Thái Nguyên: Có thể khởi tố hình sự sau khi phát hiện chất cấm trong sản phẩm thu giữ tại Công ty dược mỹ phẩm Gem Korea

Sau khi tiếp nhận vụ việc Công ty dược mỹ phẩm Gem Korea có dấu hiệu sản xuất chui, làm giả hàng tấn mỹ phẩm, thực phẩm chức năng từ lực lượng Quản lý thị trường. Công an thành phố Thái Nguyên cho biết đã phát hiện ra hai sản phẩm có chất cấm trong những mẫu đã giám định.
16/07/2022 19:38

Như Tạp chí Sức Khỏe Cộng Đồng đã đưa tin, ngày 11/1/2022, Đội Quản lý thị trường số 2 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Nguyên (Cục QLTT) đã chủ trì, phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế, Công an thành phố Thái Nguyên đột xuất kiểm tra Công ty TNHH dược mỹ phẩm Gem Korea, do ông Hà Anh Tuấn (sinh năm 1983) là người đại diện pháp luật. Cơ sở được đóng trên địa bàn Tổ 2, phường Thịnh Đán, thành phố Thái Nguyên.

Theo số liệu thống kê khi đó của lực lượng chức năng tỉnh Thái Nguyên, số lượng sản phẩm đã bị tạm giữ rất lớn gồm nhiều chủng loại như: thực phẩm bảo vệ sức khỏe Hana slim; Apple Diet Slim (thạch táo giảm cân), Hana Gold;  mỹ phẩm Hemia, Jushi, Queen Perfect… phải dùng 2 xe tải 5 tấn để chở hàng hóa thành phẩm đã được đóng gói chuẩn bị tung ra thị trường tiêu thụ, cùng máy móc và nguyên liệu sản xuất chưa rõ nguồn gốc. Còn các loại bao bì, chai, lọ phải dùng đến 5 xe tải để vận chuyển. Tất cả các sản phẩm, hàng hóa, nguyên liệu máy móc, thiết bị sản xuất, tại thời điểm kiểm tra chủ cơ sở không xuất trình được giấy tờ, hóa đơn chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.

Sau khi, kiểm tra, thu giữ, xác minh, thấy vụ việc có nhiều dấu hiệu rõ ràng của tội phạm hình sự, Đội QLTT số 2 – Cục QLTT tỉnh Thái Nguyên đã nhanh chóng bàn giao hồ sơ, tang vật tạm giữ cho Công an thành phố Thái Nguyên để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Để có thông tin đa chiều, khách quan về vụ việc trên, ngày 7/7/2022 phóng viên Tạp chí Sức Khỏe Cộng Đồng đã có buổi làm việc với Công an thành phố Thái Nguyên. Theo nguồn tin từ đại diện Đội Cảnh sát kinh tế Công an thành phố Thái Nguyên cho biết. Từ thông tin ban đầu nhận thấy vụ việc có tính chất vi phạm pháp luật hình sự về sản xuất buôn bán hàng giả; Vi phạm quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm. Sau khi tiếp nhận vụ việc, Đội Cảnh sát kinh tế Công an thành phố Thái Nguyễn đã tiến hành vào cuộc xác minh, điều tra, làm rõ. Thông qua kết quả giám định tang vật của Viện khoa học hình sự - Bộ Công an đã phát hiện ra chất cấm trong hai sản phẩm trên tổng số sản phẩm đã giám định. Hiện tại vụ việc đang trong quá trình tạm đình chỉ theo quy định vì chưa có kết quả định giá tài sản của Hội đồng định giá. Nếu có đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm thì sẽ tiến hành khôi phục điều tra, khởi tố vụ án theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.

Hemia..

Sản phẩm Thạch táo giảm cân thương hiệu Hemia chứa chất cấm độc hại ảnh hưởng sức khỏe của người tiêu dùng 

Thật trùng hợp, trước đó người tiêu dùng cũng đã phản ánh tới báo chí 2 sản phẩm: Hana Slim và Apple Diet Slim (thạch táo giảm cân thương hiệu HEMIA) đều có chứa chất cấm Sibutramin, một loại chất độc hại đã bị Bộ Y tế cấm lưu hành từ năm 2011. Đặc biệt những sản phẩm do bạn đọc phản ánh này, đều có tên gọi giống như sản phẩm đã bị cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên kiểm tra và tạm giữ tại Công ty Dược mỹ phẩm Gem Korea. Ngoài ra một bạn đọc khác tên Hạnh (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng phản ánh, phải đi cấp cứu do mua và sử dụng sản phẩm Apple Diet Slim (thạch táo giảm cân thương hiệu HEMIA) có chất gây độc hại Sibutramine từ người bán có nickname Facebook Nguyễn Ngọc Thúy, được biết Nguyễn Ngọc Thúy cũng chính là vị CEO của thương hiệu HEMIA.

hana-slim-plus-1430
hemia-2352

Kết quả kiểm nghiệm sản phẩm Hana Slim, Apple Diet Slim có chứa hàm lượng lớn chất độc hại sibutramine gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng được bạn đọc và báo chí thông tin

Theo thông tin có được từ đại diện Cục QLTT tỉnh Thái Nguyên thì đây là vụ kiểm tra, thu giữ được số lượng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng lớn nhất từ trước tới nay trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Vị đại diện này nói, lực lượng Quản lý thị trường phải mất rất nhiều ngày, tốn nhiều công sức để tiếp cận, xác minh rõ dấu hiệu vi phạm trong nhà máy sản xuất mỹ phẩm, thực phẩm chức năng của Công ty Dược mỹ phẩm Gem  Korea. “Ngay từ đầu chúng tôi tiếp cận với Công ty dược mỹ phẩm Gem Korea rất khó khăn, vì họ luôn đóng cửa kín mỗi khi ra vào, không ai biết họ làm gì bên trong, người dân xung quang cũng không ai biết thông tin gì về công ty này, nếu sơ xuất có thể bị lộ vì họ rất tinh vi…”, vị này nói.

Bên cạnh đó, từ những tư liệu có được trong vụ việc kiểm tra của lực lượng QLTT tỉnh Thái Nguyên cho thấy, trước khi bị kiểm tra, Công ty dược mỹ phẩm phẩm Gem Korea là một đơn vị đã đầu tư và chuẩn bị khá công phu, bài bản cho hoạt động sản xuất mỹ phẩm, thực phẩm. Những hình ảnh mỹ phẩm đang được sản xuất dở dang ở trong máy trộn, các thiết bị như máy in tem, số lượng lớn bao bì chất thành núi, nhiều thùng phi chứa có dung tích lớn, bên trong có hàng trăm kilogam hóa chất, nguyên liệu để sản xuất. Cùng với đó là hàng nghìn các hộp mỹ phẩm, thực phẩm chức năng đã được đóng gói thành phẩm, xếp ngay ngắn dưới nền nhà sẵn sàng cho việc vận chuyển đi tiêu thụ... những điều này đều có thể chứng tỏ mục đích, ý thức chủ quan của Công ty TNHH Dược mỹ phẩm Gem Korea là gì?

my-pham-thuc-pham-chuc-nang-khong-ro-nguon-goc3-1641974786857443345246
my-pham-thuc-pham-chuc-nang-khong-ro-nguon-goc-16419748174142134809124

Thật khủng khiếp, khi hàng tấn sản phẩm bị lực lượng chức năng tỉnh Thái Nguyên thu giữ sắp được bán ra thị trường

z3547881049322_bde30bc5ac301b8bf754747086f744c9

Một phần tang vật chồng chất như núi vẫn đang được tạm giữ tại Đội QLTT số 2 - Cục QLTT tỉnh Thái Nguyên

Điều đặc biệt, trong thời điểm kiểm ra Đội QLTT số 2 - Cục QLTT tỉnh Thái Nguyên còn phát hiện ra 8 người đang có hoạt động sản xuất, đóng gói mỹ phẩm, thực phẩm chức năng bên trong nhà máy của Công ty TNHH Dược mỹ phẩm phẩm Gem Korea. Tuy nhiên Công ty này lại chưa xuất trình được giấy phép đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm, thực phẩm chức năng cũng như nguồn gốc xuất xứ của các sản phẩm, nhãn hàng, nguyên liệu đang có tại nhà máy của họ.

Trao đổi với Luật sư Hoàng Văn Hà thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, cho biết: “Thông qua theo dõi vụ việc cho thấy, rất nhiều hành vi, yếu tố có thể cấu thành tội phạm để xác định các tội danh như quy định tại Điều 192 - Tội sản xuất, buôn bán hàng giả; Điều 317 - Tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm đã được quy định trong Bộ Luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Cơ quan điều tra cần làm rõ vụ việc để tránh bỏ lọt tội phạm, nếu đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm thì hoàn toàn có thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can, từ đó góp phần bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho người dân”.

Vậy Công ty TNHH Dược mỹ phẩm Gem Korea có sản xuất hàng giả hay không? Nếu có là những nhãn hàng, sản phẩm nào với số lượng bao nhiêu…? Những chất cấm được phát hiện trong các sản phẩm nào trong những sản phẩm đã bị thu giữ? Chất cấm được phát hiện là chất gì, chất này ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người tiêu dùng như thế nào? Trách nhiệm, hậu quả pháp lý Công ty TNHH Dược mỹ phẩm Gem Korea phải đối mặt là gì?

Qua đây, chúng tôi cũng rất hoan nghênh lực lượng QLTT tỉnh Thái Nguyên, Công an thành phố Thái Nguyên đã chủ động vào cuộc kịp thời để đấu tranh, ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật, trong sản xuất mỹ phẩm, thực phẩm chức năng tại nhà máy của Công ty TNHH Dược mỹ phẩm Gem Korea. Bởi lẽ, không có sự vào cuộc này, thì với số lượng hàng tấn sản phẩm chưa rõ nguồn gốc, có chất cấm nếu được đưa ra lưu thông trên thị trường thì sức khỏe của người dân sẽ bị ảnh hưởng khủng khiếp như thế nào?

Tuy nhiên sự việc vẫn chưa kết thúc và tiến trình vụ việc, kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng ra sao? Chúng tôi sẽ luôn theo sát và truyền tải đến công luận một cách chính xác, khách quan.

Điều 192. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả

1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Hàng giả trị giá từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;

b) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;

c) Hàng giả trị giá dưới 20.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn hoặc hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

d) Hàng giả trị giá dưới 20.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn hoặc hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá dưới 30.000.000 đồng nhưng gây hậu quả thuộc một trong các trường hợp: gây tổn hại cho sức khỏe của một người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60% hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

đ) Hàng giả trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;

e) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;

g) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

h) Làm chết người;

i) Gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên;

k) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

l) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;

m) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại;

n) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Hàng giả có giá thành sản xuất 100.000.000 đồng trở lên;

b) Hàng giả có giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn từ 200.000.000 đồng trở lên;

c) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 500.000.000 đồng trở lên trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;

d) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;

đ) Làm chết 02 người trở lên;

e) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên, với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

g) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;

h) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm

Ðiều 317. Tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm hoặc bán, cung cấp thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm có sử dụng chất cấm;

b) Sử dụng hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối, sơ chế, chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản và muối tạo ra dư lượng vượt ngưỡng cho phép trong sản phẩm;

c) Sử dụng các loại hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, chất xử lý cải tạo môi trường ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc không đúng quy định trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối tạo ra dư lượng vượt ngưỡng cho phép trong sản phẩm hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi tại điểm này hoặc điểm a khoản này mà còn vi phạm;

d) Chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm; sử dụng hóa chất, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm: gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60% hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù 03 năm đến 07 năm:

a) Phạm tội có tổ chức;

b) Làm chết 01 người hoặc gây tổn hại sức khỏe cho 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

d) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%.

đ) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

e) Phạm tội 02 lần trở lên;

g) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Làm chết 02 người;

b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

d) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

d) Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Trần Hoàng

comment Bình luận

largeer