Thủ tướng: Chất vấn của đại biểu Quốc hội 'tuyệt vời'

Khép lại phiên chất vấn của Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá các chất vấn của ĐBQH rất nhiều câu “tuyệt vời”.
By N.N/ Sức Khỏe Cộng Đồng
11/11/2020 06:40
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao phiên chất vấn Quốc hội. (Ảnh: Quốc hội).

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao phiên chất vấn Quốc hội. (Ảnh: Quốc hội).

Chất vấn thẳng thắn, sôi nổi

Trưa 10/11, phiên chất vấn - trả lời chất vấn tại Quốc hội đã khép lại với phần đăng đàn của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Đây là lần cuối Thủ tướng và các thành viên Chính phủ giải trình, trả lời chất vấn trực tiếp trước Quốc hội khóa XIV.

Khái quát lại sau 2,5 ngày, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết đã có 122 đại biểu Quốc hội chất vấn, 41 đại biểu tranh luận.  Về phía thành viên Chính phủ, 3 phó thủ tướng cùng 17 bộ trưởng, trưởng ngành đã trực tiếp trả lời về các vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý, điều hành. Đáng chú ý, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội cũng trả lời trực tiếp chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá phiên chất vấn diễn ra dân chủ, thẳng thắn và trách nhiệm, có sự trao đổi, tranh luận sôi nổi để làm rõ thêm những vấn đề mà đại biểu và cử tri quan tâm. Đại biểu Quốc hội đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, nghiên cứu kỹ các báo cáo, đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, đi thẳng vào nội dung chất vấn.

Các thành viên Chính phủ, trưởng ngành cơ bản đã trả lời rõ, thẳng thắn về kết quả đạt được, những hạn chế, yếu kém, chỉ rõ nguyên nhân, nhận trách nhiệm và có giải pháp cụ thể để khắc phục. Tuy nhiên, cũng có vấn đề trả lời còn chưa đáp ứng được yêu cầu của đại biểu, chưa làm rõ được trách nhiệm nên còn có ý kiến tranh luận, trao đổi lại.

Qua phiên chất vấn và báo cáo của các cơ quan, Chủ tịch Quốc hội nhận định bức tranh tổng thể trong việc triển khai thực hiện các yêu cầu của Quốc hội là toàn diện, có chiều sâu, kết quả tích cực là chủ đạo.

Chủ tịch Quốc hội cũng thẳng thắn nêu nhiều chỉ tiêu, yêu cầu chưa đạt, chưa giải quyết dứt điểm hoặc vẫn còn có những khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục có giải pháp căn cơ để triển khai, khắc phục. Có những vấn đề đã được Quốc hội yêu cầu nhiều lần nhưng chuyển biến chậm, chưa đạt kết quả đề ra.

Nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế có cả khách quan và chủ quan, trong đó có nguyên nhân từ bất cập trong chính sách pháp luật, từ tổ chức thực hiện, từ việc thiếu nguồn lực, nhưng cũng có nguyên nhân xuất phát từ tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức và của đội ngũ cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ.

Cần đổi mới, đảm bảo môi trường

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ nhiều nhóm giải pháp cần tập trung triển khai trong thời gian tới, trong đó có việc đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới nền công chức, công vụ.

Cùng với đó là việc tăng cường hiệu quả, chất lượng đầu tư; đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; tập trung nguồn lực, nguồn vốn cho các công trình trọng điểm, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội đề nghị có các giải pháp để bảo đảm cân đối ngân sách an toàn trong bối cảnh tác động của đại dịch Covid 19 và ảnh hưởng của thiên tai.

Mặt khác, rà soát, điều chỉnh, xử lý, thu hồi các “dự án treo”, bảo đảm quyền lợi của người dân trong khu vực quy hoạch; rà soát việc thành lập các hãng hàng không, xã hội hóa cảng hàng không; tập trung triển khai, đưa vào vận hành các dự án giao thông trọng điểm tại các thành phố lớn và có tính chất liên vùng; tiếp tục rà soát hệ thống thu phí BOT.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng lưu ý tăng cường công tác quản lý Nhà nước về môi trường, đặc biệt là đánh giá tác động môi trường trong việc thực hiện các dự án kinh tế - xã hội; giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.

Thủ tướng khen "tuyệt vời"

Phát biểu tại nghị trường, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết ông đã ghi lại và giao các cơ quan chức năng tổng hợp trả lời các đại biểu Quốc hội, trong đó có rất nhiều câu “tuyệt vời”. 

Về chất vấn của đại biểu Ksor H’Bơ Khăp (Gia Lai) liên quan đến văn hóa từ chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Luật Cán bộ, công chức đã quy định nội dung này.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Quốc hội. (Ảnh: Quốc hội).

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Quốc hội. (Ảnh: Quốc hội).

Theo đó, cán bộ công chức, lãnh đạo, quản lý không đủ sức khỏe, năng lực, uy tín; theo yêu cầu nhiệm vụ hoặc lý do khác thì được thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm.

Quyết định 1847 của Thủ tướng nêu rõ cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo chủ động xin thôi giữ chức vụ khi thấy bản thân còn hạn chế về năng lực và uy tín.

Để có văn hóa từ chức, theo Thủ tướng, mỗi cán bộ, công chức cần phát huy vai trò, trách nhiệm và tinh thần nêu gương, gương mẫu trước nhân dân, Đảng và Nhà nước.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) và Lê Thanh Vân (Cà Mau) về chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, Thủ tướng cho biết Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng Đề án vị trí việc làm; trong đó xác định tiêu chí, điều kiện cụ thể về phẩm chất, đạo đức, năng lực chuyên môn của từng vị trí làm cơ sở thực hiện tuyển dụng, đánh giá, sử dụng cán bộ, công chức.

Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ để quy định chi tiết chính sách phát hiện, thu hút, trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng đối với người có tài năng.

Theo người đứng đầu Chính phủ, người tài không chỉ làm trong Nhà nước mà có thể làm ở doanh nghiệp tư nhân và nước ngoài, trong lĩnh vực kinh tế ngoài Nhà nước… Nhưng Nhà nước phải tìm cách thu hút nhiều người tài vào quản trị đất nước.

Bài liên quan
comment Bình luận

largeer