Tinh bột kháng có lợi cho người mắc bệnh gan nhiễm mỡ

Theo phát hiện mới công bố trên Tạp chí Cell Metabolism, tinh bột kháng có tác động tích cực đến quá trình trao đổi chất của cơ thể. Loại tinh bột này cũng có thể giúp giảm tổn thương và viêm gan, đồng thời giảm nguy cơ phát triển bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD).
17/09/2023 16:21

Chuyên gia dinh dưỡng Mỹ Caroline Thomason cho biết, tinh bột kháng là một chất bột - đường (carbohydrate) hoạt động giống như chất xơ nhiều hơn là tinh bột. Nó được tiêu hóa chậm và có tác dụng tích cực đối với sức khỏe của người mắc bệnh tiểu đường, bệnh tim và bệnh đường tiêu hóa. Những nguồn cung tốt về tinh bột kháng gồm: các loại đậu (đặc biệt là đậu lăng), khoai tây và cơm nấu chín để nguội, yến mạch qua đêm, chuối xanh, bắp và các loại ngũ cốc. Dù vậy, các chuyên gia cũng khuyến cáo mọi người không nên tiêu thụ quá nhiều tinh bột kháng vì có thể dẫn tới chướng bụng, đầy hơi, nhất là với một số người có hệ tiêu hoá nhạy cảm.

Để tìm hiểu tác động của tinh bột kháng đối với sức khỏe bệnh nhân NAFLD, nhóm nghiên cứu quốc tế gồm các chuyên gia đến từ Đức và Trung Quốc đã yêu cầu chuyên gia dinh dưỡng thiết kế cho 200 bệnh nhân NAFLD một chế độ ăn uống cân bằng dưỡng chất. Trong đó, phân nửa số người tham gia được cho tiêu thụ loại tinh bột kháng nguồn gốc từ bắp, nhóm còn lại dùng tinh bột bắp không kháng, với hàm lượng calo tương đương nhau. Các nhà khoa học đã hướng dẫn cả hai nhóm uống 40gr tinh bột pha với 300ml nước trước bữa ăn 2 lần/ngày.

Nhóm thực phẩm chứa tinh bột kháng. Ảnh: News-medical.net

Nhóm thực phẩm chứa tinh bột kháng. Ảnh: News-medical.net

Kết quả đánh giá sau 4 tháng cho thấy so với nhóm đối chứng, nhóm được dùng tinh bột kháng tiêu chuẩn có hàm lượng chất béo trung tính (triglyceride) trong gan thấp hơn gần 40%. Ngoài ra, men gan và các yếu tố gây viêm liên quan đến NAFLD của họ cũng giảm đi. Kết quả cải thiện sức khỏe này vẫn hiện hữu khi các nhà khoa học tính đến yếu tố giảm cân.

Để tìm hiểu sâu thêm, nhóm chuyên gia tiến hành giai đoạn nghiên cứu thứ hai bằng cách phân tích mẫu phân của những người tham gia. Họ nhận thấy nhóm tiêu thụ tinh bột kháng có thành phần vi sinh vật khác biệt. Cụ thể là họ có hàm lượng thấp hơn về Bacteroides stercoris, một loại vi khuẩn có thể ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa chất béo ở gan.

Và sau khi cấy hệ vi sinh vật trong phân của những người tham gia điều trị bằng tinh bột kháng sang những con chuột có chế độ ăn nhiều chất béo và mức cholesterol trong máu cao, nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng trọng lượng gan và mức triglyceride của chúng đã giảm đáng kể, đồng thời cải thiện chất lượng mô gan so với những con chuột nhận được hệ vi sinh vật từ nhóm đối chứng.

Được biết, hiện có khoảng 30% dân số thế giới mắc NAFLD, căn bệnh hiện chưa có thuốc điều trị. Vì vậy, bệnh lý này đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp vào loại dịch bệnh. Rối loạn chuyển hóa này cũng có thể làm trầm trọng thêm các bệnh nguy hiểm khác như tiểu đường tuýp 2 hoặc bệnh tim mạch (và 2 bệnh này cũng làm tăng nguy cơ NAFLD). Các nghiên cứu trước đây cho thấy nguy cơ khởi phát NAFLD có liên quan chặt chẽ đến hệ vi khuẩn ruột và thực phẩm nhắm tới nuôi dưỡng hệ vi sinh vật này có thể là một biện pháp can thiệp phi dược lý hiệu quả để đối phó với NAFLD.

Theo MedicalNewsToday

comment Bình luận

largeer