Tiểu hồi hương điều trị đau xóc dưới sườn, lạnh bụng, khó tiêu

Trong Đông y có đại hồi hương và tiểu hồi hương. Đại hồi hương là quả có nhiều cánh như ngôi sao, được các bà nội trợ hay dùng để nấu bún bò Huế. Còn tiểu hồi hương – vị thuốc này cũng được dùng trong ẩm thực nhưng ít được chú ý hơn.
20/07/2023 17:34

Vài nét về cây tiểu hồi hương

Cây tiểu hồi hương có tên khoa học là Foeniculum vulgare, bề ngoài trông rất giống rau thì là mà chúng ta hay dùng hàng ngày nên nhiều người hay nhầm lẫn.

Đặc điểm cây: Tiểu hồi là cây thân cỏ, cao chưa đến 2m, lá mọc cách và có bẹ lá to dày, phiến lá có hình lông chim. Hoa của cây mọc thành tán và có màu vàng lục.

Cách thu hái: Khi quả gần chín (nhiều quả đã chuyển sang màu vàng nâu và bắt đầu khô dần) thì chúng ta nhổ cây, đem vào để ở chỗ mát cho khô dần rồi đập cho quả rụng, thu lấy quả rồi sàng sẩy cho sạch để làm thuốc (trường hợp cây có nhiều tán và quả chín không đều thì chỉ chỉ cắt những cụm chín đem về).

Công dụng làm thuốc của tiểu hồi hương

Toàn cây tiểu hồi đều có tinh dầu với mùi hương đặc biệt và dễ chịu của hồi. Tuy nhiên, bộ phận được dùng làm thuốc chủ yếu là quả.

Được biết, quả tiểu hồi – ngoài tinh dầu thơm còn có dầu béo. Xét về vị, tiểu hồi hơi cay, về tính chất ôn ấm và khi uống vào cơ thể thì thông vào gan, thận, lá lách và dạ dày.

Trong Đông y, tiểu hồi được biết đến với các công dụng như:

- Giúp trừ lạnh, kích thích tiêu hóa và giảm buồn nôn.

- Điều trị đầy bụng, khó tiêu do tỳ vị hư hàn và đau lưng do suy thận.

- Giúp giải độc khi bị ngộ độc thực phẩm.

Theo y học hiện đại, tiểu hồi có các công dụng khác như:

- Làm tan đờm.

- Giúp lợi niệu, lợi sữa.

- Giúp chống co thắt.

Liều lượng: Mỗi ngày, mỗi người trưởng thành chỉ dùng một lượng nhỏ từ 3 – 6g. 

Cách thức: Tán thành bột, ngâm rượu hoặc sắc lấy nước uống.

Cây tiểu hồi hương. Ảnh: Caythuoc.org

Cây tiểu hồi hương. Ảnh: Caythuoc.org

Các thang thuốc thường dùng

Điều trị lạnh bụng, đau bụng, yếu mệt và đau tức ngực

Chuẩn bị: Tiểu hồi, nhục đậu khấu, cam thảo Bắc, bạch phục linh và mộc hương (mỗi vị 4g); phụ tử, củ gừng khô và đinh hương (mỗi loại 2g), nhân sâm và bạch truật (mỗi loại 8g).

Thực hiện: Nấu lấy nước uống mỗi ngày một thang.

Điều trị bệnh sa đì (ở nam giới)

Chuẩn bị: Tiểu hồi, táo mèo, ngô thù du, chỉ thực, bạch truật và bạch phục linh (mỗi loại 4g), hạt vải và hạt quýt (mỗi loại 6g).

Thực hiện: Tán nhuyễn các vị trên thành bột rồi vo thành viên cùng với mật ong, bảo quản trong hủ thủy tinh để dùng dần.

Liều lượng: Mỗi lần uống khoảng 8g thuốc viên và uống hai lần mỗi ngày.

Điều trị lỵ và lỵ ra máu (kinh nghiệm của người Nepal)

Chuẩn bị: 10 quả tiểu hồi (đem sao lên) và một ít đường phèn.

Thực hiện: Cho tiểu hồi vào nước nóng rồi để đường phèn vào, đợi cho nước ấm lại thì chắt ra uống.

Ghi chú: Uống trước khi đi ngủ và uống hai hoặc ba ngày liên tiếp.

Điều trị chứng đau xóc dưới sườn

Chuẩn bị: 40g quả tiểu hồi hương (sao vàng) và 20g chỉ xác (sao lên).

Thực hiện: Xay nát hai vị trên rồi chia thành nhiều lần dùng.

Liều lượng: Mỗi lần uống thì lấy 8 g bột, cho chút muối vào rồi hòa với rượu và uống (ngày uống hai lần).

Lưu ý khi dùng tiểu hồi hương

Đối tượng cần tránh: Tiểu hồi có tính ôn ấm nên những người âm hư hỏa vượng không nên dùng.

Liều lượng: Cần tuân thủ về liều lượng. Nếu dùng thuốc quá liều sẽ dễ dẫn đến động kinh.

Phân biệt: Cây tiểu hồi nhìn sơ qua thì rất giống cây thì là, vì vậy nhiều người hay nhìn nhầm, thu hái nhầm. Ngoài ra, cây tiểu hồi cũng khá giống cây hồi cần, hay còn gọi là dương hồi hương (có tên khoa học là Pimpinella anisum).

Thông tin thêm

Sau khi uống quả tiểu hồi, người bệnh có thể có biểu hiện “xì hơi” (đây là biểu hiện bình thường vì quả tiểu hồi có tác dụng gây trung tiện – tinh dầu tiểu hồi cũng có tác dụng tương tự).

Ngoài quả thì rễ của cây tiểu hồi cũng được dùng làm thuốc lợi tiểu, liều dùng thông thường là từ 15 – 20g mỗi ngày, hãm uống như trà.

Cây tiểu hồi thích hợp nhất là ở vùng ôn đới (ở nước ta cũng có nhập về trồng).

Theo Caythuoc.org

comment Bình luận

largeer