Tháng Bảy gọi mùa báo hiếu

Nằm trong con ngõ nhỏ trên phố Cầu Cốc, phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, có một ngôi chùa mang tên Lai Phúc linh thiêng và linh ứng. Vào một buổi chiều đầu tháng 7 Âm lịch, chúng tôi được vinh dự đến tham gia các đại lễ trong tháng Vu lan báo hiếu tại Chùa.
28/08/2023 09:53

Tháng Bảy gọi mùa báo hiếu

Xa xa đã nghe thấy tiếng chuông vang vọng, tiếng tụng kinh, tiếng gõ mõ đều đều cùng làn khói hương toả thơm. Các đại lễ Vu lan báo hiếu trang trọng được tổ chức trong khuôn viên của Chùa.

Empty

“Tháng Bảy gọi mùa báo hiếu

Chuông chùa ngân vọng nhắc điều nghĩ suy

Đấng sinh thành nào trả được chi

Chuông lòng ngân đọng khắc ghi ân tình”

Empty

Lễ Vu lan đã trở thành truyền thống của tinh thần báo hiếu, báo ân

Tháng Bảy về như nhắc nhở mọi người nhớ về mùa Vu lan báo hiếu đã tới. Lễ Vu lan là một trong những ngày lễ trọng đại nhất của Phật giáo, xuất phát từ sự tích Bồ Tát Mục Kiều Liên đại hiếu đã cứu mẹ mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ (quỷ đói).

Empty

Lễ Vu lan được tổ chức để tưởng nhớ công ơn cha mẹ sinh thành, đồng thời khuyến khích mọi người biết trân trọng những gì mình đang có, nhắc nhở bổn phận làm con phải luôn nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ mà làm những việc hiếu thuận thể hiện tình cảm và lòng biết ơn đến cha mẹ.

Empty

Lễ Vu Lan không chỉ đơn thuần có ý nghĩa tôn giáo thiêng liêng mà còn có ý nghĩa đặc biệt sâu sắc để hướng mọi người trở về với cội nguồn dân tộc, về với đạo lý “uống nước nhớ nguồn” với Tổ tiên.

Empty

Lễ Vu lan đã trở thành truyền thống của tinh thần báo hiếu, báo ân, phù hợp với tinh thần tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên của nhân dân ta và mang đậm nét nhân văn của đạo lý đền ơn đáp nghĩa của dân tộc.

Empty
Empty
Empty

Hơn 400 người tham gia thả cá phóng sinh tại ngã ba sông Bạch Hạc - Việt Trì 

“Vu lan báo hiếu - Lễ hội tình người” năm 2023 được Đại đức Thích Viên Định - Trụ trì chùa Lai Phúc tổ chức để các Phật tử, bà con nhân dân cùng hướng về Phật pháp, tổ tiên và cha mẹ với các đàn lễ trong các ngày như sau:

- Ngày 1/7 (ÂL) với Lễ cầu siêu cho các vong nhân đang chôn cất tại Nghĩa trang phường Tây Mỗ và Lễ cầu siêu phả độ gia tiên của các gia đình tại Chùa Lai Phúc; Chương trình “Hoa hồng cài áo” cho mọi người đến Chùa lễ Phật, dự Lễ Cầu siêu và cho bà con bán hàng ngoài chợ Đình ngay giữa làng Tây Mỗ.

- Ngày 2/7 (ÂL) với Lễ cầu siêu các vong liệt sĩ tại Chùa và tặng tiền mặt (trị giá 100.000 đồng) + túi quà (trị giá 100.000 đồng) tới 70 gia đình Liệt sĩ người làng Tây Mỗ vào buổi sáng; Lễ cầu siêu vong nhi sản nạn vào buổi tối.

- Ngày 3/7 (ÂL) với Lễ tụng kinh Vu Lan.

- Ngày 4/7 (ÂL) với Lễ tạ Đàn Vu lan báo hiếu.

- Ngày 5/7 (ÂL) với 400 người tham gia thả cá phóng sinh tại ngã ba sông Bạch Hạc - Việt Trì sau đó hành hương lễ Phật tại Bảo Tháp Tây Thiên.

Empty

Trong Chùa, ngoài chợ, trên đường làng ngõ xóm làng Tây Mỗ năm nay bỗng thấy thấp thoáng bóng bông hồng cài áo.

Empty
Empty

Bông hồng màu đỏ được cài tặng những ai còn cả cha và mẹ, bông hồng màu hồng tặng ai chỉ còn cha hoặc mẹ và bông hồng màu trắng được cài tặng những ai mà cả cha và mẹ đều đã khuất. Cho dù là bông hồng màu gì nhưng ai cũng hoan hỷ đón nhận và đều thành tâm hướng về cha mẹ, Tổ tiên.

Empty
Empty

Chùa Lai Phúc thường tổ chức các hoạt động thiết thực như:

- Suất ăn yêu thương vào thứ 5 hàng tuần tại Bệnh viện K Tân Triều.

- Khoá tu giảng đạo cho trẻ em.

- Lớp giáo lý “Tinh hoa Phật pháp” dành cho tất cả mọi người vào 19h30 tối ngày 14, 30 âm lịch hàng tháng.

- Tặng gạo hàng tháng cho 13 gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Tây Mỗ, mỗi gia đình 10kg.

Empty
Empty

Tặng tiền mặt (trị giá 100.000 đồng) + túi quà (trị giá 100.000 đồng) tới 70 gia đình Liệt sĩ người làng Tây Mỗ vào buổi sáng

Đạo hiếu ở Ấn Độ, Trung Quốc và Việt Nam

Sau các đại lễ của Chùa, chúng tôi có cơ hội nghe những chia sẻ của Đại đức Thích Viên Định về đạo hiếu. Chia sẻ về vấn đề này, Đại đức Thích Viên Định cho biết, văn hoá Việt Nam bị 1.000 năm Bắc thuộc nên chịu ảnh hưởng nhiều nhất là việc thờ cúng Tổ tiên. Người Việt Nam luôn đề cao việc báo hiếu với cha mẹ khi còn sống hay khi đã khuất bóng.

Empty

“Vu lan báo hiếu - Lễ hội tình người” năm 2023 được Đại đức Thích Viên Định - Trụ trì chùa Lai Phúc tổ chức để các Phật tử, bà con nhân dân cùng hướng về Phật pháp, tổ tiên và cha mẹ với các đàn lễ

Nói về đạo hiếu ở các nước như Ấn Độ, Trung Quốc và Việt Nam, Đại đức Thích Viên Định cho biết, văn hoá của Ấn Độ là sau khi chết là hết, nhưng đối với văn hoá của Trung Quốc thì chết chưa hẳn đã hết. Văn hoá hiếu đạo của Ấn Độ cực kỳ được đề cao, đến giờ vẫn có người gánh cha mẹ của mình trên vai.

Empty

Theo Đạo Phật, khi đã xuất gia, người theo đạo sẽ phải cát ái từ thân, không được thiết lập với gia đình nhưng không phải vì thế mà không làm tròn hiếu đạo. Chính Đức Phật đã thực hành hiếu đạo để làm mô phạm cho đời. Khi đức Phật nghe tin cha ốm nặng, dù cách xa cả ngàn vạn dặm, Ngài cũng đi bộ để về thăm cha lần cuối. Ngài đã tự tay chăm sóc cha những giây phút cuối cùng. Khi cha mất, Ngài tự tay gói thi hài của cha, vẫn khiêng quan tài dù nhiều người xin khiêng thay Ngài. Điều này như nhắc nhở, dạy bảo cho chúng sinh về sự phụng dưỡng cha mẹ sau này.

Empty

Ngoài sự phụng dưỡng cha mẹ bằng thực phẩm, làm cho cha mẹ vui lòng và còn có việc hướng cha mẹ vào con đường tuệ giác, tình thức. Đây mới là gốc của sự báo hiếu đối với cha mẹ.

Mỗi một ông bố có bố mẹ, mỗi một bà mẹ cũng có bố mẹ, cứ như thế chúng ta không phải sự kế thừa duy nhất của cha mẹ chúng ta mà chúng ta là sự kế thừa của cả một dòng tộc huyết mạch Tổ tiên chúng ta, cao hơn nữa là của giống người Việt Nam, cao hơn nữa là của cả một nhân loại. Chúng ta là sự kết nối của một dòng chảy rất lâu dài. Không chỉ phả hệ trong một dòng tộc, chúng ta đâu chỉ có một ông bố, một bà mẹ mà chúng ta có vô số ông bố, bà mẹ. Tất cả chúng sinh sẽ là ông bố, bà mẹ trong vòng luân hồi. Trong Phật giáo, con người sẽ còn tái sinh ở một thân phận khác, hoàn cảnh, trạng thái khác, cơ địa khác ở kiếp sau. Chúng ta phải có tâm hiếu kính với tất cả mọi người.

Empty

Những giá trị nhân văn của xã hội con người bây giờ, nhất là thế hệ trẻ đang bị mai một. Cả một xã hội bây giờ đang cần truyền thông giữa các thế hệ, gắn kết các thế hệ thật sự. Có những bạn trẻ không quan tâm đến bố mẹ của mình, không hỏi han, thăm nom. Đây là điều trăn trở của thầy, sự kết nối cần thiết trong một gia đình đang bị xa cách dần.

Thời nay, cuộc sống đủ đầy, cha mẹ bao bọc con cái quá nhiều, sinh ra cái vị kỷ trong con người trẻ thời nay quá lớn, sự tương tác thật giữa bố mẹ và con cái đang bị mất đi. Điều đáng lo ngại và cảnh tỉnh hiện nay về tình cảm, sự báo hiếu của con cái với cha mẹ. Ngoài ra, Đại đức Thích Viên Định mong muốn người dân Việt Nam hãy giữ gìn bản sắc dân tộc, văn hoá dân tộc để tránh bị mai một.

Empty

Thông qua các đại lễ, khoá tu của nhà chùa, Đại đức Thích Viên Định sẽ lồng ghép vào đó những lời giảng dạy về đạo hiếu đưa ra những nhận thức minh bạch, gieo duyên.

Empty

Từ khi Chùa Lai Phúc được xây dựng năm 2019 đến nay, Trụ trì Đại đức Thích Viên Định đã tạo được một không gian văn hóa tín ngưỡng, một “sân chơi”  lành mạnh để bà con nhân dân đến Chùa lễ Phật, nghe kinh giảng Pháp, kính Phật trọng Tăng giúp mỗi người sống có trách nhiệm với hành động của chính mình trong hiện tại và tương lai. Sống tốt đời đẹp đạo là nền tảng đạo đức mà mỗi cá nhân, gia đình, xã hội và nhân loại hướng tới.

Kết thúc buổi trò chuyện với Đại đức Thích Viên Định khi bóng chiều đã tắt, chúng tôi như được giác ngộ thêm phần nào về đạo Phật, chữ hiếu. Nguyện với lòng thêm kính hiếu với ông bà, cha mẹ cho tròn đạo làm cháu, làm con.

Chuyện tiền thân Đức Phật

Trong kinh Bổn Sanh có kể rất nhiều tiền thân của Đức Phật làm chúng ta xúc động. Có những kiếp Người thị hiện làm thân nai, thân khỉ chúa, hay chim oanh vũ… Ví dụ câu chuyện về cử chỉ nhân từ của chim Oanh vũ là tiền thân của Đức Phật.

Câu chuyện 1: Thuở xưa, ở núi Tuyết Sơn có một con chim Oanh vũ, cha mẹ đều mù nên hằng ngày chim Oanh vũ phải bay đi tìm thức ăn về dâng cho cha mẹ. Một hôm, bay ngang một ruộng lúa, chim Oanh vũ nghe vị chủ ruộng phát nguyện rằng: “Lúa tôi năm nay tốt, xin nguyện cho chúng sinh dùng”. Chim Oanh vũ nghe vậy lấy làm mừng rỡ, thường đến ruộng đó lấy lúa về dâng cho cha mẹ.

Khi vị chủ ruộng đi thăm lúa, thấy chim trùng phá hoại liền đặt lưới và bắt được chim Oanh vũ. Thấy chim đẹp, vị chủ ruộng bỏ chim vào lòng nuôi, cho thức ăn thơm ngon nhưng chim Oanh vũ không ăn mà chỉ khóc. Vị chủ ruộng hỏi nguyên do. Chim Oanh vũ nói vì luôn nghĩ đến cha mẹ mù không ai nuôi và thưa với người chủ là: “Trước đây, ông có lòng tốt, nguyện bố thí nên tôi mới dám lấy lúa của ông. Sao nay ông lại bắt tôi ”.

Nhớ đến lời nguyện xưa và cảm phục trước lòng hiếu thảo của chim Oanh vũ, vị chủ ruộng thả chim Oanh vũ ra và cho phép chim Oanh vũ từ đó về sau cứ đến lấy lúa mà dùng.

Chim Oanh vũ là tiền thân của Đức Phật Thích Ca, vị chủ ruộng là tiền thân của ngài Xá Lợi Phật.

Câu chuyện 2: Ngày xưa, có một ông vua nóng nảy, thường lấy sự săn bắn làm trò vui. Một hôm, vua vào rừng săn bắn, thấy một con chồn lanh lẹ thoát vào bụi rậm, vua sai lính tìm kiếm nhưng không thấy. Tức giận, nhà vua ra lệnh đốt rừng làm cho thú vật và cây cối bị cháy. Bỗng trên đám lửa có một con chim Oanh Vũ đang hăng hái chữa cháy. Chim bay xuống sông gần đó, nhúng ướt thân rồi bay lại đám lửa rủ nước xuống mong dập tắt lửa.

Mọi người ngạc nhiên theo dõi việc làm kiên nhẫn của chim Oanh Vũ. Vua bỗng động lòng trắc ẩn, cảm thấy xấu hổ liền ra lệnh dập tắt lửa và từ đó cấm không cho ai được vào rừng săn bắn nữa.

Câu chuyện 3: Hoặc có một kiếp xa xưa, do hạnh nguyện tu hạnh Bồ Tát Đạo, Đức Phật đã thị hiện làm một Khỉ Chúa. Hằng ngày Khỉ Chúa chăm lo hướng dẫn đàn khỉ hơn ngàn con đi tìm kiếm thức ăn an ổn và tránh xa các loài nguy hiểm như chim đại bàng, chim cú, mãng xà… là loài thường ăn thịt loài khỉ.

Suốt nhiều năm sống trong an ổn đến lúc Khỉ Chúa cũng đã già. Năm ấy trời liên tiếp có mưa lớn. Khỉ Chúa cảm thấy nếu cứ ở mãi nơi khu rừng ẩm thấp này thì chắc chắn cả đàn sớm bị lũ cuốn trôi. Trước lúc cơn lũ dâng cao, Khỉ Chúa đã báo động dẫn cả đàn qua khu rừng cao ráo bên kia suối lánh nạn.

Nhưng khi đến khe suối thì nước đang chảy xiết tung bọt trắng xóa mà chẳng có chiếc cầu nào để vượt qua. Cũng may nhờ vào Trí Tuệ, Khỉ Chúa phát hiện có một đoạn khe hẹp nhưng vẫn không thể nhảy qua được. Trước khó khăn nguy hiểm đó, Khỉ Chúa nhìn quanh và thấy một cây tre cao liền leo lên ngọn cho cây tre bổ xuống làm chiếc cầu bắc ngang nhưng vẫn còn bị hụt một đoạn. Khỉ Chúa đành dang đôi cánh tay nắm lấy hai ngọn cây làm chiếc cầu để cho cả đàn khỉ hơn ngàn con vượt qua khe thác lũ mà sang bên kia an ổn.

Do thân Khỉ Chúa đã già và vì đã dốc hết sức nên khi đàn khỉ vượt qua được hết cũng là lúc Khỉ Chúa tận cùng lực kiệt. Khỉ Chúa đã hoan hỷ hi sinh trong niềm tiếc thương vô hạn của cả đàn khỉ.

Khỉ Chúa chính là tiền thân của Đức Phật Thích Ca. Và đàn khỉ chính là 1.200 vị Đại A La Hán đệ tử của Ngài.

Thu Hương - Nguyễn Trang

comment Bình luận

largeer