Tầm quan trọng của tế bào gốc cuống rốn

Cơ thể được kiến tạo bởi nhiều loại tế bào khác nhau, mỗi tế bào có những đặc điểm, chức năng nhất định như: Các tế bào da tham gia bảo vệ cơ thể, tế bào cơ giúp cơ thể vận động và tế bào thần kinh truyền tín hiệu…
06/10/2022 15:35

Hầu hết các tế bào đều có khả năng tăng sinh để thay thế các tế bào già và chết đi giúp cơ thể phát triển và trưởng thành. Tuy nhiên có một loại tế bào không chỉ có khả năng tăng sinh nhanh mà còn có thể biệt hóa thành nhiều loại tế bào khác đó là tế bào gốc.

Vậy tế bào gốc là gì?

Tế bào gốc (TBG) là những tế bào có khả năng tự làm mới và biệt hoá tạo thành những tế bào biệt hoá cao. Có nhiều loại tế bào gốc như tế bào gốc tạo máu (Hematopoietic Stem Cells), tế bào gốc trung mô (Mesenchymal Stem Cells), tế bào gốc biểu mô (Epithelial Stem Cells - EpSCs), nội mô (Endothelial Stem Cells - ESCs) … trong đó tế bào gốc tạo máu được chấp thuận điều trị lâm sàng rộng rãi nhất.

221003-5-3-100552-031022-47

(Ảnh minh họa)

Tế bào gốc có thể được phân lập từ nhiều nguồn như tế bào gốc trung mô từ mô mỡ, tủy xương, mô dây rốn; tế bào gốc tạo máu từ tủy xương, máu ngoại vi (tỷ lệ rất ít), máu cuống rốn của trẻ sơ sinh… Trong số các nguồn kể trên, bánh nhau, dây rốn và đặc biệt là máu cuống rốn là một nguồn phân lập tế bào gốc được sử dụng phổ biến do thu thập dễ dàng, nhanh chóng, không xâm lấn, không ảnh hưởng đến mẹ và bé, nhiều loại tế bào gốc.

Các nhà khoa học đã phát hiện trong máu cuống rốn ngoài các tế bào máu thông thường như: Hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu còn chứa một lượng lớn các tế bào gốc tạo máu giống như trong tủy xương. Các tế bào gốc trong máu cuống rốn được ứng dụng để điều trị đầu tiên cho bệnh nhi 5 tuổi bị thiếu máu Fanconi vào năm 1988. Từ đó cho đến nay, đã có trên 75 bệnh lý khác nhau được điều trị bằng tế bào gốc máu cuống rốn như: Leukemia; Ung thư máu dòng Lympho; Các bệnh lý máu không ác tính khác như Thalassemia, suy tủy, giảm tiểu cầu nguyên phát vô căn…; suy giảm miễn dịch bẩm sinh; teo cơ, bệnh Parkinson, liệt tủy, tự kỷ, đái tháo đường, các bệnh gan mật…

Máu cuống rốn được thu thập, xử lý và lưu trữ để phục vụ điều trị không chỉ cho chính người sở hữu dây rốn đó, mà còn có thể sử dụng cho những thành viên khác trong gia đình hoặc cộng đồng khi có các vấn đề sức khỏe cần phải ghép tế bào gốc. Năm 2014, ca ghép tế bào gốc từ máu cuống rốn cộng đồng (không cùng huyết thống) đầu tiên ở Việt Nam đã được thực hiện thành công, đem lại cơ hội hồi sinh cho cả những người bệnh không tìm được nguồn tế bào gốc phù hợp từ người thân.

Con cái là tài sản lớn nhất của cha mẹ và các bậc cha mẹ điều luôn muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho tương lai của những đứa con mình đã mang nặng đẻ đau. Không ai có thể biết trước điều gì sẽ xảy ra với những đứa con thân yêu, liệu chúng có mãi khỏe mạnh như mong muốn của chúng ta? Máu cuống rốn, một nguồn tài sản sinh học vô giá, có giá trị vô cùng to lớn để đảm bảo cho tương lai của những đứa trẻ được sống khỏe mạnh, được dùng để điều trị những bệnh nan y không may mắc phải. Hiện nay, việc lưu trữ máu cuống rốn được xem như 1 loại bảo hiểm sinh học trọn đời mà cha mẹ dành tặng cho con cái.

Trung tâm nghiên cứu ứng dụng Tế bào gốc

Khoa Sinh học phân tử, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108

comment Bình luận

largeer