Tổng kết phong trào thi đua An toàn thực phẩm trong giai đoạn 2016 – 2020

Chiều ngày 22/10, UBND Thành phố Hà Nội đã tổ chức hội nghị tổng kết phong trào thi đua An toàn thực phẩm (ATTP) giai đoạn 2016 - 2020 và tiến hành đánh giá 1 năm triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành An toàn thực phẩm tuyến quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn
23/10/2020 15:58

Trong 5 năm triển khai phong trào thi đua ATTP giai đoạn 2016 - 2020, Hà Nội đã xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả nhiều mô hình trong quản lý ATTP góp phần vào việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân. Đặc biệt, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, các cấp trong việc kiểm tra, giám sát công tác ATTP trên địa bàn.

Công tác thanh tra, kiểm tra luôn được tăng cường, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán, lễ hội, các đợt cao điểm về ATTP, Tháng hành động về ATTP, Tết Trung thu.., xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm theo đúng quy định. Duy trì và xây dựng tuyến phố ATTP có kiểm soát tại 14 tuyến phố của 12 quận, huyện với tổng số 508 cơ sở, tỷ lệ các tiêu chí ATTP đạt từ 80,7% đến 100%, kiểm soát bữa cỗ tập trung đông người, mô hình cảnh báo nhanh về ATTP, quản lý ATTP đối với chợ dân sinh giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn thành phố Hà Nội. Triển khai đề án “Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành của thành phố Hà Nội", mô hình hỗ trợ sản xuất, kết nối tiêu thụ, phát triển chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn, phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản thực phẩm thành phố Hà Nội, phát triển chợ thương mại điện tử tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn…

122171153_1105819343180836_2036503680987589775_n

Tại hội nghị có 37 tập thể và 49 cá nhân được tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội vì có thành tích trong phong trào thi đua ATTP giai đoạn 2016-2020.

Tại hội nghị, ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ năm 2016 đến nay, toàn thành phố kiểm tra được 520.506 lượt cơ sở, xử phạt 31.065 cơ sở vi phạm với tổng số tiền hơn 134,8 tỷ đồng, trong đó khởi tố 12 vụ và 14 bị can có hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng... Hàng năm, thành phố tổ chức đánh giá và chấm điểm công tác ATTP của các quận, huyện, thị xã và cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Các quận, huyện, thị xã đạt xuất sắc trong công tác ATTP hàng năm đều tăng. Cụ thể, nếu như năm 2017 mới có 6 đơn vị, thì đến năm 2019 đã tăng lên 11 đơn vị.

Từ năm 2016, Hà Nội triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tại 5 quận, huyện và 10 xã, phường. Với những kết quả tích cực sau thí điểm, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, từ ngày 10/7/2019, Hà Nội mở rộng thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tại 30 quận, huyện, thị xã và 579 xã, phường, thị trấn. Cho đến nay, sau 1 năm triển khai, các đoàn thanh tra chuyên ngành đã kiểm tra được 8.119 cơ sở, qua đó phát hiện và xử lý 2.050 cơ sở vi phạm (chiếm 25,2%) với tổng số tiền phạt hơn 3,7 tỷ đồng. So với kết quả kiểm tra cùng kỳ trước khi tiến hành thí điểm thanh tra chuyên ngành, tỷ lệ số cơ sở vi phạm bị xử phạt vi phạm hành chính tăng từ 3,3% lên 8,3%, đặc biệt với tuyến xã, phường.

Trong thời gian tới, TS. Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm thành phố Hà Nội cho biết, thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, hậu kiểm và xử lý nghiêm, kể cả về hình sự các tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng các quy định về ATTP gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng. Đặc biệt, sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc trong công tác ATTP.Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đã biểu dương sự vào cuộc của các sở, ngành, các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn trong công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn thành phố thời gian qua. Đồng thời nhấn mạnh phong trào thi đua ATTP giai đoạn 2021-2025 sẽ tiếp tục tập trung vào 7 nhiệm vụ chính là thi đua thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước của các ngành, các cấp thuộc thành phố; thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; tăng cường công tác truyền thông về ATTP; phát triển các vùng sản xuất, kết nối tiêu thụ các thực phẩm an toàn; kiểm soát thực phẩm đầu vào; nghiên cứu, thực hiện thí điểm một số quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về thực phẩm tiêu dùng cũng như thực phẩm xuất khẩu; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ, truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm an toàn.

Cũng tại hội nghị quận Cầu Giấy, huyện Đan Phượng được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 2 tập thể được UBND thành phố Hà Nội tặng cờ Đơn vị xuất sắc phong trào thi đua ATTP trong giai đoạn 2016-2020; 37 tập thể và 49 cá nhân được tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội vì có thành tích trong phong trào thi đua ATTP giai đoạn 2016-2020. Có 8 tập thể và 7 cá nhân được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội trong triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP.

Thanh Hằng

comment Bình luận

largeer