Thanh Hóa: Về Lam Kinh, nghe chuyện “cây ổi cười” bên mộ vua Lê Thái Tổ

Du khách đến với di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Thanh Hóa) sẽ được nghe những câu chuyện kỳ bí. Trong đó, phải kể đến cây ổi dáng huyền, mang thế rồng chầu, cứ đụng vào là “cười khúc khích” bên lăng mộ vua Lê Thái Tổ.
21/02/2024 14:46
Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Thanh Hóa)

Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Thanh Hóa)

Khu di tích lịch sử Lam Kinh sừng sững tọa lạc trên thân đất thuộc hai huyện Thọ Xuân và Ngọc Lặc, cách thành phố Thanh Hóa hơn 50 km về phía tây bắc. Nơi đây là quê hương bản quán và cũng là nơi an nghỉ của anh hùng dân tộc Lê Lợi cùng các vị hoàng đế, vương hậu thời Lê Sơ.

Mảnh đất Lam Sơn địa linh nhân kiệt ẩn chứa nhiều điều thần bí, cho đến nay khoa học vẫn chưa thể giải thích. Nổi bật trong số đó là cây ổi biết “cười”, hiện vẫn là câu chuyện kỳ lạ đến khó tin với nhiều người...

Cây ổi cười trong Vĩnh Lăng (lăng vua Lê Thái Tổ). Gọi là ổi cười bởi khi ta gãi vào các nách cây thì các tán lá sẽ rung rinh chuyển động

Cây ổi cười trong Vĩnh Lăng (lăng vua Lê Thái Tổ). Gọi là ổi cười bởi khi ta gãi vào các nách cây thì các tán lá sẽ rung rinh chuyển động

Có mặt tại đây, qua quan sát cho thấy, từ con đường đá dẫn vào Khu lăng mộ vua Lê Thái Tổ, ngoài hai hàng tượng quan hầu và các con vật bằng đá giữa lối đi thì bên phải lăng có một cây ổi dáng huyền, mang thế rồng chầu gần trăm năm tuổi, cho quả chín tỏa hương thơm lừng.

Cây ổi cười cao hơn 3 m, dài gần 5 m, lá nhỏ khoảng 2 cm với những cành chắc chắn uốn lượn như rồng. Để thử nghiệm, chúng tôi đã chờ khi không có gió, cây lặng như tờ và đưa ngón tay lên phần nhánh cây, gãi khẽ thì bắt đầu thấy hiện tượng những chiếc lá ổi rung lên như đang “cười”.

Điều đặc biệt, mặc dù tán lá rung nhưng các cành lại không rung kể cả những cành yếu ớt nhất. Còn khi nắm tay vào thân cây, nhắm mắt, đầu óc không suy nghĩ thì có một cảm giác lâng lâng khó tả, thoải mái đến lạ lùng.

Cây ổi cười được trồng trong khuôn viên của khu di tích vào năm 1933

Cây ổi cười được trồng trong khuôn viên của khu di tích vào năm 1933

Anh Nguyễn Văn Hưng, một du khách sau khi trải nghiệm cảm giác sờ cây ổi, phấn khởi nói: “Lúc đầu nghe tin đồn tôi bán tín bán nghi, nhưng khi tận mắt nhìn và cảm nhận thấy đúng là chuyện lạ có thật. Ngoài những câu chuyện chính sử, tới đây tôi còn tận mắt thấy những hiện tượng kỳ lạ”.

Chị Hoàng Thị Huyền, hướng dẫn viên khu di tích cho biết, cây ổi lạ này trồng trong khuôn viên của khu di tích vào năm 1933. Tích kể lại rằng, một người đàn ông tên Trần Hưng Dẫn người Nam Định, vốn hiếm muộn con nên vào cầu tự trước mộ vua Lê Thái Tổ. Sau đó, ông Dẫn liền sinh được quý tử nối dõi tông đường. Để tỏ lòng thành, ông kính cẩn dâng lên 4 tượng voi, 2 cây long não và 1 cây ổi trong khu lăng mộ. Ngoài ra, ông còn dốc tiền của để góp phần sửa sang, trùng tu lại khu mộ thêm khang trang, tôn nghiêm.

Cũng theo chị Huyền, chuyện cây ổi biết cười bắt nguồn từ nhiều năm về trước, do một du khách tình cờ phát hiện ra. Nhưng các cụ cao niên trong vùng cũng kể lại rằng, người đầu tiên phát hiện ra hiện tượng cây ổi cười là một nhà nghiên cứu người Pháp đến khảo sát di tích Lam Kinh vào năm 1942. Năm 2008, Bộ Khoa học - Công nghệ cũng đã đưa ra đề án nghiên cứu cấp quốc gia về dòng gen của cây ổi ở khu di tích Lam Kinh, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả cụ thể.

Người dân địa phương kính cẩn kêu cây ổi lạ này bằng cái tên “Mộc tinh”

Người dân địa phương kính cẩn kêu cây ổi lạ này bằng cái tên “Mộc tinh”

Người dân Lam Kinh kính cẩn kêu cây ổi lạ này bằng cái tên “Mộc tinh”. Vùng đất đặt lăng mộ vua Lê Thái Tổ là nơi hội tụ linh khí của đất trời, được coi là huyệt đạo quan trọng trong khu di tích. Cây ổi này chỉ ở trong khu vực Lăng mộ vua Lê Thái Tổ thì mới có hiện tượng “cười”. Có dạo người ta đã thử làm cái việc chiết, đem giống ổi này trồng ở nơi khác thì không hề có hiện tượng ổi cười ấy.

Đại diện Ban quản lý Khu di tích Lam Kinh cũng xác nhận, chuyện cây ổi cười trong Vĩnh Lăng là có thật, gọi là ổi cười bởi khi ta gãi vào các nách cây thì các tán lá sẽ rung rinh chuyển động, khi dừng gãi thì hiện tượng này sẽ không còn. Hiện nay, ban quản lý di tích đã có phương án bảo tồn nguồn gen của cây ổi quý này bằng cách ươm hạt để tạo cây con. Mỗi năm, công tác chăm sóc cây cũng được chú trọng, ngoài theo dõi các biểu hiện bên ngoài để phán đoán tình trạng sinh trưởng của cây, chúng tôi sẽ dùng các loại phân bón cần thiết, thuốc vi sinh để giúp cây chống lại các loại bệnh.

Mạnh Linh

comment Bình luận

largeer