Thừa Thiên Huế triển khai Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường đợt 1 năm 2024

Để chủ động ngăn chặn dịch bệnh trên gia súc, gia cầm phát sinh và lây lan, đồng thời ngăn ngừa bệnh truyền lây từ động vật sang người, bảo đảm an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh cho phát triển chăn nuôi, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành công văn số 2001/UBND-NN yêu cầu triển khai “Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường” đảm bảo hiệu quả.
05/03/2024 14:39

Trong đó, tổ chức, triển khai tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường tại các vùng trọng điểm, vùng nguy cơ cao, thường xuyên xuất hiện dịch bệnh. Thời gian thực hiện đồng loạt từ ngày 1-31/3/2024, đồng thời thực hiện với phong trào ngày Chủ nhật xanh.

Chỉ đạo chính quyền cấp xã tổ chức các đội tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng cho khu vực chăn nuôi hộ gia đình, chợ buôn bán động vật sống và sản phẩm động vật ở dạng tươi sống, địa điểm thu gom động vật sống và sản phẩm động vật để buôn bán, kinh doanh, khu vực chôn lấp, xử lý tiêu hủy động vật mắc bệnh, sản phẩm động vật mang mầm bệnh, khu vực thu gom, xử lý chất thải của động vật,...; việc phun khử trùng được thực hiện sau khi đã được vệ sinh cơ giới như quét dọn, cọ, rửa sạch,... Các cơ sở chăn nuôi tập trung, cơ sở giết mổ động vật tập trung, cơ sở ấp trứng gia cầm, thủy cầm,... tự đảm bảo vật tư, kinh phí, tổ chức thực hiện việc vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại cơ sở và khu vực xung quanh dưới sự giám sát của chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn thú y.

tieudoc

(Ảnh: Báo Thừa Thiên Huế)

Tại cửa khẩu biên giới, phối hợp với Ban quản lý cửa khẩu bố trí hố sát trùng, phối hợp Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật qua lại. Đối với các đường mòn, lối mở ở biên giới, chính quyền địa phương cấp xã bố trí hố sát trùng hoặc rải vôi bột theo quy định.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định của Luật thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thú y, các Chương trình, Kế hoạch phòng chống dịch bệnh đã được UBND tỉnh phê duyệt, chỉ đạo. Đặc biệt, chú trọng công tác rà soát, tiêm phòng cho đàn vật nuôi, chủ động giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý dứt điểm các ổ dịch khi mới phát hiện, ở phạm vi hẹp; báo cáo dịch bệnh; thông tin, tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.

Sở Y tế chỉ đạo cơ quan y tế các cấp phối hợp ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện khử trùng, tiêu độc môi trường để phòng dịch, bệnh lây lan cho người.

Hội Nông dân tỉnh tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền đến hội viên và các tầng lớp nhân dân về bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bệnh, ý nghĩa của phong trào này bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú; tiếp tục phát triển các mô hình tốt, duy trì và nhân rộng các mô hình đã thực hiện, xây dựng các mô hình tự quản về bảo vệ môi trường tại các thôn, làng, bảng, tổ dân phố, các mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật trong hoạt động sản xuất về bảo vệ môi trường nhằm góp phần xây dựng hiệu quả phong trào tại mỗi địa phương, đơn vị.

Tỉnh đoàn Thừa Thiên Huế phối hợp với các sở, ban, ngành và các đơn vị đóng trên địa bàn tỉnh huy động đông đảo đối tượng tham gia Ngày Chủ nhật xanh. Phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương tuyên truyền, đưa tin phản ánh kịp thời các hoạt động hưởng ứng phong trào diễn ra trên toàn địa bàn toàn tỉnh.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế, Hội Nông dân tỉnh, Tỉnh đoàn Thừa Thiên Huế kết hợp việc thực nội dung Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường đợt 1/2024 trong kế hoạch, kết hợp thực hiện với phong trào ngày Chủ nhật xanh các tháng đầu năm 2024, đảm bảo có hiệu quả, thiết thực.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành, các đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện.

Minh Quân

comment Bình luận

largeer