống không lành mạnh, lạc hậu sẽ ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của mỗi cá nhân cũng như của gia đình và cộng đồng xã hội. Khi xã hội càng phát triển, đời sống vật chất và tinh thần càng tăng cao, chăm sóc y tế ngày một tốt hơn thì sức khoẻ của mỗi người chủ yếu do hành vi và lối sống bản thân người đó quyết định.

Bốn là, chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe của hệ thống dịch vụ chăm sóc sức khỏe có ảnh hưởng đáng kể đến tình trạng sức khỏe của mỗi người dân và cộng đồng. Chất lượng điều trị và chăm sóc; Số lượng và chất lượng thuốc chữa bệnh có đầy đủ hay không, khả năng tiếp cận với dịch vụ của người dân (chi phí, khoảng cách từ nhà đến cơ sở y tế, thời gian chờ đợi,..); Thái độ của cán bộ y tế đối với người bệnh; Tính chất của hệ thống chăm sóc sức khỏe trong cộng đồng (y tế nhà nước hay tư nhân, doanh nghiệp sản xuất, phân phối, cung cấp thuốc, thực phẩm chức năng, trang thiết bị y tế,...), tình trạng tiêu cực của hệ thống chăm sóc sức khỏe đều có ảnh hưởng đến sức khỏe của từng người dân và cộng đồng.

Bốn yếu tố trên liên quan chặt chẽ với nhau, cùng tác động lên sức khỏe. Di truyền quyết định giới hạn thể hiện của các đặc điểm, còn môi trường, hành vi và lối sống, chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe quyết định mức độ thể hiện có thể của mọi đặc điểm trong giới hạn do di truyền quy định. Nó là sự thăng bằng, hài hoà của tất cả những khả năng sinh học, tâm lý và xã hội của con người. Nó là cơ sở quan trọng của hạnh phúc con người.

Với trình độ khoa học hiện nay, việc tác động được trực tiếp lên bộ máy di truyền của mỗi người để bảo vệ và nâng cao sức khoẻ còn hạn chế, nhưng chúng ta có thể chủ động tác động lên môi trường (chống ô nhiễm và làm suy thoái môi trường), chủ động thực hành các hành vi vệ sinh, xây dựng lối sống khoa học, lành mạnh (tập luyện thể dục thể thao, vui chơi giải trí...), nâng cao chất lượng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhằm phát huy tới mức cao nhất các vốn di truyền về sức khoẻ để đạt càng gần giới hạn càng tốt.

Như đã trình bày ở trên, 4 yếu tố quyết định sức khỏe thì có 3 yếu tố môi trường, dịch vụ chăm sóc sức khỏe và hành vi lối sống liên quan đến các doanh nghiệp và doanh nghiệp với mục đích kinh doanh của mình cần quan tâm đến các yếu tố đó để cho ra những sản phẩm/dịch vụ nhằm góp phần để thay đổi, cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, sức khỏe, tuổi thọ cho cộng đồng.

Tầm quan trọng của doanh nghiệp với sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cộng đồng

Doanh nghiệp là một tổ chức kinh tế được thành lập nhằm mục đích thực hiện các hoạt động kinh doanh sản xuất hoặc cung cấp các dịch vụ thế mạnh trên thị trường. Các sản phẩm mà các doanh nghiệp kinh doanh được gọi là hàng hóa. Hàng hóa có hai thuộc tính đó là giá trị và giá trị sử dụng đồng thời cùng tồn tại. Nếu một vật có giá trị sử dụng (tức có thể thỏa mãn nhu cầu nào đó của con người, xã hội), nhưng không có giá trị (tức không do lao động tạo ra, không có kết tinh lao động) thì sẽ không phải là hàng hóa. Ngược lại, một vật có giá trị (tức có lao động kết tinh), nhưng không có giá trị sử dụng (tức không thể thỏa mãn nhu cầu của con người, xã hội) cũng không trở thành hàng hóa. Quá trình thực hiện giá trị và giá trị sử dụng có sự tách rời nhau cả về mặt không gian và thời gian. Giá trị được thực hiện trong lĩnh vực sản xuất, lưu thông và thực hiện trước. Giá trị sử dụng được thực hiện sau, trong lĩnh vực tiêu dùng.

Các doanh nghiệp, người sản xuất quan tâm tới giá trị, nhưng để đạt được mục đích giá trị bắt buộc phải chú ý đến giá trị sử dụng. Ngược lại người tiêu dùng, cộng đồng quan tâm tới giá trị sử dụng để thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng của mình, nhưng muốn có giá trị sử dụng thì phải trả giá trị cho người sản xuất ra nó. Nếu không thực hiện, giá trị sẽ không có giá trị sử dụng. Để đáp ứng hài hòa giữa giá trị và giá trị sử dụng, các doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh của mình cần quan tâm đến lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cộng đồng, đó là:

Thứ nhất, các doanh nghiệp, doanh nhân mới khởi nghiệp hay đã lập nghiệp kinh doanh thành công không chỉ là thu về càng nhiều lợi nhuận càng tốt mà phải luôn quan tâm đến việc đảm bảo sản phẩm hoặc dịch vụ mà mình kinh doanh phải thỏa mãn nhu cầu của xã hội, của con người, trong đó đặc biệt cần coi trọng việc các sản phẩm/dịch vụ đó có đảm bảo an toàn cho sức khỏe của con người và môi trường không? Điều đó đòi hỏi các doanh nhân quản lý các doanh nghiệp không chỉ cần có các kiến thức, hiểu biết liên quan đến ngành kinh doanh mà còn phải có đạo đức kinh doanh, văn hóa kinh doanh, tôn trọng pháp luật và các quy chuẩn của xã hội. Kinh doanh phải dựa trên nền tảng, quy tắc chung của cộng đồng, đồng thời phải đi theo định hướng chung của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp, doanh nhân trong hoạt động kinh doanh của mình ở tất cả các khâu đều gián tiếp hay trực tiếp liên quan đến lĩnh vực sức khỏe cộng đồng và vì cộng đồng. Vì vậy, các chủ doanh nghiệp phải là người có tâm, phải xuất phát từ tình thương yêu với cộng đồng mà phát triển các sản phẩm/dịch vụ đa dạng, đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng và hiệu quả nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dùng, không gây nguy hại cho sức khỏe, tính mạng của cá nhân, cộng đồng và nguy hại đối với môi trường tự nhiên và xã hội. Không thể vì muốn lợi nhuận cao, vì nhu cầu quảng cáo, vì cạnh tranh không lành mạnh mà cho ra các sản phẩm, dịch vụ, không có chất lượng, giả dối, lừa đảo khách hàng. Cần nhớ rằng mọi việc làm tích cực hay tiêu cực của doanh nhân, doanh nghiệp đều ảnh hưởng đến mọi người, trong đó có bản thân doanh nhân, doanh nghiệp và gia đình của các thành viên của doanh nghiệp.

Thứ hai, trong kinh doanh vì sức khỏe cộng đồng, cần phải lấy “con người làm trung tâm”. Yếu tố con người quyết định rất lớn cho sự thành công của doanh nghiệp.

Trước hết, doanh nghiệp, doanh nhân phải quan tâm chăm sóc sức khỏe cho đội ngũ nhân viên của mình, bởi vì một doanh nghiệp vững mạnh cần có những nhân viên giỏi và có sức khỏe tốt để họ có thể chuyên tâm làm việc cho doanh nghiệp. Vì vậy doanh nghiệp phải quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe cho nhân viên của mình, phải xây dựng chương trình chăm sóc sức khỏe cho nhân viên nhằm với các việc làm cụ thể, giúp cho nhân viên giảm tình trạng phải nghỉ ốm vì bệnh, vì tai nạn thương tích trong lúc làm việc, ảnh hưởng đến năng xuất và gây thiệt hại về tài chính cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải đảm bảo chế độ bảo hộ lao động và xây dựng môi trường vệ sinh an toàn trong lao động, giảm thiểu tối đa việc làm nhiều giờ, căng thẳng, mệt mỏi dẫn đến tình trạng stress ảnh hưởng đến năng suất lao động và sự gắn kết của nhân viên với nhau và với chủ doanh nghiệp.

Việc chú trọng chăm sóc sức khỏe cho nhân viên bằng một chính sách toàn diện, khoa học và hiệu quả có thể giúp doanh nghiệp gìn giữ và thu hút đội ngũ nhân tài, nâng cao giá trị nguồn nhân lực và uy tín doanh nghiệp trên thị trường. Doanh nghiệp có chính sách chăm sóc sức khỏe tốt cho người lao động sẽ tạo ra môi trường làm việc khỏe mạnh và tích cực. Đồng thời, điều này cũng giúp tối ưu chi phí vận hành và quản trị nhân sự của doanh nghiệp.

Thay vì nghĩ đây là một gánh nặng, chủ doanh nghiệp nên coi đây là cơ hội để xây dựng nền văn hoá công sở mạnh mẽ và củng cố lực lượng nhân sự được năng suất hơn. Doanh nghiệp quan tâm chăm sóc sức khỏe của nhân viên ở mức độ cao hơn thì năng suất đạt được cũng cao hơn so với những doanh nghiệp không chú trong hoạt động chăm lo sức khỏe cho nhân viên, sức khỏe doanh nghiệp.

Thứ ba, doanh nghiệp, doanh nhân phải coi sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi con người và của cộng đồng xã hội. Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân là hoạt động nhân đạo, trực tiếp bảo đảm nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu của Đảng và Nhà nước. Đầu tư cho lĩnh vực này là đầu tư cho phát triển, quan điểm này thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa mà Đảng và nhân dân ta đang phấn đấu xây dựng. Những đối tượng mà doanh nghiệp hướng đến, đó là khách hàng - những người tiêu dùng các sản phẩm của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần xây dựng, phát triển văn hóa theo xu hướng phát triển của xã hội, phải có những tiêu chí hướng đến lợi ích của khách hàng, đặc biệt là lợi ích về mặt sức khỏe và không ngừng thay đổi để phục vụ cộng đồng, xã hội.

Hiện nay rất nhiều nước trên thế giới và ở Việt Nam, những nguy cơ tác động tiêu cực đến sức khoẻ như môi trường, thực phẩm, lối sống ngày càng nhiều, số lượng người mắc bệnh hiểm nghèo như các dịch bệnh truyền nhiễm và các bệnh không lây nhiễm như bệnh tim mạch, tiểu đường, ung thư, béo phì... và do hành vi lối sống có hại cho sức khỏe như hút thuốc lá, nghiện bia rượu, ma túy, game... đang gia tăng ở mọi lứa tuổi, mọi thành phần xã hội, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống và tương lai của giống nòi. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp kinh doanh ngành nào gián tiếp hoặc trực tiếp, ngoài mục đích cung cấp các sản phẩm/dịch vụ cho khách hàng để có lợi nhuận cũng phải đảm bảo tiêu chí của sản phẩm, không làm tổn hại đến sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng, đáp ứng được mong muốn của họ.

Ngoài ra, doanh nghiệp, doanh nhân cần dành kinh phí để xây dựng các chương trình, dự án phi lợi nhuận, thiện nguyện, tài trợ cho các địa phương, các tổ chức xã hội hay từng cá nhân để triển khai các hoạt động truyền thống giao dục sức khỏe, các chương trình tư vấn nhằm khuyến khích, lan toả tình thân sống lành mạnh và cung cấp thông tin, kiến thức để giúp khách hàng và người dân tự bảo vệ sức khoẻ, phòng ngừa rủi ro bệnh tật, tạo cơ hội thuận lợi cho mọi người được bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe với chất lượng ngày càng cao, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Khi kinh tế đất nước phát triển thì chất lượng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ thiết yếu cũng sẽ được nâng lên; Người dân sẽ được hưởng thêm các dịch vụ mà giai đoạn trước chưa có điều kiện đảm bảo, chưa có khả năng tiếp cận các kỹ thuật cao hơn thông qua ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật hiện đại nhất.

Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe là bổn phận của mỗi người dân, mỗi gia đình và cộng đồng, là trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân và các tổ chức xã hội. Trong đó, các doanh nghiệp, doanh nhân có vai trò và trách nhiệm vô cùng quan là cần đáp ứng thỏa mãn mong muốn của cộng đồng thông qua việc tiến hành kinh doanh các sản phẩm dịch vụ bằng cách sản xuất, chế biến và cung cấp các mặt hàng khác nhau, cố gắng thúc đẩy sự hài lòng của người tiêu dùng.

Ngày nay, nhiều doanh nhân, doanh nghiệp kinh doanh theo định hướng dịch vụ hơn là định hướng lợi nhuận. Đặc biệt, đó là các doanh nhân, doanh nghiệp có mục tiêu kinh doanh các mặt hàng đặc thù phục vụ trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cộng đồng và vì sức khỏe cộng đồng đã và đang ngày càng tìm tòi học tập, nghiên cứu sáng tạo cho ra đời nhiều sản phẩm quý như thuốc chữa bệnh động nam dược, thực phẩm chức năng, sản phẩm làm đẹp, các trang thiết bị luyện tập rèn luyện cơ thể,... cũng như các dịch vụ khám chữa bệnh, vật lý trị liệu, spa, dưỡng sinh tâm thể... đang được cộng đồng hưởng ứng, thực hiện.

Hy vọng, với sự liên kết, hợp tác giữa các doanh nhân, doanh nghiệp với các nhà khoa học và người lao động sẽ cho ra đời nhiều sản phẩm và các hoạt động dịch vụ thiết thực, bổ ích, chất lượng, hiệu quả, góp phần chăm sóc, cải thiện, nâng cao sức khỏe của cộng đồng, giảm tỷ lệ bệnh tật, tử vong, tăng thêm tuổi thọ để toàn dân được sống hạnh phúc, bình an, xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, hạnh phúc, phát triển và hội nhập với thế giới.

NGND.PGS.TS.BS. Nguyễn Võ Kỳ Anh

Phó Chủ tịch Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam

comment Bình luận

largeer