Thoái hóa cột sống cổ: Những vấn đề cần lưu ý

Thoái hóa đốt sống cổ không chỉ gặp ở người già, hiện nay, không ít người trẻ mắc thoái hóa cột sống do lao động, công việc kéo dài,... Vậy các triệu chứng của bệnh như thế nào? Phương pháp điều trị thoái hóa đốt sống cổ ra sao?
22/08/2024 14:19

Mới đây, Viện Đào tạo và Nghiên cứu Y dược Bạch Mai đã tổ chức chương trình "Thoái hóa cột sống cổ: Những vấn đề cần lưu ý". Trong chương trình, Ths.BS. Vũ Xuân Phước, Khoa Chấn thương chỉnh hình và Cột sống, Bệnh viện Bạch Mai đã trực tiếp lí giải những vấn đề thường hay gặp phải về bệnh lí cột sống cổ.

Thoái hóa cột sống cổ là gì?

Thoái hóa cột sống cổ là một quá trình thoái triển và lão hóa tự nhiên của cơ thể và sẽ phát triển theo năm tháng mà chúng ta không thể tránh khỏi. Không ai là không mắc bệnh thoái hóa và mức độ thoái hóa sẽ tăng dần theo tuổi tác và tuổi càng cao thì mức độ thoái hóa càng nhiều.

Thoái hóa đốt sống cổ ở đây là 1 vị trí cụ thể là cột sống cổ, nó có thể bao gồm thoái hóa tự nhiên của đĩa đệm, xương, khớp, liên quan đến cột sống cổ hoặc ở một số vị trí khác.

Quá trình thoái hóa sẽn dẫn đến sự bào mòn và hư hỏng của đĩa đệm và đốt sống, dễ dẫn đến các triệu chứng phổ biến như đau cổ, chèn ép thần kinh ở vùng cột sống cổ.

Thông thường các quá trình thoái hóa này sẽ diễn ra tự nhiên, diễn ra âm thầm và thường không có triệu chứng và nó có thể dẫn đến các triệu chứng đặc hiệu của viêm khớp cột sống cổ có thể ảnh hưởng đến khả năng vận động khớp và đau khi vận động, hoặc các biến chứng thần kinh của thoái hóa khớp bao gồm: Chèn ép tủy sống, chèn ép các dây thần kinh, tùy vào mức độ tiến triển, giai đoạn của mức độ chèn ép thần kinh mà có các biểu hiện khác nhau.

Việc hiểu biết về thoái hóa cột sống cổ sẽ giúp chúng ta phát hiện sớm triệu chứng, có biện pháp thăm khám phù hợp và điều trị kịp thời.

thoaihoa

(Ảnh minh họa: Thaythuocvietnam.vn)

Những điều cần biết về cột sống cổ?

Cột sống cổ nằm ở vùng cổ, có 7 đốt. Đĩa đệm nằm ở giữa các đốt sống và cấu tạo gồm 3 phần: Phần vỏ ngoài (bao xơ), nhân giữa, mặt đĩa. Nhân có độ quánh giống như gel chủ yếu bao gồm nước, giảm dần theo tuổi (~90% khi sinh ra và 70% khi 60 tuổi).

Cấu trúc thần kinh: Nằm trong ống xương cổ.

Chức năng cột sống cổ:

- Tham gia vào chức năng nâng đỡ: Hỗ trợ nâng đỡ đầu và cổ. Đĩa đệm giúp hấp thụ lực và giảm ma sát (có tác dụng giảm xóc như lò xo).

- Tham gia vào chức năng vận động cổ.

- Bảo vệ tổ chức thần kinh: Vận động, cảm giác của tay, chân và các cơ quan.

Quá trình thoái hóa như thế nào?

Quá trình thoái hóa sẽ diễn ra theo tuổi và theo các giai đoạn, mỗi giai đoạn và mỗi độ tuổi sẽ có những biến đổi khác nhau, trong đó có 3 giai đoạn biến đổi của quá trình thoái hóa.

Giai đoạn 1: Rối loạn chức năng xảy ra trong độ tuổi 15 – 45 tuổi. Trong giai đoạn này sẽ xảy ra những tổn thương, ví dụ như vết rách bao xơ của đĩa đệm hoặc kèm theo viêm tại chỗ,…

Giai đoạn 2: Mất ổn định cấu trúc cột sống cổ diễn ra trong độ tuổi 35 – 70 tuổi. Khi rối loạn chức năng xuất hiện nhiều hơn thì nó dẫn đến mất ổn định các cấu trúc. Nó sẽ có các đặc điểm như phá vỡ các cấu trúc của cột sống kèm theo các phản ứng viêm, tiêu viêm, hoặc thoái hóa các mạch khớp, ảnh hưởng đến chức năng của mặt khớp và đĩa đệm. Tình trạng này tiến triển sẽ dẫn đến giai đoạn sau cùng, đó là giai đoạn khi các biến đổi.

Giai đoạn 3: Biến đổi ở mức ổn định: phổ biến sau 60 tuổi – cấu truc phì đại, cứng, dính khớp.

Vị trí nào dễ bị thoái hóa?

- Mỗi đoạn cột sống có thể thoái hóa ở các giai đoạn khác nhau.

- Vị trí thường gặp: Đốt sống cổ số 5 - 6.

Các loại thoái hóa cột sống cổ

- Thoái hóa đĩa đệm cổ (DDD): Đĩa đệm mất nước, khô, co lại dẫn đến đau và giảm chiều cao.

- Thoái hóa đốt sống cổ (thoái hóa khớp): Hình thành các gai xương và thoái hóa sụn khớp.

- Hẹp ống sống cổ: Thu hẹp không gian chứa tủy, gây chèn ép tổ chức thần kinh.

- Bệnh lý tủy cổ: Tủy bị chèn ép, gây rối loạn vận động, cảm giác.

Nguyên nhân thoái hóa là gì? 

Là một phần của quá trình lão hóa tự nhiên theo tuổi: Bắt đầu sớm là từ những năm 20 tuổi. Diễn biến theo tuổi.

Yếu tố nào tăng nguy cơ thoái hóa?

Yếu tố môi trường

- Tư thế xấu: Ngồi, đứng hoặc ngủ không đúng cách, sử dụng điện thoại, máy tính.

- Nghề nghiệp: Cúi cổ thường xuyên (văn phòng, lái xe,…).

Chịu lực của cổ:

- Trung gian: Cổ chịu nặng 5,4kg

- Gập 15 độ - 12,2kg

- Gập 30 độ - 18,1kg

- Gập 45 độ - 22,2kg

- Gập 60 độ - 27,2kg (gần 5 lần).

Yếu tố nào tăng nguy cơ thoái hóa?

- Tiền sử bị tai nạn/chấn thương.

- Tiền sử phẫu thuật trước đó.

- Thừa cân, béo phì.

- Tiền sử gia đình có thể tăng nguy cơ,…

Tỷ lệ mắc thoái hóa cột sống cổ?

- 25% người dưới 40 tuổi; 60% người trên 40 tuổi.

- 62% những người trên 40 tuổi có bất thường trên MRI.

- Nhật Bản (những người không có triệu chứng): Gần 90% trên 60 tuổi có bất thường về thoái hóa cột sống.

- Những người có triệu chứng: 89,7%.

- Vị trí thường gặp nhất tại đốt sống cổ 5,6 và 6,7.

Triệu chứng thoái hóa cột sống cổ?

- Đau và cứng cổ: Đau nhức liên tục hoặc cứng cổ vào buổi sáng.

- Đau lan tỏa: Đau từ cổ lan xuống vai và cánh tay.

- Tê bì và ngứa ran: Cảm giác tê hoặc ngứa ran ở tay và ngón tay.

- Yếu tay và bàn tay: Khó nắm giữ đồ vật hoặc làm việc với tay.

- Đau đầu: Đau vùng sau gáy.

- Mất thăng bằng và phối hợp động tác: Khó giữ thăng bằng hoặc điều khiển các động tác.

Một số bệnh khác giống triệu chứng?

- Bệnh đám rối cánh tay.

- Hội chứng ống cổ tay.

- Bệnh thần kinh ngoại biên/viêm dây thần kinh.

- Bệnh ác tính (khối u chèn thần kinh).

- Đau cơ.

- Thoái hóa đốt sống cổ.

- Bong gân, dây chằng, co cơ.

- Viêm khớp dạng thấp.

- Đau cơ xơ hóa.

- Bệnh lý đau khớp vai.

- Nhiễm trùng/viêm xương đĩa đệm.

Nếu không điều trị sẽ như thế nào?

- Đau.

- Hạn chế vận động.

-  Suy giảm chất lượng cuộc sống.

- Rối loạn nghiêm trọng: Yếu, liệt, đại tiểu tiện không tự chủ,…

Làm gì để giảm nguy cơ thoái hóa?

- Duy trì tư thế đúng.

- Tư thế làm việc đúng, nâng vật đúng cách.

- Duy trì tư thế sinh hoạt đúng.

- Tập thể dục thường xuyên: Bơi, yoga.

- Liệu pháp nhiệt.

- Chế độ ăn uống lành mạnh.

Khi nào cần đi khám?

- Đau kéo dài hoặc nghiêm trọng: Đau không giảm sau vài tuần.

- Triệu chứng thần kinh (yếu ớt, tê bì): Yếu cơ, tê bì hoặc ngứa ran không cải thiện.

- Mất phối hợp, đi lại mất thăng bằng: Khó khăn trong việc giữ thăng bằng hoặc di chuyển.

Tóm tắt các điểm chính về thoái hóa cột sống cổ

- Phát hiện triệu chứng và nguyên nhân: Điều trị sớm và tuân thủ biện pháp điều trị.

- Tầm quan trọng của chấn đoán và điều trị sớm: Ngăn ngừa biến chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống.

- Khuyến khích lối sống lành mạnh: Duy trì thói quen lành mạnh để bảo vệ cột sống.

 Thu Trang

comment Bình luận

largeer